Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đạt thỏa thuận ngừng bắn ở Syria

Thứ Bảy, 07/03/2020, 09:55
Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan vừa thực hiện chuyến thăm Nga và có cuộc hội đàm quan trọng kéo dài gần 6 giờ với người đồng cấp nước chủ nhà Vladimir Putin. Chuyến công du này được cho là có ý nghĩa cực kỳ quan trọng đối với tình hình leo thang căng thẳng tại Idlib, Syria.


Kỳ vọng thỏa thuận sẽ giúp giảm leo thang căng thẳng

Theo kết quả hội đàm, văn kiện thống nhất chung giữa Nga và Thổ Nhĩ kỳ do các Bộ trưởng Ngoại giao hai nước công bố, gồm 3 điểm. Thứ nhất là ngừng tất cả các hành động chiến đấu theo đường dây liên lạc hiện có từ nửa đêm ngày 6/3. Thứ hai, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ tạo ra một hành lang an toàn rộng 6km đến phía Bắc và phía Nam của đường cao tốc M-4 ở Syria. Và cuối cùng, từ ngày 15/3, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu tuần tra chung dọc theo đường cao tốc M-4.
Tổng thống Vladimir Putin (phải) và người đồng cấp Tayyip Erdogan.

Trong tuyên bố chung về kết quả hội đàm, cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều cam kết về chủ quyền, độc lập và toàn vẹn lãnh thổ cho Syria, nhấn mạnh quyết tâm chiến đấu với tất cả các biểu hiện của chủ nghĩa khủng bố và tiêu diệt tất cả các nhóm khủng bố được Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) công nhận.

Tuyên bố chung cũng nêu rõ, cuộc xung đột Syria không có giải pháp quân sự và cần được giải quyết bằng tiến trình chính trị, do chính người dân Syria thực hiện phù hợp với nghị quyết 2254 của HĐBA LHQ. Moscow và Ankara cũng nhất trí về tầm quan trọng của việc ngăn chặn tình trạng nhân đạo ngày càng xấu đi, bảo vệ thường dân và cung cấp hỗ trợ nhân đạo cho tất cả người Syria cần. Hai bên ủng hộ tạo điều kiện an toàn cho những người tỵ nạn tự nguyện trở về nơi ở của mình ở Syria.

Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bày tỏ hy vọng sau khi Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đạt một thỏa thuận ngừng bắn, các hành động thù địch sẽ “chấm dứt ngay lập tức và kéo dài” nhằm hỗ trợ người dân miền Bắc Syria sớm ổn định cuộc sống. Trong tuyên bố của mình, Tổng Thư ký Antonio Guterres “hy vọng thỏa thuận trên sẽ dẫn tới việc ngừng thù địch ngay lập tức và kéo dài, để bảo vệ dân thường ở Tây Bắc Syria, vốn đã phải chịu nhiều thương đau”.

Mỹ cũng có động thái tương tự. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết: “Chúng tôi rất hoan nghênh các bài báo ngày hôm nay về việc Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đã nhất trí lệnh ngừng bắn ở Idlib và chúng tôi hy vọng điều này sẽ giúp giảm leo thang căng thẳng cũng như xoa dịu cuộc khủng hoảng nhân đạo tại đây”, đồng thời nhấn mạnh: “Cách duy nhất để giải quyết xung đột là qua một lệnh ngừng bắn trên toàn quốc và qua các giải pháp chính trị sau khi đã đàm phán, phù hợp với Nghị quyết 2254 của HĐBA LHQ”.

Sự nhượng bộ của cả Nga và Thổ Nhĩ Kỳ

Khi tuyên bố về kết quả hội đàm, Tổng thống Vladimir Putin nhấn mạnh rằng: “Nga không phải lúc nào cũng đồng ý với các đối tác Thổ Nhĩ Kỳ trong các đánh giá về những gì đang xảy ra ở Syria, nhưng mỗi lần vào những thời điểm quan trọng, dựa trên mức độ cao đạt được về quan hệ song phương, phía Nga đã có thể tìm thấy những điểm chung về các vấn đề gây tranh cãi đã nảy sinh và đưa ra các giải pháp chấp nhận được. Và lần này cũng đã xảy ra như vậy”.

