Nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ Nhật – Hàn

Thứ Bảy, 28/09/2019, 08:30
Mối quan hệ giữa hai nước láng giềng ở khu vực Đông Bắc Á tiếp tục xuống thấp hơn nữa sau khi Nhật Bản công bố Sách trắng Quốc phòng thường niên trong đó nhận chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp hiện do Hàn Quốc kiểm soát và gọi là Dokdo, trong khi Tokyo gọi là Takeshima.

Hàn Quốc kiểm soát quần đảo này từ năm 1945 đến nay, trong khi Nhật Bản liên tục tuyên bố chủ quyền đối với vùng lãnh thổ này bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ Seoul.

Trong tuyên bố ngày 27-9, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc nhấn mạnh chính phủ nước này phản đối mạnh mẽ việc Nhật Bản nhận chủ quyền đối với quần đảo trên trong Sách trắng Quốc phòng 2019. Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cho rằng tuyên bố chủ quyền này của Nhật Bản là bất hợp pháp và không giúp ích cho quan hệ song phương, theo đó Seoul hối thúc Tokyo “ngay lập tức rút lại tuyên bố chủ quyền này”.

Cùng với đó, Bộ Ngoại giao Hàn Quốc cũng đã triệu một đại diện ngoại giao của Nhật Bản để phản đối về Sách trắng Quốc phòng của quốc gia láng giềng này, trong đó tiếp tục tuyên bố chủ quyền đối với quần đảo tranh chấp Dokko/Takeshima hiện do Seoul kiểm soát.

Theo bộ trên, quyền Vụ trưởng Vụ châu Á - Thái Bình Dương thuộc Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, ông Lee Sang-ryeol đã triệu Bí thứ phụ trách các vấn đề chính trị của Đại sứ quán Nhật Bản ở nước này, ông Taisuke Mibae. Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cũng đã triệu ông Tatsuya Watanabe - một tùy viên quân sự của Nhật Bản để bày tỏ sự phản đối trong vấn đề nêu trên.

Nội dung trong Sách trắng Quốc phòng 2019 của Nhật Bản. Ảnh: TTXVN.

Trước đó cùng ngày, Bộ Quốc phòng Nhật Bản đã công bố Sách trắng Quốc phòng thường niên trong đó tiếp tục khẳng định chủ quyền của nước này đối với vùng lãnh thổ tranh chấp nói trên - nội dung xuất hiện trong Sách trắng Quốc phòng hằng năm của Nhật Bản kể từ năm 2005.

Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản 2019 có 4 phần bao gồm môi trường an ninh xung quanh Nhật Bản, chính sách an ninh, quốc phòng Nhật Bản, 3 trụ cột quốc phòng Nhật Bản và những yếu tố trung tâm hình thành sức mạnh quốc phòng. Nội dung các phần khái quát về tình hình quốc phòng Nhật Bản, các nước trên thế giới, hợp tác quốc phòng giữa Nhật Bản và các nước, khu vực…

Trong phần mở đầu, Sách trắng nhận định tính chất không chắc chắn về trật tự thế giới hiện nay ngày càng tăng, trong khi đó sự cạnh tranh giữa các quốc gia về chính trị, kinh tế và quân sự ngày càng hiện rõ. Sách trắng cũng bày tỏ quan ngại về những thách thức an ninh mà một quốc gia đơn lẻ không thể tự mình giải quyết được ngày càng tăng, như vấn đề bảo đảm an ninh trên biển, vũ khí hủy diệt hàng loạt, bảo đảm an toàn không gian mạng và vũ trụ cũng như các cuộc xung đột khu vực và khủng bố quốc tế. Từ đó, Nhật Bản kêu gọi sự hợp tác quốc tế để cùng nhau giải quyết những vấn đề này.

Sách trắng tiếp tục khẳng định quan hệ đồng minh Nhật-Mỹ là một trong 3 trụ cột trong chính sách quốc phòng của mình, bên cạnh xây dựng cấu trúc phòng thủ của riêng Nhật Bản và tăng cường hợp tác an ninh đa phương. Trên cơ sở các trụ cột này, Nhật Bản đang thúc đẩy hợp tác với Mỹ trong nhiều lĩnh vực như hợp tác đối phó trên không gian mạng và vũ trụ, hợp tác phòng thủ tên lửa, tập trận song phương, bảo đảm an ninh trên biển...

