Nga sẵn sàng “mở lòng” với Mỹ
Người đứng đầu Điện Kremlin cũng khẳng định ông sẵn sàng gặp Tổng thống mới đắc cử Mỹ Donald Trump vào bất cứ lúc nào, nhưng tốt hơn hết là cuộc gặp nên diễn ra sau khi ông Trump hoàn thành nội các mới.
Phát biểu trước thềm chuyến thăm Nhật Bản diễn ra vào hai ngày 15 và 16-12, Tổng thống Putin nêu rõ: “Chúng tôi luôn sẵn sàng vào bất cứ lúc nào, không có vấn đề gì từ phía chúng tôi, nhưng tôi nghĩ rằng, bây giờ đang là giai đoạn khó khăn khi thành lập chính quyền mới, chúng ta cần kiên nhẫn và chờ đợi cho đến khi giai đoạn này kết thúc”.
Theo Tổng thống Nga, ông Trump ủng hộ việc bình thường hóa quan hệ và đó là mong muốn chung của hai bên.
Ông khẳng định Nga đã sẵn sàng thực hiện phần việc của mình: “Chúng tôi nhận thức rõ ràng rằng, trong những năm qua có nhiều người tỏ ý hoài nghi hoặc nói cần thận trọng trong việc phát triển quan hệ Nga - Mỹ, nhưng những lợi ích sâu xa, lợi ích căn bản giữa Mỹ và Nga đòi hỏi bình thường hóa quan hệ giữa chúng tôi”.
Tổng thống Putin (trái) và ông Tillerson tại buổi lễ trao thưởng cho các lãnh đạo và nhân viên những tập đoàn năng lượng lớn ngày 21-6-2013. Ảnh: Sputnik |
Về cuộc chiến chống khủng bố, người đứng đầu Điện Kremlin khẳng định Moskva sẵn sàng hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Washington để giải quyết những vấn đề liên quan tới cuộc chiến này.
Và để khẳng định thêm một lần nữa luận điểm “Moskva ủng hộ bình thường hóa quan hệ với Mỹ”, Tổng thống Putin đã tiết lộ về triển vọng ký kết một hiệp ước hòa bình và phát triển mối quan hệ giữa Nga và Nhật Bản, một đồng minh thân cận của Mỹ.
Ông khẳng định: “Chúng tôi muốn bình thường hóa hoàn toàn quan hệ với Nhật Bản, việc thiếu vắng một hiệp ước hòa bình là điều xưa cũ từ quá khứ và cần phải khắc phục điều này”.
Theo Tổng thống Nga, sự thiếu vắng một hiệp ước hòa bình với Nhật Bản không cho phép phát triển quan hệ đa phương giữa các quốc gia, vì vậy Nga sẽ nỗ lực ký kết hiệp ước này.
Tuy nhiên, ông Putin cũng không quên nhắc lại rằng, Nhật Bản đã tham gia vào các biện pháp trừng phạt chống lại Nga và tự hỏi làm thế nào để phát triển hơn nữa quan hệ kinh tế ở mức độ cao hơn trong khi đang tồn tại chế độ trừng phạt.
Bên cạnh đó, Tổng thống Putin cũng hoàn toàn ủng hộ việc ông Trump chọn CEO ExxonMobil Rex Tillerson - một người có mối quan hệ mật thiết với giới chức Nga - làm người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ.
Có thể nói, cả Tổng thống Putin và Chủ tịch Tập đoàn dầu khí Nga Rosneft, ông Igor Sechin, đều coi trọng ông Tillerson. Tại cuộc gặp hồi tháng 4-2012, Tổng thống Putin đã không ngại ngần công khai bày tỏ sự quý mến đối với ông Tillerson.
Một năm sau, ông chủ Điện Kremlin đã đích thân trao tặng ông Tillerson “Huân chương Hữu nghị” – một trong những phần thưởng cao quý nhất mà Nhà nước Nga trao cho những cá nhân có nhiều đóng góp lớn lao trong việc cải thiện quan hệ với Nga. Và không chỉ Tổng thống Nga mà nhiều giới chức khác của nước này đều có mối quan hệ tốt với ông Tillerson.
