Ngoại trưởng Mỹ công du Mỹ Latinh: Sự khởi đầu không suôn sẻ

Thứ Bảy, 10/02/2018, 08:21
Chuyến công du dài ngày của Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson tới 5 nước Mỹ Latinh, gồm: Mexico, Argentina, Peru, Colombia và Jamaica được coi là nỗ lực đầu tiên mà chính quyền Tổng thống Donald Trump thực thi để củng cố ảnh hưởng và tăng cường vị thế của Washington tại khu vực Tây bán cầu.


Chuyến công du của Ngoại trưởng Rex Tillerson diễn ra từ ngày 1 đến ngày 7-2 trong bối cảnh tình hình chính trị với những biến động không ngừng ở Mỹ Latinh trong thập niên vừa qua đã tác động tới mối quan hệ giữa Mỹ với các quốc gia khu vực.

Ngoài ra, mối quan hệ này cũng đang đối mặt với nhiều sóng gió khác từ khi Tổng thống Mỹ Donald Trump nhậm chức do những thay đổi đáng kể trong chính sách di cư, chủ trương bảo hộ thương mại và lập trường cứng rắn về vấn đề Venezuela, The Guardian đưa tin ngày 9-2.

Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson. Ảnh: Reuters

Giới quan sát nhận định, chuyến đi của ông Tillerson chính là bước khởi đầu để chính quyền của Tổng thống Trump tìm lại ảnh hưởng ở khu vực rộng lớn trải dài nửa bán cầu ở phía Nam nước Mỹ.

Trong chặng dừng chân đầu tiên và cũng là lâu nhất tại quốc gia láng giềng Mexico, người đứng đầu giới ngoại giao Mỹ đã cùng với Tổng thống Mexico Enrique Pena bàn về việc thúc đẩy một chương trình làm việc chung giữa hai nước về các lĩnh vực đổi mới, khởi nghiệp, sự phát triển của lực lượng lao động, bình đẳng giới, các cơ chế hợp tác song phương và tăng cường phối hợp trong vấn đề an ninh với việc chia sẻ trách nhiệm.

Ông Tillerson cũng gặp mặt người đồng cấp Mexico Luis Videgaray để tìm ra các định hướng chính nhằm “cứu sống” Hiệp định thương mại tự do Bắc Mỹ (NAFTA) giữa Mỹ, Canada và Mexico, khi mà vòng đàm phán thứ 6 về hiệp định này không mang lại kết quả khả quan nào, còn vòng đàm phán thứ 7 sẽ diễn ra ở thủ đô của Mexico trong vòng chưa đầy 3 tuần nữa. NAFTA được cho là sẽ còn tiếp tục đương đầu với nhiều sóng gió, trong đó phải kể đến ảnh hưởng và chi phối chính trị từ cuộc tổng tuyển cử ở Mexico vào tháng 7 và bầu cử Quốc hội Mỹ giữa kỳ tháng 11 tới.

Khi đặt chân tới Argentina, ông Tillerson đã nhanh chóng dành cho nước này những lời khen ngợi hết lời, nói rằng Argentina là một trong những quốc gia mà Mỹ có quan hệ năng động nhất ở Mỹ Latinh, đồng thời khẳng định cam kết của Nhà Trắng trong thúc đẩy trao đổi kinh tế, thương mại với Buenos Aires, cũng như việc nước Nam Mỹ gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển (OECD).

Tại đây, hai bên đã thống nhất các biện pháp ngăn chặn hoạt động của mạng lưới Hezbollah, có trụ sở ở Liban và bị Washington coi là khủng bố, khi mà Argentina là nơi tập trung rất đông người Liban di cư.

Ở các điểm dừng chân khác trong chuyến công du là Peru, Colombia và Jamaica, Ngoại trưởng Rex Tillerson cũng gặt hái một số thành công lớn bằng việc tìm thấy sự đồng thuận của các nước này trong cuộc chiến chống buôn bán ma túy, tăng cường hoạt động giám sát các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia như buôn người và rửa tiền, qua đó chặn đứng nguồn tiền tài trợ cho các tổ chức khủng bố trên toàn cầu.

Có thể thấy rằng, Mỹ đang kỳ vọng sẽ thổi được một làn gió mới vào mối quan hệ giữa các nước trong khu vực Mỹ Latinh, trong bối cảnh nhiều quốc gia trong khu vực bớt phụ thuộc vào Mỹ, còn các cường quốc trên thế giới như Nga, Trung Quốc và Ấn Độ ngày càng chú tâm hơn và đầu tư mạnh tay hơn đến khu vực tiềm năng này. Tuy nhiên, dường như sự khởi đầu này không suôn sẻ như mong đợi của Washington.

Xuyên suốt chuyến công du của mình, Ngoại trưởng Rex Tillerson đã nhiều lần nhắc đến vấn đề Venezuela với các nhà lãnh đạo Mỹ Latinh nhưng quan điểm của Mỹ trong vấn đề Venezuela không được các nước khu vực ủng hộ. “Mexico không ủng hộ bất kỳ lựa chọn sử dụng bạo lực (trong nội bộ hay từ bên ngoài) nhằm giải quyết vấn đề Venezuela.

Chính người dân Venezuela sẽ tự tìm lộ trình, giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng”, Ngoại trưởng Mexico Luis Videgaray tuyên bố trong một cuộc họp báo hôm 3-2, Reuters đưa tin.

Lãnh đạo các nước Argentina hay Peru cũng đều khẳng định không bao giờ chấp thuận việc sử dụng vũ lực hay biện pháp cứng nhắc để can thiệp vào tình hình Venezuela, khi mà Caracas đang có những bước đi vững chắc để thoát khỏi cuộc khủng hoảng bằng một cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 4 tới.

Vấn đề người di cư cũng đã trở thành một vấn đề nhạy cảm khác cản trở mục đích chính trong chuyến thăm của ông Tillerson là thúc đẩy vị thế của Mỹ ở quốc gia láng giềng Mexico hay các nước có đông người di cư tới Mỹ như Peru và Jamaica.

Đến nay, Tổng thống Trump dường như không mảy may lùi bước trước kế hoạch siết chặt chính sách nhập cư cũng như quyết tâm xây dựng một bức tường biên giới với Mexico, bằng tiền của Mexico.

Bên cạnh đó, chính sách “Nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump, dẫn tới việc Mỹ yêu cầu đàm phán lại một loạt thỏa thuận thương mại, cũng như nâng mức thuế chống bán phá giá đánh vào nhiều mặt hàng tới từ Mỹ Latinh đã đẩy quan hệ giữa Washington với các nước trong khu vực vào tình trạng “bằng mặt nhưng chưa bằng lòng”.

Thiên Minh
.
.
.