Vậy giải pháp chấp nhận được ở đây là gì? Tỉnh Idlib là khu vực giảm leo thang cuối ở Syria vẫn chịu sự kiểm soát của các nhóm vũ trang đối lập do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn và các nhóm khủng bố ẩn náu. Những ngày qua, quân đội của Chính phủ Syria, với sự hỗ trợ của Nga đang trên đà giành lại quyền kiểm soát nốt khu vực này. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ đã ngăn chặn quyết liệt.

Có ý kiến chuyên gia đã cho rằng, hành động của Thổ Nhĩ kỳ là để tăng sức nặng trên bàn đàm phán với Nga. Và với những kết quả được nêu trong tuyên bố chung, đặc biệt là về việc tạo hành lang an toàn 6km đến phía Bắc và phía Nam của tuyến đường M4 và Nga - Thổ sẽ tiến hành tuần tra chung, thì có thể thấy, Thổ Nhĩ Kỳ đã đạt được mục tiêu của mình.

Nga ở đây đã có sự nhượng bộ.  Việc này, như người đứng đầu Điện Kremlin đã tuyên bố, “những thỏa thuận này sẽ là cơ sở tốt để chấm dứt các hành động chiến đấu ở khu vực giảm leo thang Idlib, chấm dứt sự đau khổ của dân chúng và cuộc khủng hoảng nhân đạo đang gia tăng, và tạo điều kiện cho việc tiếp tục tiến trình hòa bình ở Syria giữa tất cả các bên xung đột”.

Sự nhượng bộ của Nga là để tránh căng thẳng với Thổ Nhĩ Kỳ, trong bối cảnh hai bên có các mối quan hệ về kinh tế - thương mại, quốc phòng, mà hai nhà lãnh đạo đều khẳng định là hết sức coi trọng và tiếp tục phát triển. Đồng thời, Nga cũng đã giữ được lập trường của mình, khi trong tuyên bố chung, cả hai bên đều nhất trí coi trọng chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Syria. Cuộc xung đột ở Syria không có giải pháp quân sự, mà phải bằng tiến trình chính trị, do chính người dân Syria thực hiện, phù hợp với Nghị quyết của HĐBA LHQ.

Trong khi đó, với Tổng thống Tayyip Erdogan, việc từ đối đầu trở lại bàn đàm phán là một bước lùi lớn bởi Thổ Nhĩ Kỳ và cá nhân ông luôn là người cứng rắn. Các hành động vừa qua của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib, Tripoli hay cả việc mở biên giới gần như đều thất bại khi không tìm được đồng minh và sẽ là thất bại lớn nếu tiếp tục đương đầu với Nga ở các mặt trận này. Đó cũng là lý do Thổ Nhĩ Kỳ ngồi vào bàn đàm phán để đảm bảo các mục tiêu khác như vấn đề an ninh biên giới, kinh tế. Giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ có nhiều dự án hợp tác cả về quân sự và kinh tế, khí đốt trị giá hàng tỷ USD.

Chính vì vậy Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không muốn “mất cả chỉ lẫn chài” trong cuộc chơi này. Trước đối tác Thổ Nhĩ Kỳ, tôi cho rằng Nga cũng có những chính sách riêng để giữ thể diện, cũng như đảm bảo an ninh cho nước này ở Idlib và cả biên giới với Syria. So với các đối tác khác, Nga vẫn chứng tỏ được uy tín trong khi các đối tác khác khi “mặn nồng”, khi “nguội lạnh” với Thổ Nhĩ Kỳ.

Dư luận cũng đồn đoán rằng, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ sẽ tìm cách thuyết phục người đồng cấp Nga về kế hoạch thành lập một khu vực kiểm soát mới ở Idlib để tái định cư hàng triệu người tị nạn. Nga có thể đưa ra một số nhượng bộ đối với mong muốn của Thổ Nhĩ Kỳ để tạo ra một vùng đệm để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ. Nga sẽ thuyết phục chính quyền Syria nhượng bộ ngừng chiến ở Idlib.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.