Palestine: Hamas và Fatah đạt được thỏa thuận về hòa giải chính trị

Thứ Sáu, 13/10/2017, 08:08
Ngày 12-10, hai phong trào chính trị chính của Palestine là phong trào Kháng chiến Hồi giáo (Hamas) và phong trào Giải phóng Dân tộc Palestine (Fatah) đã đạt được một thỏa thuận liên quan tới hòa giải chính trị trong khuôn khổ các cuộc đàm phán về hòa giải giữa hai phong trào này bắt đầu hôm 10-10 tại Cairo, Ai Cập dưới sự bảo trợ của chính quyền nước chủ nhà.


Đây là cuộc đàm phán đầu tiên của các nhà lãnh đạo Fatah và Hamas để giải quyết các vấn đề còn bất đồng và tìm kiếm thỏa thuận hòa giải nhằm chấm dứt một thập kỷ chia rẽ giữa các phe phái người Palestine.

Phát biểu trước báo giới tại thủ đô Cairo, hôm 11-10, Đại sứ Palestine tại Ai Cập Jamal al-Shoubaky cho biết, Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas đã yêu cầu phái đoàn của phong trào Fatah đang tham gia tiến trình đàm phán tại Cairo nỗ lực hết sức để đạt được hòa giải với phong trào đối địch Hamas.

Bên cạnh đó, Tổng thống Abbas khẳng định, đối thoại Cairo lần này là cơ hội lịch sử để các bên đạt được sự hòa giải được mong đợi lâu nay giữa các phe phái chính trị ở Palestine.

Trong các cuộc tiếp xúc với người đồng cấp Ai Cập Abdel-Fattah El-Sissi, ông Abbas luôn khẳng định sự ủng hộ đối với các nỗ lực của Cairo trong việc thúc đẩy tiến trình hòa giải và chấm dứt xung đột giữa Fatah và Hamas.

Thủ tướng Rami Hamdallah (phải) và lãnh đạo chính trị của Hamas Ismail Haniya tại Dải Gaza hôm 2-10. Ảnh: Reuters

Đối thoại Cairo diễn ra sau khi phong trào Hồi giáo Hamas hôm 19-9 thông báo Hội đồng hành chính do phong trào này thành lập để điều hành Dải Gaza và chuyển giao các chức năng chính quyền tại vùng lãnh thổ này cho chính quyền dân tộc Palestine của Tổng thống Abbas hoạt động tại khu Bờ Tây.

Hồi tuần trước, Thủ tướng Chính phủ đoàn kết Palestine Rami Hamdallah, các quan chức trong nội các và người đứng đầu cơ quan an ninh Palestine đã tới Dải Gaza để tiếp quản quyền kiểm soát vùng lãnh thổ này từ tay phong trào Hamas.

Có thể nói, vòng đàm phán tại Cairo lần này được đánh giá là bước tiến quan trọng nhằm hoàn thiện việc thống nhất chính quyền giữa Fatah và Hamas, và cũng là một bước đi lịch sử đối với tiến trình hòa giải giữa hai bên. Hòa hợp dân tộc vẫn luôn là ước vọng của người dân Palestine.

Lâu nay, họ mong muốn Hamas và Fatah chấm dứt xung đột để giảm bớt cuộc sống khổ cực tại Dải Gaza và đạt được sự thống nhất quốc gia, giúp tăng cường vị thế của Palestine trong tiến trình hòa bình Trung Đông với Israel. Việc Hamas chủ trương đấu tranh vũ trang đã dẫn đến những cuộc xung đột với Israel, thậm chí tạo cớ cho quốc gia này từ bỏ các cam kết và làm đình trệ tiến trình hòa bình Trung Đông.

Do đó, việc hòa hợp Hamas và Fatah có ý nghĩa chính trị rất lớn đối với Palestine nói riêng, tiến trình hòa bình của khu vực nói chung. Thỏa thuận mà hai bên đạt được lần này sẽ mở ra cánh cửa tương lai tốt đẹp không chỉ với người dân Palestine mà còn đối với hòa bình trong khu vực và thế giới.

Mặc dù vậy, theo giới phân tích, thỏa thuận hòa giải mà Fatah và Hamas đạt được là một sự mở đầu tốt đẹp, nhưng điều này không có nghĩa là mọi việc sẽ diễn ra êm thấm. Giải quyết những vấn đề mang tính chất tổ chức trên đã hết sức phức tạp, thì những vấn đề liên quan đến quan điểm chính trị, đến giải pháp cho cuộc xung đột với Israel sẽ còn phức tạp hơn rất nhiều.

Chấp nhận hoà giải với Fatah có nghĩa là Hamas phải đồng ý hành động theo Cương lĩnh chính trị của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO). Họ sẽ phải chấp nhận Thỏa thuận hoà bình Oslo, tức là đấu tranh với Israel bằng các phương tiện hoà bình trên cơ sở luật pháp quốc tế và các nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. Họ cũng sẽ phải công nhận Nhà nước Israel và thành lập một Nhà nước Palestine độc lập trong đường biên giới năm 1967.

Do đó, để tiến tới hoà giải thực sự, Hamas và Fatah phải có thiện chí và quyết tâm cao, đặt lợi ích dân tộc và nhân dân Palestine lên trên hết nhằm giải quyết những bất đồng kéo dài nhiều năm nay.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.