Người dân Mỹ phẫn nộ vì tình trạng phân biệt sắc tộc

Chủ Nhật, 31/05/2020, 10:46
Việc ông George Floyd tử vong trong khi bị Cảnh sát giam giữ ở thành phố Minneapolis, bang Minnesota đã gây ra làn sóng giận dữ trong cộng đồng dân cư trên cả nước Mỹ. Các cuộc biểu tình bày tỏ sự phẫn nộ trước cái chết của công dân Mỹ gốc Phi này nổ ra tại Minneapolis, tràn tới nhiều thành phố trên toàn nước Mỹ và lan đến cả trụ sở các cơ quan công quyền ở Thủ đô Washington.

Tối 29/5 (giờ địa phương), Nhà Trắng đã bị phong tỏa trong thời gian ngắn sau khi các cuộc biểu tình tiếp tục lan tới Thủ đô Washington, thành phố Atlanta thuộc bang Georgia và thành phố New York. Một số phóng viên đã được di chuyển vào bên trong Nhà Trắng. Nhiều người biểu tình đã tập trung bên ngoài tòa nhà trụ sở hãng tin CNN tại thành phố Atlanta. Cảnh sát đã được huy động để giải tán đám đông. Một nhân viên cảnh sát đã bị thương khi người biểu tình đã ném nhiều vật thể vào cảnh sát. 

Người biểu tình cũng phá vỡ cửa kính các xe cảnh sát bên ngoài trụ sở CNN và đốt cháy 1 xe cảnh sát. Thị trưởng Atlanta - Keisha Lance Bottom cho biết, đây không phải biểu tình thông thường mà là hỗn loạn, đồng thời kêu gọi người dân giải tán sau khi các cuộc biểu tình trở nên bạo lực. Tại New York, hơn 200 người đã tụ tập ở quảng trường Foley thuộc khu Hạ Manhattan. Hầu hết người biểu tình đeo khẩu trang theo đúng quy định y tế phòng, chống dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19. 

Người biểu tình đòi công lý cho ông George Floyd. Ảnh: Reuters.

Dù các cuộc tụ tập đông người vẫn đang bị cấm tại thành phố này do dịch, Thị trưởng New York Bill de Blasio cho biết, các cuộc biểu tình vì mục đích này vẫn được phép, song kêu gọi người biểu tình tôn trọng cảnh sát. 

Trước đó, chiều 28/5, khoảng 100 người dân New York đã tham gia cuộc biểu tình đầu tiên bày tỏ phẫn nộ về vụ việc trên. Đụng độ đã xảy ra và khoảng 70 người đã bị bắt giữ. Thống đốc bang New York Andrew Cuomo cùng ngày cho biết ông đứng về phía người biểu tình và nhấn mạnh “phải nhanh chóng chấm dứt tình trạng phân biệt đối xử và bất công”. 

Ông cho rằng, vụ George Floyd không phải là một vụ việc đơn lẻ, mà “một loạt trường hợp như vậy đã xảy ra trong nhiều thập niên qua”. Căng thẳng cũng đã lan ra nhiều thành phố khác như Houston, Atlanta, Detroit, Las Vegas, San Jose và Memphis.

Tại Minneapolis, Thị trưởng Jacob Frey đã ban bố lệnh giới nghiêm ban đêm sau 3 đêm liên tiếp xảy ra các cuộc biểu tình ngày càng gia tăng và bạo lực tại thành phố lớn nhất bang Minnesota miền Trung Tây nước Mỹ này. Lệnh giới nghiêm được áp đặt từ 20h00 hôm trước đến 6h00 hôm sau, bắt đầu từ tối 29/5, tại tất cả các địa điểm công cộng, bao gồm mọi ngả đường trong thành phố. 

Vi phạm lệnh giới nghiêm có thể bị phạt tiền đến 1.000 USD hoặc bị phạt tù 90 ngày. Cùng ngày, tại thành phố St. Paul giáp Minneapolis, Thị trưởng Melvin Carter cho biết, đã ký một sắc lệnh trình trạng khẩn cấp địa phương, theo đó cũng áp đặt giới nghiêm từ 29-5. Minneapolis đã bị hư hại nghiêm trọng sau 3 đêm biểu tình và bạo động, nhiều nơi xảy ra hỏa hoạn và cướp bóc. Trong khi đó tại St Paul, hơn 170 cửa hàng đã bị cướp phá trong đêm. Thống đốc bang Minnesota Tim Walz đã ban bố sắc lệnh tình trạng khẩn cấp và huy động Lực lượng Vệ binh Quốc gia Minnesota để lập lại trật tự.

