Nhật hoàng Akihito: Vị hoàng đế của những điều đầu tiên

Thứ Ba, 30/04/2019, 08:18
Hôm nay, ngày 30-4, Nhật hoàng Akihito, Hoàng đế của nước Nhật trong 30 năm qua, người đứng đầu hoàng gia lâu đời nhất trên thế giới, thoái vị ở tuổi 85.

Ông trở thành Nhật hoàng đầu tiên từ bỏ ngai vàng kể từ 200 năm qua. Thái tử Naruhito, 49 tuổi, con trai của Nhật hoàng Akihito sẽ nối ngôi và chính thức mở ra triều đại mới mang tên Reiwa, nối tiếp triều đại Heisei.

Hoàng đế của những điều đầu tiên

Triều đại Heisei của Nhật hoàng Akihito đánh dấu một kỷ nguyên nước Nhật sống trọn vẹn trong hoà bình và chứng kiến nhiều đổi thay về mọi mặt kinh tế xã hội. Việc Nhật hoàng thay mặt cha, cố Nhật hoàng Hirohito, gửi lời xin lỗi quan trọng vì những hành động của Nhật Bản trong chiến tranh đã giúp hạ nhiệt mối quan hệ căng thẳng với hai nước láng giềng Trung Quốc và Hàn Quốc. 

Nhật hoàng Akihito là vị hoàng đế đầu tiên trị vì dưới hiến pháp hòa bình do Mỹ chủ trì soạn thảo và được Quốc hội Nhật Bản thông qua sau Thế chiến II, là vị hoàng đế đầu tiên kết hôn với một thường dân và cũng là vị hoàng đế đầu tiên chăm sóc con cái tại nhà cùng vợ. 

Trong 31 năm trị vì, Nhật hoàng Akihito đã góp phần hiện đại hóa chế độ quân chủ cha truyền con nối lâu đời nhất thế giới bằng cách đưa Hoàng gia Nhật Bản gần gũi hơn với công chúng. 

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko thường xuất hiện với hình ảnh giúp đỡ người dân vượt qua những thảm họa thiên tai kinh hoàng, trong đó có những chuyến thăm tới các trung tâm sơ tán để chia sẻ với những người gặp nạn. Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã thực hiện các chuyến thăm chính thức tới 28 quốc gia. 

Nhật hoàng và Hoàng hậu cũng dẫn đầu những nỗ lực chia sẻ với các nạn nhân, hỗ trợ và cứu trợ sau các thảm họa lớn. Nhật hoàng và Hoàng hậu đã đi tới mọi khu vực trên đất nước Nhật Bản và thực hiện 500 chuyến thăm tới các trung tâm dành cho trẻ em, người già và người khuyết tật.

Nghi thức Nhật hoàng Akihito thoái vị sẽ chính thức diễn ra trong căn phòng Matsu-no-Ma (Phòng cây Thông) có diện tích 370m² – hội trường trang nhã nhất trong cung điện Hoàng gia. Buổi lễ thoái vị sẽ được tiến hành với sự hiện diện của một thanh kiếm và viên ngọc cổ - hai trong “Ba báu vật thiêng liêng của Nhật Bản” - được coi là vật chứng quan trọng thể hiện tính hợp pháp của một Nhật hoàng. 

Thanh kiếm và viên ngọc sẽ được đựng trong các hộp đưa vào phòng trong thời khắc diễn ra lễ thoái vị. Trong khi đó, biểu tượng thứ 3 của Hoàng tộc, là một tấm gương linh thiêng, không bao giờ bị di dời khỏi vị trí đặt tôn nghiêm trong cung điện. Hơn 300 người dự kiến tham dự lễ thoái vị, trong đó có khoảng 12 thành viên hoàng tộc, lãnh đạo Chính phủ và quốc hội, các thẩm phán tối cao, người đứng đầu chính quyền địa phương… 

Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe cũng sẽ bước tới và phát biểu đại diện cho người dân, trước khi Nhật hoàng Akihito có phát ngôn cuối cùng với tư cách là người đứng đầu Hoàng gia. Đây là dịp cuối cùng Nhật hoàng gặp gỡ đại diện của người dân trước khi thoái vị. Về mặt hình thức, ông Akihito vẫn là Nhật hoàng cho đến khi đồng hồ chính thức điểm nửa đêm.

10h30 ngày 1-5, Nhật Bản sẽ tổ chức lễ kế vị cho Thái tử Naruhito. Con dấu, thanh gươm và viên ngọc cổ sẽ được đặt trên bàn làm việc của tân Nhật hoàng như một bằng chứng đánh dấu việc lên ngôi hợp pháp. 

Nghi thức kế vị của tân Nhật hoàng có sự tham gia của một nhóm nhỏ nam giới, bao gồm thành viên Hoàng tộc trưởng thành và đại diện 3 phân nhánh trong Chính phủ, trong đó có Thủ tướng Abe và Nội các. Nhật hoàng thoái vị Akihito và Hoàng hậu Michiko sẽ không có mặt trong lễ kế vị. 

