Nhìn lại một năm cầm quyền của Tổng thống Mỹ

Thứ Hai, 22/01/2018, 08:56
Ngày 20-1 (giờ địa phương), ông Donald Trump kỷ niệm tròn một năm ngày nhậm chức Tổng thống thứ 45 của “Xứ cờ hoa”. Bước vào Nhà Trắng với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, nhà lãnh đạo này trong năm đầu cầm quyền đã có nhiều bước đi mang tính quyết định trong cả chính sách đối nội và đối ngoại.

Những quyết sách khó đoán định

Có thể nói, với mức tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đạt 3,3% trong quý III/2017 là một chiến thắng lớn của người đứng đầu Nhà Trắng, bởi trước đó, nhiều chuyên gia kinh tế cho rằng, mục tiêu tăng trưởng 3% mà ông Donald Trump đề ra là phi thực tế.

Chủ nhân thứ 45 của Nhà Trắng đã giúp nền kinh tế hồi sinh trở lại. Tạo được gần 2,1 triệu việc làm mới, tỷ lệ thất nghiệp ở mức 4,1%, thấp nhất trong 17 năm qua. Tỷ lệ người Mỹ gốc Phi thất nghiệp đạt 6,8%, là mức thấp nhất trong vòng 45 năm trở lại đây. Bên cạnh đó, niềm tin của người tiêu dùng và doanh nghiệp cũng đang gia tăng.

Tháng 12-2017, Tổng thống Donald Trump đã ký ban hành Luật cải cách thuế mà theo ông là cuộc cải cách thuế lớn nhất trong lịch sử nước Mỹ 30 năm qua. Tuy nhiên, chính đạo luật này và nhiều quy định khác của nhà lãnh đạo này lại đang khiến nước Mỹ chia rẽ sâu hơn. Dù đạo luật mới cắt giảm thuế cho hộ gia đình và doanh nghiệp, song cũng hủy bỏ một phần đạo luật chăm sóc y tế giá rẻ (Obamacare).

Nhiều ý kiến cho rằng đạo luật này sẽ khiến bất công xã hội gia tăng khi chỉ làm lợi cho những người giàu và siêu giàu, còn những người nghèo và trung lưu thì càng nghèo đi. Ngoài ra, hàng loạt sắc lệnh của ông Trump đã vấp phải sự phản đối của dư luận, như việc bãi bỏ chương trình tạm hoãn trục xuất người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ dưới 16 tuổi (DACA), vấn đề kiểm soát súng đạn...

Về đối ngoại, Tổng thống Donald Trump đã có hàng loạt các quyết định thể hiện rõ tính thực dụng trong chủ trương “Nước Mỹ trên hết” của chính quyền Mỹ hiện nay. Cụ thể, ông đã điều chỉnh một loạt chính sách quan trọng theo hướng giảm bớt các cam kết đa phương và ưu tiên quan hệ song phương, tạo ra một “làn sóng rút, rời” trong các vấn đề thương mại, biến đổi khí hậu, biên giới và nhập cư.

Người đứng đầu chính quyền Washington đã không ngần ngại đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hay khởi động đàm phán lại thỏa thuận khu vực vốn ổn định là Hiệp định thương mại tư do Bắc Mỹ (NAFTA). Bên cạnh đó, Tổng thống Donald Trump cũng rút Mỹ ra khỏi Thỏa thuận Paris về chống biến đổi khí hậu, bất chấp việc nước này là một trong những “ống khói” lớn của thế giới.

Cùng với đó, Mỹ còn quyết định rút khỏi Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO). Lo ngại về làn sóng nhập cư, ông Trump cũng đã quyết định đưa Mỹ đứng ngoài Hiệp ước Di trú toàn cầu (GCM), trong khi ban hành sắc lệnh cấm nhập cảnh đối với công dân một số nước Hồi giáo…

Đối với những mối quan hệ đối ngoại, tính thực dụng trong chủ trương “Nước Mỹ trên hết” của người đứng đầu chính quyền Washington cũng tác động trực tiếp tới những mối quan hệ này. Việc Mỹ từ chối công nhận Iran tôn trọng thỏa thuận hạt nhân lịch sử (có tên gọi Kế hoạch hành động chung toàn diện - JCPOA), mà Tehran ký kết với Nhóm P5+1 năm 2015 nhằm đảm bảo bản chất hòa bình của chương trình hạt nhân nước này, đã và đang dẫn đến nguy cơ gây đổ vỡ thỏa thuận.

Cũng tại Trung Đông, quyết định của ông Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel và chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv tới thành phố linh thiêng này đã đẩy tiến trình hòa bình Trung Đông vào thế bế tắc. Trong mối quan hệ với châu Âu, Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã liên tiếp có những phát ngôn gây bất lợi cho “lục địa già” liên quan đến vấn đề Brexit hay mối quan hệ đồng minh xuyên Đại Tây Dương trong khuốn khổ Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) với động thái đình chỉ một số dự án hợp tác hai bên, trong đó có Hiệp định đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây Dương (TTIP).

Điều này đã khiến các đồng minh châu Âu hoài nghi về mối quan hệ khăng khít vốn đã được hai bên duy trì hơn 70 năm qua. Quan hệ Mỹ-Nga đã rơi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh, khi hai bên liên tục có các biện pháp trả đũa ngoại giao lẫn nhau, bắt nguồn từ cáo buộc Nga can thiệp cuộc bầu cử tổng thống Mỹ.