Để xoa dịu những cái “đầu nóng” của lực lượng biểu tình, cũng trong ngày 29-5, cựu sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin liên quan đến cái chết của nạn nhân Floyd đã bị buộc tội giết người cấp độ 3 và ngộ sát. Tội danh nêu trên có thể phải chịu mức án tù 25 năm ở bang Minnesota. Hiện cựu sĩ quan Derek Chauvin đã bị bắt giam. 

Phát biểu tại buổi họp báo sau đó, Tổng chưởng lý quận Hennepin, ông Mike Freeman cho biết: “Cựu sĩ quan cảnh sát Derek Chauvin đã bị Văn phòng công tố quận Hennepin buộc tội giết người và ngộ sát. Ông Chauvin đã bị buộc tội giết người cấp độ ba và chúng tôi đang trong quá trình xem xét chứng cứ mà có thể đưa ra những buộc tội bổ sung sau này”. 

Phản ứng trước thông tin này, gia đình ông George Floyd cho rằng viên cảnh sát này đáng bị buộc tội giết người ở cấp độ 1 đồng thời muốn cả 3 viên cảnh sát còn lại cũng bị bắt giữ. Ông George Floyd đã tử vong ngày 25/5 sau khi bị nhóm 4 cảnh sát gồm Derek Chauvin, Thomas Lane, Tou Thao và J. Alexander Keung, bắt giữ. Theo camera giám sát gắn trên người cảnh sát, Derek Chauvin đã đè đầu gối lên cổ George Floyd trong 8 phút 46 giây, trong đó người đàn ông da màu đã không cử động trong vòng 3 phút. 

Theo đơn kiện gửi đến tòa án hạt Hennepin ở bang Minnesota, các khám nghiệm ban đầu của cơ quan y tế hạt Hennepin cho biết, ông George Floyd tử vong không chỉ do bị siết cổ mà còn do các bệnh nền có sẵn như động mạch vành và bệnh tim. Trong khi đó, theo phòng nội vụ của cảnh sát Minneapolis, viên cảnh sát Derek Chauvin đã từng phải nhận 18 đơn kiện trước đó. Cảnh sát Tou Thao cũng từng phải nhận 6 đơn kiện, 1 trong số đó liên quan đến việc sử dụng vũ lực quá mức cần thiết.

Tại một cuộc họp báo trực tuyến ngày 29-5, ông Farhan Haq, người phát ngôn của Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) Antonio Guterres cho biết người đứng đầu LHQ hết sức “bàng hoàng” về vụ việc ở thành phố Minneapolis thuộc bang Minnesota của Mỹ.

Nhìn lại lịch sử, trong một thế kỷ gần đây, Mỹ luôn vẫn phải đối mặt với những vụ bạo động mang màu sắc kỳ thị chủng tộc. Có thể kể ra một số vụ việc điển hình như đụng độ sắc tộc ở Charlotte, Bắc Carolina hồi tháng 9/2016; biểu tình và bạo động sắc tộc ở Ferguson, Missouri vào tháng 8/2014; lùi xa hơn một chút là vụ nổi loạn ở Cincinnati, Ohio, tháng 4/2001; rồi vụ bạo lực sắc tộc ở Miami, Florida hồi tháng 5/1980... 

Nguyên nhân sâu xa của các vụ bạo động sắc tộc kể trên không phải chỉ vì mất an ninh, tội phạm gia tăng, mà là hệ quả của một xã hội bị rạn nứt, thậm chí chia rẽ mà chưa một chính quyền nào ở Mỹ có thể giải quyết được tận gốc rễ. Có chăng những vết nứt đó mới chỉ tạm thời được xóa nhòa bằng cách tôn vinh những giá trị tự do, bình đẳng. Nhưng sự kỳ thị chủng tộc ở Mỹ, cả với người da màu lẫn da trắng chưa bao giờ “chết”, chúng chỉ “ngủ” và có thể thức dậy bất cứ lúc nào nếu có nhân tố đánh thức.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.