Nga tổ chức bầu cử Hạ viện trong bối cảnh khó khăn

Thứ Hai, 19/09/2016, 10:09
Sáng 18-9, 95.000 điểm bỏ phiếu trên toàn nước Nga đã mở cửa đón hơn 110 triệu cử tri đi bỏ phiếu, bầu ra Duma quốc gia (Hạ viện) khóa VII với tổng cộng 450 ghế quốc hội. Diễn ra trong bối cảnh “xứ sở Bạch Dương” đang gặp nhiều khó khăn do các biện pháp trừng phạt kinh tế quốc tế và giá dầu thấp, cuộc bầu cử lần này được đánh giá là “phép thử lòng tin” của công luận đối với đảng Nước Nga thống nhất (UR) cầm quyền do Thủ tướng Dimitry Medvedev làm Chủ tịch, cũng như cá nhân Tổng thống Vladimir Putin.

Sau 13 năm, bầu cử Quốc hội Nga 2016 quay lại tiến hành theo hệ thống hỗn hợp. Tức là, 450 ghế Quốc hội sẽ là sự kết hợp giữa 225 đại biểu được bầu theo danh sách của 14 chính đảng đăng ký và 225 đại biểu được bầu theo danh sách phổ thông đầu phiếu tại các khu vực một đại biểu. Các chính đảng phải giành được 5% phiếu ủng hộ mới có ghế trong Hạ viện.

Giới quan sát dự báo, bốn đảng nắm ghế chính trong Duma quốc gia Nga khóa VII vẫn sẽ là các chính đảng truyền thống như UR, đảng Cộng sản Liên bang Nga (KPRF), đảng Dân chủ - Tự do Nga (LDPR) và đảng Nước Nga công bằng (SR).

Trong đó, đảng UR được cho là sẽ giành chiến thắng áp đảo bởi uy tín của Tổng thống Putin vẫn duy trì ở mức cao, khoảng 80% tỷ lệ ủng hộ.

Thực tế cho thấy, UR luôn được cử tri Nga “trao trọn” niềm tin và trở thành chính đảng cầm quyền trong suốt hơn một thập kỷ qua. Thế nhưng, những thành tựu tích góp được đang dần tiêu tan do nền kinh tế Nga trải qua tình trạng khủng hoảng nghiêm trọng nhất kể từ khi Tổng thống Putin lên cầm quyền vào năm 1999.

Năm 2015, tổng sản phẩm nội địa giảm 3,7% so với 2014 và nhiều khả năng sẽ còn giảm tiếp thêm 0,6% trong năm nay. Tuy nhiên thống kê chính thức cho thấy kinh tế Nga đã “có dấu hiệu ổn định” trong quý II/2016. Moskva kỳ vọng tình hình sáng sủa hơn trong sáu tháng cuối năm nay.

Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh khó khăn chồng chất như vậy nên không có gì ngạc nhiên khi tỷ lệ cử tri ủng hộ UR giảm sút.

Một điểm bỏ phiếu ở Thủ đô Moskva. Ảnh: Sputnik

Theo kết quả thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu dư luận xã hội toàn Nga (VTsIOM) công bố hôm 12-9, thời điểm kết thúc chiến dịch tranh cử, UR dẫn đầu nhưng có khả năng chỉ giành được 41,1% số phiếu ủng hộ, thấp hơn nhiều so với khóa trước.

Các vị trí tiếp theo lần lượt thuộc về LDPR (12,6%), KPRF (7,4%) và SR (6,3%). Với kết quả này, UR được dự báo sẽ tiếp tục giành chiến thắng và chiếm nhiều ghế trong Duma Quốc gia khóa mới, tuy nhiên không tạo được phe đa số tuyệt đối tại Hạ viện. Thế nhưng, UR vẫn còn cơ hội để đảo ngược tình thế nhờ vào hệ thống bầu cử hỗn hợp hiện nay. Đảng cầm quyền đặt nhiều kỳ vọng vào những ứng cử viên “độc lập” được bầu không phải theo danh sách đảng phái chính trị mà theo chế độ bầu cử đa số.

Trong chiến dịch tranh cử, Chủ tịch UR Dmitry Medvedev, kêu gọi cử tri hãy bỏ phiếu cho chính đảng này, với “lời hứa” sẽ tuân thủ đường lối phát triển đất nước do Tổng thống Putin đề ra. Bên cạnh việc được đánh giá là “phép thử lòng tin” của cử tri, cuộc bầu cử Hạ viện Nga năm này còn được xem bước đệm để Tổng thống Putin tham gia chiến dịch tái tranh cử vào năm 2018. Tuy nhiên, người đứng đầu Điện Kremlin cho hay còn quá sớm để khẳng định ông có tham gia tái tranh cử nhiệm kỳ Tổng thống lần thứ 4 vào năm 2018 hay không.

Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Ủy ban Bầu cử nước Cộng hòa tự trị Crimea, ông Mikhail Malyshev cho biết, vào sáng cùng ngày, 1.207 điểm bỏ phiếu bầu cử Duma Quốc gia Nga đã đồng loạt mở cửa ở Crimea.

Đây là lần đầu tiên người dân Crimea được tham gia bầu cử Quốc hội Nga, vì thế đây cũng là trải nghiệm đầu tiên của Ủy ban bầu cử: “Tuy là lần đầu, nhưng sau vài tiếng đồng hồ từ khi các điểm bầu cử mở cửa, đã không xảy ra sự cố hay vi phạm nào”.

Liên quan tới vấn đề này, Rada Tối cao (Quốc hội) Ukraine đã gửi đến các nghị sĩ nước ngoài, quốc hội nhiều nước phương Tây và các tổ chức quốc tế lời yêu cầu không tham gia sứ mệnh giám sát quá trình bầu cử Hạ viện Nga diễn ra ở Crimea và trong bất cứ trường hợp nào cũng không công nhận kết quả bầu cử ở đó vì hoạt động bỏ phiếu diễn ra trên lãnh thổ Ukraine.

Quốc hội Ukraine thông báo rằng, tất cả những người nước ngoài đến Crimea tham dự giám sát bầu cử trên “lãnh thổ bị chiếm đóng tạm thời” này sẽ bị truy tố hình sự về tội “xâm nhập bất hợp pháp lãnh thổ Ukraine”.

Trong khi đó, Ủy ban bầu cử Trung ương Nga đã nhận được rất nhiều đơn đăng ký tham gia sứ mệnh giám sát từ các quan sát viên nước ngoài. Tổng cộng có đến 446 người. Không chỉ Văn phòng Dân chủ và nhân quyền châu Âu (ODIHR), OSCE, mà cả Hội đồng liên nghị viện SNG (Cộng đồng các quốc gia độc lập thuộc Liên Xô cũ) cũng cử phái đoàn sang giám sát bầu cử ở Nga.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.