Trợ lý về chính sách ngoại giao của Điện Kremlin Yuri Ushakov nói: “Ông Tillerson đã tích cực hỗ trợ hợp tác kinh doanh và được tất cả mọi người biết đến”. Khi được hỏi liệu ông Tillerson trở thành Ngoại trưởng Mỹ có thể giúp hàn gắn mối quan hệ Moskva - Washington, ông Ushakov nói: “Chúng tôi muốn thoát khỏi tình trạng khủng hoảng (trong mối quan hệ Nga – Mỹ - PV), vốn không làm hài lòng cả Nga và Mỹ”.
Về phần mình, CEO ExxonMobil từng nhấn mạnh “không có gì có thể cải thiện quan hệ giữa hai nước tốt hơn là việc các doanh nghiệp của hai bên có thể hợp tác làm ăn với nhau”, và luôn phản đối lệnh trừng phạt nhằm vào Nga.
Liên quan tới việc này, nhiều chuyên gia cho rằng, khả năng chính quyền sắp tới của ông Trump dỡ bỏ lệnh trừng phạt nhằm vào Nga là rất cao. Nếu việc này xảy ra, thì châu Âu cũng khó có thể kéo dài lệnh trừng phạt đối với Moskva.
Bên cạnh đó, lệnh trừng phạt của Mỹ được áp đặt theo mệnh lệnh hành chính của Tổng thống và không cần phải thông qua Quốc hội, do đó, nếu ông Trump quyết định dỡ bỏ thì việc này gần như chắc chắn xảy ra. Việc Tổng thống mới đắc cử Mỹ giao cho ông Tillerson chiếc ghế Ngoại trưởng lại khiến khả năng này càng trở nên rõ rệt.
Việc Tổng thống đắc cử Mỹ lựa chọn ông Tillerson cho chức Ngoại trưởng đã gây ra làn sóng tranh cãi mạnh mẽ trong chính giới cũng như dư luận Mỹ.
Có không ít ý kiến quan ngại cho rằng liệu việc bổ nhiệm CEO của 1 tập đoàn làm Ngoại trưởng có dẫn tới vấn đề xung đột lợi ích hay không và liệu ông Rex Tillerson sẽ ưu tiên nước Mỹ trước hay các lợi ích của công ty?
Tuy nhiên, để bảo vệ cho quyết định của mình, Tổng thống đắc cử Mỹ ca ngợi ông Tillerson là “một nhà ngoại giao lớn” và “một trong những lãnh đạo doanh nghiệp toàn cầu tài năng nhất” ngày nay.
Và điều quan trọng hơn là, ông Tillerson là người có mối quan hệ tốt đẹp với nhiều lãnh đạo trên thế giới và điều này sẽ mang lại “hướng đi mới” cho chính sách đối ngoại của Mỹ.
Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ: Quan hệ căng thẳng với Nga là mối đe dọa chính của năm 2017 Trong báo cáo mang tên “Những mối đe dọa chính cần lưu ý trong năm 20174”, Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ chỉ ra rằng, căng thẳng trong quan hệ giữa Nga và các nước thuộc Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có thể trở thành mối đe dọa lớn trong năm 2017. Báo cáo cho rằng, “sự đối đầu quân sự chủ ý hoặc vô tình” có thể xảy ra do “hành vi gây hấn” của Nga trên lãnh thổ các nước Đông Âu. Ngoài ra, cũng theo báo cáo trên, mối đe dọa lớn thứ hai là “khủng hoảng nghiêm trọng ở CHDCND Triều Tiên”, liên quan đến hoạt động thử nghiệm vũ khí hạt nhân, các “hành động khiêu khích quân sự và bất ổn chính trị nội bộ”. Đứng thứ ba trong danh sách các nguy cơ là hoạt động tấn công mạng quy mô lớn nhằm vào “cơ sở hạ tầng đặc biệt quan trọng của Mỹ”. Theo các tác giả báo cáo, một mối đe dọa nghiêm trọng nữa có khả năng xảy ra trong năm 2017 là tấn công khủng bố trên lãnh thổ Mỹ hoặc các nước đồng minh. (Minh Nhật - theo Sputnik)
|