‘Nóng’ từ Trung Đông tới Biển Đông
- Saudi Arabia "thêm dầu vào lửa" ở Trung Đông/ Việt Nam phản đối Trung Quốc đưa máy bay ra đá Chữ Thập (Trường Sa)
Nổi lên trong số đó là tại Trung Đông với vụ Saudi Arabia hành quyết Giáo sĩ Hồi giáo Nimr al-Nimr làm gia tăng căng thẳng giữa nước này và cộng đồng Hồi giáo trên toàn thế giới, đặc biệt là với Iran. Còn tại Biển Đông, vụ Trung Quốc thực hiện bay thử nghiệm tại đường băng mà Bắc Kinh xây dựng bất hợp pháp trên Đá Chữ Thập thuộc quần đảo Trường Sa của Việt Nam đã khiến nhiều nước phẫn nộ.
Ngày 4-1, chỉ hai ngày sau Việt Nam, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Philippines Charles Jose cho hay, chính quyền Manila đang xem xét phản đối hành động trên của Trung Quốc. Theo quan chức ngoại giao Philippines, hoạt động bay thử nghiệm của Trung Quốc ở Đá Chữ Thập “càng làm leo thang căng thẳng và bất ổn” tại khu vực Biển Đông. Trước đó, Việt Nam đã lên tiếng phản đối hành động bất hợp pháp của Trung Quốc.
Phát biểu ngày 2-1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình nêu rõ rằng, hành động của Trung Quốc đã xâm phạm nghiêm trọng chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo Trường Sa; đi ngược lại nhận thức chung của lãnh đạo cấp cao hai nước.
Không chỉ có Việt Nam và Philippines, Mỹ và Nhật Bản cũng bày tỏ “quan ngại sâu sắc” trước việc làm trên của Trung Quốc. Cũng trong ngày 2-1, hãng tin Reuters dẫn lời Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Pooja Jhunjhunwala cho rằng, hành động của Trung Quốc “đã làm gia tăng căng thẳng” trong khu vực, đồng thời kêu gọi tất cả các bên tích cực giảm căng thẳng bằng việc ngừng các hành động đơn phương làm tổn hại sự ổn định và an ninh trong khu vực, có các bước đi nhằm tạo điều kiện đạt được các giải pháp ngoại giao hữu ích”.
Đường băng phi pháp Trung Quốc xây dựng trên Đá Chữ Thập. |
Bên cạnh đó, Mỹ cũng chỉ trích hoạt động xây dựng trái phép các đảo nhân tạo mà Trung Quốc đã tiến hành tại Biển Đông, cho rằng, Bắc Kinh đang có kế hoạch sử dụng các đảo này vào mục đích quân sự.
Còn Ngoại trưởng Nhật Bản Fumio Kishida thì nhấn mạnh, Tokyo “vô cùng quan ngại về hành động của Trung Quốc, đây là hành động đơn phương thay đổi hiện trạng” tại khu vực và là âm mưu của Bắc Kinh nhằm biến hoạt động cải tạo đất nhanh chóng và quy mô lớn tại những vùng biển tranh chấp thành “sự đã rồi”.
Người đứng đầu ngành Ngoại giao Nhật Bản đồng thời nhấn mạnh rằng nước này “không thể chấp nhận (hành động này) vốn đang làm leo thang căng thẳng (trong khu vực) và là mối quan ngại chung của cộng đồng quốc tế. Nhật Bản sẽ tiếp tục phối hợp với các quốc gia hữu quan khác nhằm bảo vệ quyền tự do đi lại trên những vùng biển này”.
Trong khi đó, ở khu vực Trung Đông, căng thẳng giữa Iran và Saudi Arabia đã lên tới đỉnh điểm khi Riyadh quyết định cắt đứt quan hệ ngoại giao với Tehran. Bộ Ngoại giao Saudi Arabia đã yêu cầu phái bộ ngoại giao Iran và các cơ cấu liên quan lập tức rời khỏi Saudi Arabia trong vòng 48 giờ.
Saudi Arabia hành quyết Giáo sĩ Hồi giáo Nimr al-Nimr. |
Ngoại trưởng Saudi Arabia nêu rõ: “Chúng tôi quyết không để cho Iran làm suy yếu an ninh của chúng tôi. Chúng tôi quyết không để Iran huy động, tạo ra hay thiết lập các tế bào khủng bố tại đất nước chúng tôi hay ở các nước đồng minh của chúng tôi”. Phản ứng trước quyết định này, Thứ trưởng Ngoại giao Iran Hossein Amir Abdollahian ngày 4-1 khẳng định, bằng cách cắt đứt các quan hệ (ngoại giao với Iran), Saudi Arabia cũng không thể khiến thế giới quên được sai lầm lớn của họ là xử tử một giáo sĩ.
Bộ Ngoại giao Iran thì cáo buộc Saudi Arabia khuấy động căng thẳng trong khu vực với quyết định trên. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Hossein Jaber Ansari nêu rõ Tehran cam kết bảo vệ các phái bộ ngoại giao của mình.
Trong một tuyên bố, quan chức ngoại giao này nêu rõ: “Iran đã hành động phù hợp với các nghĩa vụ ngoại giao của mình để kiểm soát sự bộc phát của dân chúng. Saudi Arabia đã lợi dụng vụ việc này để khuấy động căng thẳng”.
Theo nhiều nhà phân tích, vụ xử tử Giáo sĩ Nimr là một bước đi bất ngờ bởi giới chức Saudi Arabia vốn có thể giữ ông làm tù nhân chính trị cho các cuộc trao đổi với những bên đang vận động hành lang để thả nhà hoạt động này.
Hành động của Saudi Arabia giống như “giọt nước tràn ly” để Tehran và Riyadh mở rộng cuộc khẩu chiến sang những vấn đề gây đối đầu lâu nay giữa hai nước. Việc này sẽ càng khiến căng thẳng leo thang giữa hai nước, và có thể sẽ hủy hoại các nỗ lực tìm kiếm giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria.