Nấc thang căng thẳng mới trong quan hệ Nga – Mỹ
Tuyên bố này được đưa ra một ngày sau khi Washington thông báo mở rộng trừng phạt Moscow liên quan tới tình hình Ukraine.
Thông qua mạng xã hội Facebook, ông Kosachev viết rằng: “Mỹ đã và đang thực hiện các biện pháp trừng phạt, đưa chúng lên một tầm cao mới. Bộ Ngoại giao Mỹ và Bộ Tài chính Mỹ đã đưa ra những quyết định trừng phạt, vốn đã trở thành một “nghi lễ thiêng liêng” và không gì hơn nữa”.
Ông nói thêm, kể từ đầu những năm 1970, Quốc hội Mỹ đã thông qua hơn 500 dự luật liên quan tới các biện pháp trừng phạt đối với các quốc gia khác, trong đó cũng có nhiều sắc lệnh của tổng thống. “Chính sách trừng phạt của Washington đã trở nên hỗn độn…
Chủ tịch Ủy ban đối ngoại Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga Konstantin Kosachev. |
Các biện pháp trừng phạt đang được áp đặt trong mọi lĩnh vực mà các lợi ích của Mỹ cần được bảo vệ. Không ai thực sự nhớ được những gì nó bắt đầu và tại sao nó lại xảy ra”, Thượng nghị sĩ Nga lưu ý Mỹ đang tìm cách "kiềm chế Nga và đồng thời cổ vũ châu Âu, vì những nghi ngờ về giá trị của liên minh xuyên Đại Tây Dương (giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu - PV) đang ngày càng gia tăng. Đó là con đường một chiều và nó sẽ không đưa châu Âu tới thành công”.
Chia sẻ quan điểm này, Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề đối ngoại Hạ viện Nga Leonid Slutsky khẳng định các lệnh trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Nga là một bước đi phá hoại, làm trầm trọng thêm quan hệ vốn đang căng thẳng giữa Moscow và Washington. Ông Slutsky nhấn mạnh Nga chắc chắn sẽ đáp trả các biện pháp trừng phạt này.
Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga nêu rõ, động thái mới của Washington là một phần trong “chiến dịch trừng phạt vô nghĩa” của Washington, đồng thời cảnh báo các biện pháp trừng phạt sẽ không mang lại bất cứ kết quả nào mà chỉ gây thiệt hại tài chính đối với Mỹ.
Tuyên bố của Bộ Ngoại giao Nga nhấn mạnh: “Nếu nhà chức trách Mỹ muốn cắt đứt quan hệ kinh tế cũng như các mối quan hệ khác với Nga, đó là quyền của họ, và chúng tôi có quyền đáp trả”.
Các quan chức khác của Nga trước đó cũng khẳng định, Moscow không tìm kiếm sự đối đầu với Washington, trái lại luôn sẵn sàng cải thiện và hướng tới bình thường hóa quan hệ song phương. Tuy nhiên, những nỗ lực này khó có thể đạt được kết quả như mong muốn khi tư tưởng chống Nga ở Mỹ đang chiếm ưu thế, thậm chí còn mạnh hơn thời Chiến tranh Lạnh.
Người phát ngôn điện Kremlin Smitry Peskov nhấn mạnh: “Nga đang tìm cách hợp tác với Mỹ để giải quyết tất cả các vấn đề quốc tế và khu vực. Tuy nhiên, chúng tôi cảm thấy không nhận được thiện chí của Mỹ về sự hợp tác này. Chúng tôi lấy làm tiếc về việc không có sự hợp tác đầy đủ giữa hai bên”.
Hôm 26-1, Mỹ đã mở rộng các biện pháp trừng phạt đối với Nga, khi bổ sung tổng cộng 21 cá nhân và 21 tổ chức vào “danh sách đen” trừng phạt vì liên quan tới cuộc khủng hoảng ở Ukraine.
Trong một thông báo, Bộ Tài chính Mỹ nêu rõ, trong số những cá nhân và thực thể bị bổ sung vào danh sách trừng phạt của Mỹ có Thứ trưởng Năng lượng Cherezov, Vụ trưởng Vụ Quản lý và Điều hành Hoạt động trong ngành Điện lực tại Bộ Năng lượng Nga Yevgeny Grabchak cũng như người đứng đầu Công ty Công nghệ Technopromexport - ông Andrei Cherezov, và nhiều công ty con của Công ty Sản xuất dầu Surgutneftegaz.
Động thái này diễn ra chỉ vài ngày trước khi Mỹ dự kiến công bố chi tiết về các biện pháp trừng phạt đối với Nga sớm nhất vào ngày 29-1 tới liên quan tới việc Moscow can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ cuối năm 2016.
Mỹ bắt đầu áp đặt các biện pháp trừng phạt Nga với cáo buộc nước này liên quan đến cuộc khủng hoảng tại miền Đông Nam Ukraine và việc sáp nhập bán đảo Crimea vào năm 2014.
Các biện pháp trừng phạt này đã nhiều lần được chính quyền Mỹ mở rộng và gia hạn nhằm gây sức ép lên chính phủ Nga. Cuối tháng 7-2017, Thượng viện Mỹ vẫn thông qua các biện pháp siết chặt trừng phạt Nga bất chấp việc Tổng thống Mỹ Donald Trump phản đối dự luật này.
Đặc biệt, dự luật còn bao gồm điều khoản ngăn chặn người đứng đầu Nhà Trắng dỡ bỏ các chế tài này. Theo giới phân tích, trong bối cảnh quốc tế đang thúc đẩy nỗ lực ngoại giao để giải quyết cuộc xung đột Ukraine, thì các biện pháp trừng phạt của Mỹ nhằm vào Nga đang trở nên phản tác dụng.
Những bước đi của Washington phủ bóng lên cuộc gặp hôm 25-1 giữa đặc phái viên của Mỹ về Ukraine Kurt Volker và đặc phái viên của Nga Vladislav Surkov để thảo luận các biện pháp giải quyết cuộc xung đột.
Điều quan trọng là những biện pháp trừng phạt này thời gian qua cũng chứng minh không hiệu quả để đưa ra một giải pháp cho cuộc xung đột Ukraine.
Nhiều quan chức Nga cảnh báo, các biện pháp trừng phạt của Mỹ không những phản tác dụng để giải quyết cuộc xung đột Ukraine, mà còn buộc Nga phải đưa ra các biện pháp trả đũa, dẫn đến cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc này.
Theo kết quả các cuộc khảo sát mới đây, cứ 3 người Nga thì có 2 người cho rằng, họ không quan tâm đến các biện pháp trừng phạt của phương Tây. Đặc biệt trong những tuần gần đây, với giá dầu thô xuất khẩu quan trọng của Nga đang đạt mốc cao nhất 3 năm qua, đẩy đồng RUB của Nga tăng giá và thị trường chứng khoán Nga khởi sắc thì càng có nhiều ý kiến cho rằng, nước Nga đủ tự tin đối mặt với bất cứ biện pháp trừng phạt nào của quốc tế.