Trong thời gian tới, hai bên sẽ tiếp tục tiến hành các hoạt động song phương như hỗ trợ xây dựng năng lực, cứu hộ cứu nạn, tập trận ba bên và đa phương, hợp tác công nghệ quốc phòng... nhằm tăng cường sự hiện diện của Nhật Bản và Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như duy trì trật tự trên biển tự do và rộng mở tại khu vực này.

Một điểm đáng chú ý trong Sách trắng là căng thẳng quan hệ Nhật-Hàn dường như đã khiến Nhật Bản không đánh giá cao việc hợp tác quan hệ quốc phòng với Hàn Quốc như trước đây.

Trong phần đề cập tới quan hệ giữa Nhật Bản với các đối tác quốc tế, Hàn Quốc đứng thứ 4 sau Australia, Ấn Độ và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Năm 2018, Hàn Quốc đứng ở thứ 2 trong danh sách này.

Trong phần đề cập tới tình hình Triều Tiên, Sách trắng cho biết, những năm gần đây, Triều Tiên đã thử nghiệm tên lửa đạn đạo với tần suất chưa từng có nhằm tăng cường khả năng hỏa lực và năng lực tấn công. Thông qua thử hạt nhân để thành thạo về mặt kỹ thuật, Triều Tiên đang thực hiện làm nhỏ đầu đạn hạt nhân để lắp đặt cho tên lửa đạn đạo.

Sách trắng nêu rõ: “Những động thái quân sự này là mối đe dọa nghiêm trọng và cấp thiết của đất nước chúng ta, đồng thời gây tổn hại tới hòa bình và an ninh của khu vực cũng như thế giới”.

Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho rằng, mặc dù Triều Tiên đã có một số động thái tích cực như đối thoại với Mỹ, hủy bỏ thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM), nhưng Bình Nhưỡng chưa phá hủy các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và các loại tên lửa đạn đạo một cách hoàn toàn, có thể kiểm chứng và không thể đảo ngược.

Sách trắng Quốc phòng Nhật Bản quan ngại hoạt động Trung Quốc ở Biển Đông

Trong Sách trắng Quốc phòng thường niên được Bộ Quốc phòng Nhật Bản công bố ngày 27-9, Toky thể hiện “quan ngại sâu sắc” về các hoạt động đơn phương thay đổi hiện trạng trên Biển Đông do Trung Quốc tiến hành.

Tài liệu trên nhận định Trung Quốc đang tiếp tục gia tăng chi phí quốc phòng một cách không minh bạch nhằm xây dựng quân đội lớn mạnh hàng đầu thế giới vào giữa thế kỷ XXI. Sách trắng nhấn mạnh: Trung Quốc có những hoạt động đơn phương mới nhằm thay đổi hiện trạng Biển Đông. Hơn thế nữa, nước này còn phái rất nhiều tàu trong đó có tàu Liêu Ninh tham gia tập trận, bố trí binh lực ở khu vực Biển Đông và mở rộng hoạt động sang khu vực Thái Bình Dương.

Tháng 6-2019, tàu Liêu Ninh cùng với tàu hỗ trợ chiến đấu đi qua khu vực biển Okinawa của Nhật Bản, tiến sâu vào Thái Bình Dương. Sách trắng lo ngại rằng thời gian tới, Trung Quốc tiếp tục mở rộng hoạt động của lực lượng trên biển, cho không quân tiến sâu vào khu vực Biển Đông và Thái Bình Dương. Động thái này đáng lo ngại và tập trung sự chú ý của dư luận quốc tế.

Với tình huống trên, Nhật Bản tập trung thúc đẩy hợp tác chặt chẽ với các nước Đông Nam Á trong đó có Việt Nam, Philippines, Indonesia… trong việc tăng cường năng lực của lực lượng hải quân trên biển, duy trì, phát triển tự do hàng hải dựa trên luật pháp quốc tế, tăng cường hợp tác bảo đảm an ninh hàng hải trên quan hệ song phương, đa phương. (Minh Hải)


Khổng Hà
.
.
.