Những nỗ lực thúc đẩy thỏa thuận ngừng bắn ở Libya

Thứ Bảy, 25/07/2020, 09:52
Tình hình và thế trận ở Libya diễn biến ngày một phức tạp, thùng thuốc súng này có thể được châm ngòi bất cứ lúc nào. Trong bối cảnh đó, cộng đồng quốc tế đang nỗ lực kêu gọi chấm dứt chiến sự tại quốc gia Bắc Phi này, đồng thời hối thúc các bên đối địch trở lại bàn đàm phán.

Thùng thuốc súng trước nguy cơ châm ngòi

Tại Libya, xung đột giữa lực lượng Quân đội Quốc gia Libya (LNA, do Tướng Khalifa Halfar đứng đầu, được Ai Cập, Nga và một số nước hậu thuẫn) và Chính phủ Hiệp định Quốc gia Libya (GNA, được Liên hợp quốc công nhận và Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn), đang cực kỳ căng thẳng. 

Thổ Nhĩ Kỳ đã viện trợ cho GNA cố vấn quân sự và cung cấp vũ khí, cả tên lửa chống tăng và máy bay không người lái, chuyển giao công nghệ quốc phòng... Sau khi ký kết thỏa thuận với GNA ở Tripoli, kể từ đầu năm nay, Thổ Nhĩ Kỳ đã chuyển hàng ngàn chiến binh thân Thổ Nhĩ Kỳ từ các nhóm vũ trang ở Syria sang Libya. 

Trong khi đó, Ai Cập đang sẵn sàng đưa quân sang Libya, và có tin rằng, các chế độ quân chủ của Vịnh Ba Tư đã sẵn sàng phân bổ số tiền lớn cho Cairo để tiến hành các hoạt động quân sự ở Libya. Trong cuộc họp của Quốc hội Libya tại Tobruk, Tướng Khalifa Haftar đã kêu gọi quân đội Ai Cập can thiệp để bảo vệ an ninh quốc gia. 

Trong khi Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi cảnh báo nước ông sẽ không để yên mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Ai Cập và Libya; Cairo cũng sẽ không thờ ơ với các mối đe dọa đối với an ninh Arab, khu vực và quốc tế. Tổng thống Ai Cập cũng chỉ trích, Thổ Nhĩ Kỳ đã thành lập một căn cứ ở Libya và đang triển khai quân đội và lính đánh thuê từ các quốc gia khác đến Libya để kiểm soát nguồn khoáng sản tự nhiên giàu có ở đó.

Sau khi quốc hội Ai Cập trao quyền cho Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi sử dụng quân đội trên lãnh thổ Libya, khả năng xảy ra đụng độ giữa quân đội Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ trên lãnh thổ Libya trở nên cao hơn bao giờ hết. 

Một tướng quân đội đã nghỉ hưu của Ai Cập cho biết, có nhiều dấu hiệu về một cuộc tấn công sắp diễn ra của người Ai Cập ở Libya. Lãnh đạo Ai Cập tuyên bố, quốc gia này được quốc tế công nhận quyền tiến hành các hoạt động quân sự chống lại một quốc gia láng giềng; cảnh báo của Tổng thống Ai Cập về “lằn ranh đỏ”; bản chất của các cuộc tập trận quân sự và các loại vũ khí tham gia của quân đội Ai Cập và quyết nghị của quốc hội Libya về các hoạt động quân sự của Ai Cập ở nước này. 

Ai Cập đã dồn lượng lớn binh sĩ cùng vũ khí tới sát biên giới Libya, điều động các tổ hợp tên lửa phòng không tầm xa S-300VM Antey-2500 được đánh giá đủ sức thiết lập vùng cấm bay, khiến Thổ Nhĩ Kỳ không có ưu thế trên không.

Trong trường hợp xảy ra xung đột vũ trang giữa Ai Cập và Thổ Nhĩ Kỳ, theo giới quan sát, quân đội chính quy của Ai Cập chắc chắn sẽ đè bẹp các nhóm phiến quân thân Thổ Nhĩ Kỳ và lực lượng GNA, vì họ được huấn luyện tốt hơn và có nhiều vũ khí hơn. 

Trong trường hợp đụng độ, Ai Cập sẽ có được một lợi thế, đó là có chung biên giới với Libya và có thể nhanh chóng đảm bảo nguồn lực và phương tiện chiến tranh, kỹ thuật, hậu cần…, trong khi Thổ Nhĩ Kỳ sẽ phải nỗ lực để đảm bảo mọi mặt bằng đường biển xa xôi. 