Nghi thức cũng không có sự tham gia của các thành viên Hoàng tộc là nữ. Tuy nhiên, trong lần kế vị này, bà Satsuki Katayama – nữ Bộ trưởng Quốc phòng trong Nội các của Thủ tướng Abe – sẽ là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử hiện đại tham dự nghi thức. Nhật hoàng Naruhito sẽ mặc một bộ vest đuôi tôm mang hơi hướng phương Tây. 

Sau nghi thức kế vị, Nhật hoàng Naruhito sẽ có bài phát biểu đầu tiên với tư cách Nhật hoàng tại phòng Matsu-no-Ma, thể hiện mục tiêu hoặc hy vọng trong triều đại mới của mình. 

Tới ngày 4-5, tân Nhật hoàng và Hoàng hậu sẽ có màn xuất hiện đầu tiên trước công chúng, chào hỏi người dân tập trung trước Cung điện Hoàng gia. Họ sẽ có 6 lần xuất hiện trong ngày, từ 10h sáng. 

Đến ngày 22-10, Nhật Bản sẽ chính thức tổ chức lễ Sokuirei Seiden no Gi (lễ đăng cơ). Lúc này, Nhật hoàng Naruhito tuyên bố đăng cơ trong một buổi lễ có sự tham dự của các nhà lãnh đạo cấp cao đến từ gần 200 quốc gia. 

Giống như cha mình, Nhật hoàng Naruhito dự kiến mặc áo choàng và khăn trùm đầu truyền thống. Ông sẽ bước lên ngai vàng Takamikura và ngồi trên một chiếc ghế đệm làm từ rơm. Nhật hoàng sau đó sẽ bước ra khi tấm rèm được kéo lên và tuyên bố ngôi vị của mình với thế giới.

Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko. Ảnh: Getty Images.

Tân Nhật hoàng được kỳ vọng trở thành vị vua gần gũi với quốc dân

Nói về vị tân Nhật hoàng của Nhật Bản, ông không chỉ là Nhật hoàng đầu tiên chào đời sau Thế chiến II, Nhật hoàng đầu tiên được cha mẹ đích thân nuôi dạy, chứ không dựa vào nhũ mẫu và gia sư như thông lệ tiền triều, mà còn là vị quân chủ đầu tiên của Nhật Bản du học ở nước ngoài. 

Khi còn nhỏ, ông thường được mẹ đích thân đưa đến trường nhằm tạo sự gần gũi giữa hoàng tộc với dân chúng. Sau khi lấy bằng cử nhân và cao học về lịch sử tại Đại học Gakushuin, ông sang Anh du học tại Đại học Oxford danh giá trong giai đoạn 1983 - 1985. 

Được một số bạn học mô tả là người cởi mở và vui tính, thái tử vẫn giữ thái độ gần gũi ngay cả khi bắt đầu những hoạt động chính thức dưới danh nghĩa người sẽ kế ngôi Nhật hoàng. Vì thế, ông được kỳ vọng sẽ nối tiếp Nhật hoàng Akihito, trở thành vị vua gần gũi với quốc dân. 

Cũng như cha mình, Thái tử Naruhito đã bỏ ngoài tai mọi sự cản trở để kết hôn với người vợ có xuất thân thường dân và sẽ trở thành Nhật hoàng đầu tiên trong thời hiện đại không có con trai nối ngôi. 

Hồi năm 1992, Thái tử Naruhito đã ngỏ lời cầu hôn Công nương Masako cùng câu nói đã trở nên nổi tiếng: “Ta hứa sẽ bảo vệ em suốt đời bằng tất cả khả năng của mình”. Hôn lễ hoàng gia diễn ra vào tháng 6-1993 và từ đó đến nay, thái tử luôn giữ vững lời hứa của mình, bất chấp nhiều sóng gió.

Trước đây, Thái tử Naruhito tham gia nhiều cuộc đối thoại quốc tế về vấn đề nước sạch, và hiện ông tỏ dấu hiệu muốn tiếp tục đóng góp trong công cuộc bảo vệ môi trường. 

Thái tử cũng đặc biệt kêu gọi nam giới tại Nhật Bản tham gia nhiều hơn vào quá trình nuôi dạy con cái, hiện vẫn là điều hiếm thấy ở nước này. Trong khi đó, công nương Masako liên tục bày tỏ sự quan tâm với những trẻ em phải sống trong tình cảnh khó khăn. 

“Khi nghĩ về những ngày sắp đến, tôi không rõ mình có thể hữu dụng đến mức nào nhưng tôi sẽ nỗ lực hết mức để hỗ trợ thái tử và đất nước”, công nương chia sẻ vào sinh nhật năm ngoái.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.