NATO không muốn khôi phục quan hệ với Nga
Ngoại trưởng Nga cho rằng, việc ngừng công việc của Hội đồng Nga - NATO và đóng băng các cơ chế hợp tác giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) là một sai lầm. Ngoại trưởng Lavrov khẳng định: “Thực tế là hai cuộc họp cấp đại sứ của Hội đồng Nga – NATO đã được tổ chức không thay đổi được bất cứ điều gì.
NATO không muốn thảo luận về việc khôi phục quan hệ”, và cho biết thêm rằng: “Tại phiên họp mới nhất giữa hai bên diễn ra vào tháng 7-2016, chúng tôi đã đưa ra các đề xuất đặc biệt về việc khôi phục hợp tác quân sự, đặc biệt là việc xây dựng sự tin tưởng lẫn nhau”.
Ông Lavrov cho rằng, các chính trị gia và dân chúng châu Âu ngày càng nhận thấy rõ việc thiếu các sự lựa chọn thay thế trong việc bình thường hóa các mối quan hệ tốt đẹp và hợp tác với Nga: “Chúng tôi nhận thấy rằng, nhận thức của châu Âu về việc thiếu các lựa chọn thay thế trong việc bình thường hóa quan hệ và khôi phục các hình thức hợp tác hiện có đang ngày càng tăng lên. Chúng tôi đã nhận được những tín hiệu này không chỉ từ các đại diện của công chúng, từ giới học giả hay doanh nhân mà còn từ nhiều chính trị gia”.
Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov. Ảnh: Sputnik. |
Ông Lavrov khẳng định Nga không tự cô lập mình và quan hệ với phương Tây sớm muộn cũng sẽ khôi phục lại như trước đây. Người đứng đầu ngành Ngoại giao Nga cũng nhấn mạnh sự gián đoạn của Hội đồng Nga-NATO và mối quan hệ bị đóng băng giữa Nga – EU, bao gồm cả lĩnh vực năng lượng, là một sai lầm và sẽ ngày càng đẩy châu Âu đến một viễn cảnh u ám.
Ông cho rằng, phương Tây đang muốn đẩy cho Nga hứng chịu trách nhiệm đối với sự thất bại của họ ở Ukraine; đồng thời phương Tây cũng đang sử dụng tiêu chuẩn kép trong việc đánh giá tình hình nhân đạo ở Syria và Yemen. Cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Syria thường xuyên được các chính khách phương Tây đề cập tới, trong khi tình hình nhân đạo tại Yemen lại bị bỏ qua.
Theo ông Lavrov, để có ngừng bắn kéo dài tại Aleppo cần giải quyết vấn đề chống khủng bố. Trước kia, Nga và Mỹ đã từng đạt thỏa thuận ngừng bắn 2-3 ngày, nhưng các nhóm khủng bố đã lợi dụng lệnh ngừng bắn này để bổ sung thêm 7.000 tay súng và một lượng lớn vũ khí.
Nga cho rằng, phe đối lập Syria cần cắt đứt quan hệ với các nhóm khủng bố, đảm bảo bắt đầu tiến trình đàm phán giữa tất cả các bên Syria dưới sự bảo trợ của Liên hợp quốc theo đúng nghị quyết của Hội đồng bảo an.
Ông bày tỏ quan ngại một số nhóm được Mỹ gọi là đối lập ôn hòa thường xuyên phối hợp hành động cùng các nhóm khủng bố. Về cuộc xung đột Ukraine, Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh cuộc xung đột này chỉ có thể được giải quyết bằng việc kiên định thực thi Thỏa thuận Minsk. Nga sẽ thực hiện các cam kết của mình và hối thúc 2 cộng hòa tự xưng Donesk và Lugansk có thái độ xây dựng. Ngoại trưởng Steinmeier cũng có cùng quan điểm này: “Thỏa thuận Minsk vẫn là trọng tâm tiến trình hòa bình Ukraine”.
Trong xã luận mang tựa đề “Cuộc chơi lớn của ông Putin: Chiến lược trên ba mặt trận” được đăng trên tờ La Stampa của Italia ngày 14-8, ông Maurizio Molinari, một nhà phân tích chính trị và cũng là Tổng biên tập của tờ báo, nhận định chính sách của Nga đối với Ukraine, hành động của Nga ở Syria và sự hòa giải với Thổ Nhĩ Kỳ đã thể hiện cam kết của Tổng thống Nga Vladimir Putin về việc thiết lập xung quanh Nga một trật tự quốc tế mới, làm suy giảm đáng kể ảnh hưởng của Mỹ.
Tác giả đánh giá: “Ở Ukraine, ông Putin muốn làm suy yếu uy tín của Washington với tư cách là người bảo lãnh cho Đông Âu. Tại Syria, ông thể hiện khả năng chiến đấu cao hơn cuộc chiến chống lực lượng thánh chiến so với liên quân của hơn 60 quốc gia do Tổng thống Mỹ Barack Obama dẫn đầu.Tại Thổ Nhĩ Kỳ, ông hướng tới mục tiêu gây chia rẽ quan hệ Ankara - NATO”.
Ông Molinari lưu ý đến những vấn đề phức tạp đối với phương Tây trong thời gian gần đây như những mâu thuẫn liên quan đến vấn đề di dân (khủng hoảng nhập cư) và chống chủ nghĩa khủng bố, suy yếu về kinh tế và chứng minh không đủ khả năng “thủ lĩnh” trong các phong trào phản đối, đặc biệt, cuộc trưng cầu ý dân về vấn đề nước Anh đi hay ở lại EU đã minh chứng điều này.
Theo Tổng biên tập tờ La Stampa, Nga đang tạo ra một hệ thống quan hệ đặc biệt với nhiều nước có mô hình chính trị khác với nền dân chủ phương Tây - từ Belarus đến Thổ Nhĩ Kỳ, từ Ai Cập đến Iran và các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ ở Trung Á. Đồng thời, Moskva đang sử dụng các công cụ khác nhau, bao gồm cả “đầu tư năng lượng, sự hiện diện quân sự, cũng như thể hiện tính hiệu quả trong sức mạnh “mềm” của Nga”.
Nga có bằng chứng xác thực Ukraine phá hoại Crimea Phát biểu sau cuộc hội đàm hôm 15-8 với người đồng cấp Đức đang ở thăm Nga, Ngoại trưởng Sergei Lavrov tuyên bố Nga có thể cung cấp cho phương Tây thêm bằng chứng về vụ việc mà Moskva cáo buộc là một âm mưu lâu nay của Cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine nhằm gây bất ổn Crimea. Ngoại trưởng Nga cũng cho rằng, vụ việc đã ảnh hưởng đến triển vọng khôi phục đàm phán về Ukraine theo cơ chế Normandy. Tuy nhiên, trong những phát ngôn mang tính chất hòa giải hơn, Ngoại trưởng Nga tuyên bố ông không cho rằng tất cả mọi người đều muốn cắt đứt quan hệ ngoại giao Nga-Ukraine. Về phần mình, Ngoại trưởng Đức lưu ý rằng tất cả các bên cần kiềm chế mọi hành động có nguy cơ làm leo thang tình hình vốn đã căng thẳng hiện nay. PV |