Nỗ lực hết mình vì hòa bình thế giới

Thứ Tư, 06/03/2019, 06:04
Với vai trò là nước chủ nhà, mặc dù chỉ có 10 ngày để chuẩn bị, nhưng Việt Nam đã làm vượt sự kỳ vọng của các bên từ khâu lễ tân, hậu cần, an ninh, y tế, truyền thông cũng như sự thân thiện và hiếu khách của người dân.


Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần thứ hai đã khép lại mà không đạt được thỏa thuận chung như kỳ vọng. Tuy nhiên, cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ và Chủ tịch Triều Tiên là dịp để 2 bên hiểu rõ hơn quan điểm của nhau trong những vấn đề còn nhiều khúc mắc liên quan tới tiến trình phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên. Hội nghị cũng mang lại hy vọng về những nỗ lực của Mỹ và Triều Tiên trong thời gian tới nhằm đạt được mục tiêu này.

Lịch sử đàm phán vì hòa bình không dễ dàng. Đây thường là một quá trình căng thẳng và kéo dài nhiều năm, thậm chí rất nhiều năm. Lần này, tại Hà Nội, Mỹ và Triều Tiên chỉ dừng để tiếp tục đàm phán, chứ không phải là đàm phán đổ vỡ. Điều này cho thấy bản thân câu chuyện đàm phán phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên là hết sức khó khăn.

Hơn hai chục năm qua, qua bốn đời Tổng thống Mỹ, các cuộc đàm phán hoàn toàn bế tắc. Do đó sẽ hết sức phi thực tế nếu đặt quá nhiều kỳ vọng vào sự đột phá, vì thực tế hai bên mới chỉ đàm phán cấp cao trực tiếp có tám tháng, tính từ thời điểm cuộc gặp Thượng đỉnh lần thứ nhất tại Singapore hồi tháng 6-2018.

Thực ra, khi không đạt được thỏa thuận nào lại chính là lúc hai bên đạt được nhiều nhất. Tại Hà Nội lần này, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un đã gọi nhau là bạn, đã chia tay nhau với nụ cười trên môi.

Nên nhớ, họ mới gặp nhau vào tháng 6-2018, cách đây 8 tháng, mà trước đó, ngày 24-5-2018, Nhà Trắng đã công bố bức thư của Tổng thống Donald Trump thông báo hủy cuộc gặp Chủ tịch Kim Jong-un. 

Hai nhà lãnh đạo đã đi rất xa cho mục đích của mình. Ông Donald Trump là nửa vòng trái đất. Còn ông Kim Jong-un vượt qua hơn 4.000km bằng tàu hoả, mất tổng cộng 65 tiếng 40 phút để hoàn thành quãng đường từ ga Bình Nhưỡng tới ga Đồng Đăng, Lạng Sơn. Họ còn “đi rất xa” theo ý nghĩa đã vượt qua những suy nghĩ truyền thống để gặp nhau. 

Tại Hà Nội, họ gọi nhau là bạn, đề cao nhau bằng lời nói. Vì thế, tiến bộ từ cuộc gặp Thượng đỉnh tại Hà Nội, là một bước đi dài để cho cả Mỹ, CHDCND Triều Tiên và thế giới hy vọng.

Tuy không có thỏa thuận nào được ký kết, nhưng rõ ràng hai bên đã đạt được cái cần đạt: Tổng thống Donald Trump được Chủ tịch Kim Jong-un đảm bảo sẽ không có các vụ thử hạt nhân và tên lửa nữa trong tương lai khi hai bên tiến hành đàm phán.

Đổi lại, người đứng đầu Nhà Trắng cam kết sẽ không thiết chặt thêm cấm vận. Điều này có nghĩa là Tổng thống Donald Trump tạm thời “đóng gói”, không phải lo đối phó với câu chuyện Triều Tiên trong 2 năm tới cho đến hết nhiệm kỳ của mình.

Là một đất nước đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh, hơn ai hết, Việt Nam, nhân dân Việt Nam hiểu được và trân quý giá trị của hòa bình. Vì vậy, Việt Nam mong muốn và nỗ lực đóng góp sức mình vào tiến trình hòa bình, hòa giải phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Việc Hà Nội được chọn là địa điểm tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều Tiên lần hai thể hiện lòng tin đối với quốc tế, qua đó thấy được vai trò, vị thế, uy tín của Việt Nam trong cộng đồng quốc tế và đối với các đối tác.

Với vai trò là nước chủ nhà, mặc dù chỉ có 10 ngày để chuẩn bị, nhưng Việt Nam đã làm vượt sự kỳ vọng của các bên từ khâu lễ tân, hậu cần, an ninh, y tế, truyền thông cũng như sự thân thiện và hiếu khách của người dân.

Trong những ngày qua, Hà Nội trở thành tâm điểm của truyền thông quốc tế với những khía cạnh tích cực nhất. Rất nhiều nước giàu có hơn, sẵn sàng mở hầu bao nhiều hơn chỉ để mong được tổ chức sự kiện này, nhưng cũng không thể làm được vì thiếu sự nhất trí của cả Mỹ và CHDCND Triều Tiên.

Ngay từ khi đặt chân đến Hà Nội cho tới khi mở đầu cuộc họp báo, cả Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Kim Jong-un đều dành những lời tốt đẹp nhất cho nước chủ nhà. “Tôi muốn cảm ơn ngài Chủ tịch nước và ngài Thủ tướng Việt Nam. Đây là một đất nước tuyệt vời. Cảm ơn nhân dân Việt Nam, những người đã đối xử với chúng tôi rất chân tình”.

Đó là những lời nói đầu tiên của Tổng thống Donald Trump tại cuộc họp báo sau Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ - Triều lần 2. Truyền thông quốc tế cũng vậy. Qua lần này, Việt Nam đã chứng minh rằng đủ năng lực để đăng cai các sự kiện quốc tế lớn, đặc biệt liên quan đến lĩnh vực hòa giải và hòa bình.

Bên cạnh đó, việc đăng cai hội nghị lần này chính là cơ hội vàng đối với Hà Nội nói riêng và đối với Việt Nam nói chung. Bởi sự kiện này có số lượng phóng viên quốc tế lớn đến với Hà Nội, thông qua truyền thông quốc tế chúng ta đã quảng bá được hình ảnh của Việt Nam trên mọi lĩnh vực, thành quả phát triển kinh tế-xã hội của đất nước, những tiềm năng, cơ hội hợp tác đầu tư, điểm đến an toàn, người dân thân thiện, mến khách.

Hà Nội rất đáng tự hào là nơi tham gia và kiến tạo cho tiến trình hòa bình và hòa giải. Bài học về đàm phán chấm dứt chiến tranh với nhau để làm bạn bè, tin cậy hợp tác với nhau giữa Việt Nam với Pháp, với Mỹ, cũng là một hình mẫu cho cuộc đàm phán Mỹ - Triều tiếp tục hướng tới mục tiêu tốt đẹp trong tương lai.

Khổng Hà
.
.
.