Nước Anh phân cực vì “đi hay ở” EU

Thứ Ba, 23/02/2016, 08:13
Ngay sau khi đạt thỏa thuận với Liên minh châu Âu (EU) về việc giữ Anh ở lại “mái nhà chung châu Âu”, Thủ tướng xứ sở sương mù David Cameron đã tổ chức cuộc họp với các bộ trưởng hàng đầu của nước này nhằm tìm kiếm sự ủng hộ của nội các về thỏa thuận trên. Tiếp đó, ngày 22-2, ông đã chính thức khởi động chiến dịch vận động ủng hộ Anh ở lại EU. Tuy nhiên, hiện vẫn chưa có sự đồng thuận trong dư luận về khả năng Anh ra khỏi EU (Brexit).

Điều không ngờ tới là một loạt các bộ trưởng thân cận của Thủ tướng Anh, trong đó có Bộ trưởng Tư pháp Michael Gove lại tuyên bố sẽ vận động cử tri Anh bỏ phiếu ra khỏi EU trong cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU dự kiến diễn ra vào ngày 23-6 tới.

Ngoài ra, Thị trưởng London Boris Johnson - một người bạn cũ, một thành viên thuộc đảng Bảo thủ cầm quyền và cũng là ứng cử viên sáng giá thay thế ông Cameron trong nhiệm kỳ tới – trong tuyên bố ngày 21-2 cũng khẳng định ủng hộ chiến dịch vận động nước Anh rời khỏi EU, bất chấp sự can ngăn “đừng lùi vào bóng tối” của Thủ tướng Anh.

Ông Johnson cho biết, việc đưa ra tuyên bố trên là một quyết định khó khăn nhưng ông muốn một thỏa thuận tốt hơn cho đất nước này. Theo ông Boris Johnson, Thủ tướng Anh đã làm được một điều tuyệt vời khi đạt được thỏa thuận với các nhà lãnh đạo EU nhưng “không ai có thể nói rằng, đó là sự cải cách cơ bản đối với liên minh này”.

Thị trưởng London nhấn mạnh sự ủng hộ mối liên hệ trên cơ sở “thương mại và hợp tác” chứ không phải như một “dự án chính trị”. Thị trưởng Johnson cho rằng, dự án EU đã bị biến thể và phát triển theo một cách khó xác định so với mục tiêu ban đầu và việc muốn rời khỏi liên minh không thể bị coi là “bài ngoại”. Theo ông, EU đang xâm nhập quá sâu vào từng ngóc ngách chính trị của các vùng và các quốc gia thành viên. Ông nhấn mạnh cuộc trưng cầu ý dân ngày 23-6 tới là cơ hội duy nhất để thay đổi quan hệ giữa Anh và EU.

Tuyên bố mới của ông Johnson được cho là lợi thế đối với chiến dịch vận động “Brexit” bởi ông là một chính trị gia được lòng công chúng, thậm chí với cả những người không có cùng quan điểm chính trị. Rõ ràng, sự tham gia của một loạt nhân vật cao cấp trong nội các, kéo theo sự ủng hộ của khoảng 100 nghị sĩ vào chiến dịch “bỏ phiếu rời khỏi EU” có thể lôi kéo được một lượng đáng kể những cử tri đã chán ngán “ngôi nhà chung châu Âu”.

Liệu kịch bản Brexit có xảy ra? 

Tuy vậy, xét về tương quan lực lượng, phe ủng hộ ở lại EU lại đang mạnh hơn. Người đứng đầu các “bộ sức mạnh” như Ngoại giao, Quốc phòng, Nội vụ, Tài chính đều khẳng định đứng về phía Thủ tướng Cameron. Bộ trưởng Nội vụ Theresa May khẳng định sẽ ủng hộ Thủ tướng Cameron. Bà cho rằng, Anh nên tiếp tục là thành viên của EU vì lý do an ninh, chống tội phạm và khủng bố, mậu dịch với EU và tiếp cận các thị trường trên toàn cầu là lợi ích quốc gia của Anh. Bên cạnh đó là hầu hết nghị sĩ Công đảng, đảng Dân chủ Tự do (LibDem) và đảng Xanh.

Chưa hết, người người đứng đầu Chính phủ Anh còn có được sự hậu thuẫn của giới doanh nghiệp. Theo tạp chí Finacial Times của Anh số ra ngày 22-2, tại thời điểm hiện nay, văn phòng của Thủ tướng Cameron đã nhận được sự ủng hộ của gần 50 trong 100 tập đoàn lớn, trong đó có tập đoàn dầu khí BP và Shell, công ty khai thác mỏ Rio Tinto, Tập đoàn Viễn thông Vodafone và BT, Tập đoàn Quốc phòng BAE Systems, Ngân hàng HSBC. Finacial Times nêu rõ, vào ngày 23-2 tới, nhóm các nhà lãnh đạo này sẽ công bố bức thư ngỏ chung, trong đó tuyên bố rằng nước Anh sẽ “hùng mạnh hơn, an toàn hơn và thịnh vượng hơn” trong một EU đã được cải cách.

Trong khi đó, lãnh đạo của một nửa trong tổng số 100 tập đoàn lớn nhất của Anh cũng tuyên bố muốn London tiếp tục là thành viên EU, đồng thời khẳng định sẽ thể hiện sự ủng hộ đối với Thủ tướng bằng hành động cụ thể trong tuần này.

Về phía công chúng, theo kết quả cuộc thăm dò ý kiến, được đăng tải trên tờ Mail on Sunday số ra ngày 21-2, có 48% số người được hỏi cho rằng nước Anh nên ở lại EU, trong khi 33% số người có ý kiến ngược lại. Bên cạnh đó, có tới 19% số người được hỏi chưa có sự lựa chọn cuối cùng.

Thực tế cho thấy, khi quyền quyết định nằm trong tay người dân, chưa ai có thể dự đoán trước về việc liệu kịch bản Brexit có xảy ra hay không. Và mọi ánh mắt giờ tiếp tục đổ dồn vào đương kim Thủ tướng Anh, để chờ đợi những nỗ lực bằng “cả trái tim và tinh thần” của ông liệu có giúp cho EU, cũng như cho chính bản thân Anh tránh khỏi không chỉ là một “cuộc chia ly thảm họa” mà còn có thể “tan đàn xẻ nghé” sau đó bởi xứ Scotland, vì lí do ủng hộ EU, sẽ đòi tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý nữa để tách khỏi Vương quốc Anh. Thủ tướng Cameron không còn cách nào khác là phải tận dụng từng giây từng phút để lôi kéo nhóm “chưa quyết định” về phía mình.

Khổng Hà
.
.
.