Trong mối quan hệ với các quốc gia châu Á, trong năm qua, cuộc khẩu chiến Mỹ - CHDCND Triều Tiên không ngừng leo thang căng thẳng khi lãnh đạo hai nước liên tục đưa ra những lời đe dọa, bao gồm tấn công quân sự. Tổng thống Mỹ cảnh báo Bình Nhưỡng sẽ có thể hứng chịu “hỏa lực và thịnh nộ” sau khi nước này tiến hành vụ thử nghiệm hạt nhân lần thứ 6 hồi tháng 9-2017.

Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Quan hệ Mỹ - Trung Quốc dường như đã được cải thiện sau hàng loạt cuộc tiếp xúc trên tất cả các kênh. Tuy nhiên, hành động chỉ đạo bất ngờ tấn công tên lửa vào Syria ngay trước khi dùng bữa tối với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình hồi tháng 4-2017 đã khiến giới phân tích tin rằng ông muốn gửi đi thông điệp: Tổng thống Mỹ vẫn là nhà lãnh đạo số một thế giới.

Và với các nước châu Mỹ, quan hệ song phương giữa Mỹ và Cuba, cũng như hai nước láng giềng gần gũi Canada và Mexico không thực sự “yên ấm”, thậm chí còn có bước thụt lùi.

Một lễ kỷ niệm buồn

Sự kiện Tổng thống Mỹ kỷ niệm tròn một năm nhậm chức diễn ra vào đúng thời điểm Chính phủ nước này phải tạm thời đóng cửa vì dự luật ngân sách chi tiêu tạm thời cho chính phủ đã không thể vượt qua được “cửa ải” tại Thượng viện, khi chỉ đạt được 50/100 phiếu bầu - ít hơn 10 phiếu để có thể được thông qua. Việc Chính phủ liên bang phải “đóng cửa tắt đèn” đã khiến Chính phủ và Quốc hội Mỹ không ngừng đổ lỗi cho nhau. Tuy nhiên, để tránh thiệt hại nảy sinh như đã từng xảy ra trong năm 2013, các nhà chính trị Mỹ cho biết sẽ tiếp tục đàm phán nhằm đi đến một kết quả tốt đẹp nhất.

Cùng với việc chính phủ đóng cửa, trong ngày kỷ niệm của Tổng thống Donald Trump, hàng triệu phụ nữ tại Thủ đô Washington và các bang trên khắp nước Mỹ đã tham gia hoạt động “Tuần hành vì phụ nữ”, lên tiếng bảo vệ quyền của phụ nữ. Ngoài các khẩu hiệu đòi quyền bình đẳng cho phụ nữ như "Phụ nữ sẽ không cúi đầu”, “yêu cầu bình đẳng cho mọi người”, “quyền cho phụ nữ”, người tham gia tuần hành còn mang nhiều thông điệp gửi tới Tổng thống Trump liên quan vấn đề người nhập cư cũng như những vấn đề nước Mỹ đang phải đối mặt.

Trong bối cảnh này, Tổng thống Mỹ đã hối thúc người dân không tham gia các cuộc tuần hành phản đối chính sách của mình. Thay vào đó, kêu gọi họ tham gia sự kiện kỷ niệm tròn một năm ngày ông nhậm chức, với thành quả kinh tế và bước tiến mang lại sự thịnh vượng cho nước Mỹ.

Nước Mỹ kỳ vọng gì?

Mặc dù đưa ra nhiều quyết sách gây tranh cãi, nhưng trong năm đầu cầm quyền, ông Donald Trump đã giữ được khá nhiều lời hứa lúc tranh cử, đó là rút nước Mỹ ra khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), đàm phán lại NAFTA, cắt giảm thuế, mạnh tay với nhập cư trái luật và đẩy mạnh chủ trương “Nước Mỹ trên hết”. Các nhà đầu tư nhìn thấy một lộ trình rõ ràng và tin rằng tổng thống sẽ tiếp tục thực hiện những điều ông hứa để mang việc làm trở về Mỹ và bảo vệ hàng hóa Mỹ.

Về kinh tế, dù còn nhiều tranh cãi về vai trò của ông Donald Trump đối với bức tranh kinh tế của nước Mỹ, song rõ ràng không thể phủ nhận đây là kết quả của “hiệu ứng Trump”, với những biện pháp điều chỉnh lại nền kinh tế, đặc biệt là các cải cách thuế quan trọng. Đây cũng là một trong những niềm tự hào đối với người đứng đầu nước Mỹ trong năm cầm quyền đầu tiên.

Bên cạnh đó, dù còn nhiều tranh cãi về hiệu quả của chính sách gia tăng sức ép tối đa của Tổng thống Mỹ đối với tiến trình tan băng đang diễn ra hiện nay trên Bán đảo Triều Tiên, song rõ ràng đây là một trong những hồ sơ hiếm hoi mà người đứng đầu Nhà Trắng có với một chiến lược rõ ràng. Đó là gia tăng sức ép với Bình Nhưỡng nhằm hướng tới một Bán đảo Triều Tiên không có vũ khí hạt nhân và cũng là hồ sơ duy nhất mà ông Donald Trump thực hiện cách tiếp cận đa phương.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.