Trên thực tế, tại thời điểm hiện tại vẫn khó biết tình hình ở Libya sẽ phát triển như thế nào. Các bên có thể bắt đầu chiến sự và sau đó không ai có thể dự đoán được kết cục của cuộc chiến Libya. 

Đồng thời, các bên tham chiến cũng có thể giữ nguyên hiện trạng và vẽ một “lằn ranh đỏ” chia Libya thành hai nửa, mỗi bên có chính phủ riêng. Dù sao thì hiện tại, quốc gia Bắc Phi này cũng được ví như thùng thuốc súng, có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Thời gian sẽ chứng tỏ các sự kiện sẽ phát triển theo chiều hướng nào.

Một cuộc họp khẩn về tình hình Libya của Liên đoàn các nước Arab. Ảnh: RT

Một giải pháp hòa bình là điều cần thiết

Mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã nhất trí tiếp tục thúc đẩy lệnh ngừng bắn ở Libya, nhưng Ankara cho rằng Tướng Khalifa Haftar là nhà lãnh đạo không hợp pháp, và LNA phải rút khỏi các vị trí chủ chốt để mở đường cho một thỏa thuận đáng tin cậy. 

Cố vấn an ninh hàng đầu của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, ông Ibrahim Kalin nêu rõ bất cứ thỏa thuận nào đều phải dựa trên việc các bên quay trở lại các vị trí năm 2015 ở Libya. Cụ thể, LNA phải rút khỏi thành phố Sirte bên bờ Địa Trung Hải - cửa ngõ dẫn đến các mỏ dầu phía Đông của Libya, cũng như rút khỏi Jufra - một căn cứ không quân gần trung tâm của quốc gia Bắc Phi này. 

Ông nói: “Chúng tôi vừa đạt được thỏa thuận với Nga nhằm tìm kiếm một lệnh ngừng bắn đáng tin cậy và lâu dài ở Libya… Để lệnh ngừng bắn được tồn tại lâu dài, các lực lượng của ông Haftar phải rút khỏi Jufra và Sirte”. 

Cũng theo Cố vấn Ibrahim Kalin, bất kỳ hoạt động triển khai quân đội nào của Ai Cập đến Libya đều sẽ cản trở những nỗ lực chấm dứt giao tranh và tiềm ẩn rủi ro cho chính nước này. Quan chức Thổ Nhĩ Kỳ nhấn mạnh: “Tôi cho rằng đó sẽ là một động thái phiêu lưu quân sự nguy hiểm đối với Ai Cập”.

Cảnh báo của quan chức Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau khi Quốc hội Ai Cập “bật đèn xanh” cho Tổng thống Abdel Fattah el-Sisi triển khai binh sĩ ở bên ngoài lãnh thổ nhằm bảo vệ an ninh quốc gia, được cho là nhắm đến nước láng giềng Libya trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ tăng cường can dự vào tình hình tại đây. 

Với sự hậu thuẫn của Ankara, GNA đang mở rộng phạm vi kiểm soát tại Libya, đặc biệt là các cuộc tấn công nhằm giành quyền kiểm soát thành phố biển Sirte, bước đi mà Ai Cập cho là một mối đe dọa lớn đối với an ninh quốc gia. 

Thành phố này và căn cứ quân sự Jufra hiện nằm dưới sự kiểm soát của LNA. Hội đồng An ninh quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ (MGK) đã tái khẳng định quyết tâm ủng hộ Chính phủ Đoàn kết Dân tộc Libya (GNA) ở Tripoli chống lại LNA đối địch. 

Trong tuyên bố được đưa ra sau hội nghị do Tổng thống Erdogan chủ trì, MGK cam kết “sát cánh với nhân dân Libya, chống lại mọi hành động bạo ngược", và Thổ Nhĩ Kỳ “sẽ không do dự triển khai những bước đi cần thiết”. MGK cũng đề cập đến sự can dự của các bên thứ 3 ở Libya, đồng thời cảnh báo mọi âm mưu của bên thứ 3 sẽ thất bại.

Ngoại trưởng Algeria và Nga cũng lên tiếng kêu gọi chấm dứt chiến sự ở Libya, và hối thúc các bên đối  địch quay trở lại bàn đàm phán. Nga cùng với Ai Cập và UAE là bên ủng hộ LNA của Tướng Haftar. 

Phát biểu tại buổi họp báo chung với người đồng cấp Nga Sergei Lavrov ở thủ đô Moscow, Ngoại trưởng Algeria Sabri Boukadoum nhấn mạnh: “Xe tăng và đại bác không thể là giải pháp dành cho cuộc khủng hoảng Libya, mà phải thông qua đối thoại và quay trở lại bàn đàm phán”.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.