Mỹ và Iran sắp quay lại bàn đàm phán?

Thứ Tư, 28/08/2019, 08:05
Tổng thống Mỹ Donald Trump và người đồng cấp Iran Hassan Rouhani đã “úp mở để ngỏ” khả năng sẽ có cuộc gặp đối thoại song phương. Tuy nhiên, chưa rõ là cuộc gặp này khi nào sẽ xảy ra.

Tổng thống Hassan Rouhani ngày 27-8 khẳng định Iran luôn sẵn sàng đối thoại, nhưng trước hết Mỹ nên dỡ bỏ toàn bộ lệnh trừng phạt “bất hợp pháp, phi lý và không công bằng” đã áp đặt lên Tehran. 

Tổng thống Hassan Rouhani cũng tuyên bố Iran sẽ giảm những cam kết của mình theo thoả thuận hạt nhân ký năm 2015 với các cường quốc quốc tế, hay còn gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), nếu lợi ích của Tehran không được đảm bảo, nhấn mạnh rằng, ông sẵn sàng gặp bất cứ ai nếu điều đó đáp ứng các lợi ích quốc gia của Iran. 

Nhà lãnh đạo Iran khẳng định: “Iran chưa bao giờ muốn sở hữu vũ khí hạt nhân”. Những phát biểu trên được đưa ra chỉ một ngày sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẵn sàng gặp nhà lãnh đạo Iran Rouhani trong một “hoàn cảnh thích hợp” nhằm chấm dứt căng thẳng giữa hai nước liên quan đến thỏa thuận hạt nhân. 

Người đứng đầu Nhà Trắng cũng khẳng định rằng Iran và CHDCND Triều Tiên có những “"tiềm năng vô cùng lớn”, đồng thời bày tỏ rằng ông hy vọng có thể giúp họ đạt được những tiềm năng này nếu họ tiến tới một thỏa thuận với Washington. 

Tuy nhiên, ông Donald Trump đã loại trừ khả năng dỡ bỏ các lệnh trừng phạt chống Tehran. Mặc dù hai nhà lãnh đạo đã “úp mở để ngỏ” khả năng sẽ có cuộc gặp đối thoại song phương, song, trong quan hệ Mỹ - Iran, từ lời nói đến hành động không phải là điều dễ dàng và cả hai bên chưa hề đạt được bất cứ điểm chung nào trong các vấn đề cần tháo gỡ. 

Về phía Mỹ, ngay cả khi bày tỏ thiện chí đối thoại với Iran nhằm hạ nhiệt căng thẳng tình hình, Tổng thống Donald Trump vẫn thể hiện một thái độ “đòi hỏi” như thông lệ khi tuyên bố chỉ đối thoại “khi các điều kiện phù hợp và đúng đắn”. 

Trong khi đó, mặc dù ủng hộ các cuộc đàm phán, song Iran vẫn song song triển khai tàu khu trục tiên tiến nhất Sahand tới Vịnh Aden, một động thái có thể khiến một lần nữa thổi bùng lên những căng thẳng mới với Mỹ. Bên cạnh đó, Tehran cũng không ngừng chế tạo và phát triển những loại vũ khí chiến lược mới để đối phó với các mối đe dọa nhằm vào nước này, trong đó có thái độ thù địch của Washington.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã “úp mở để ngỏ” khả năng sẽ có cuộc gặp đối thoại song phương.

Vấn đề hạt nhân của Iran là một trong những chủ đề chính tại Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7) diễn ra từ ngày từ 24-26-8 tại Biarritz (Pháp). 

Cùng với Anh và Đức, nước chủ nhà Pháp tìm cách cứu vãn JCPOA sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này hồi năm ngoái. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cho biết các nhà lãnh đạo G7 đã đạt đồng thuận về một số vấn đề quốc tế, trong đó vấn đề hạt nhân Iran, theo đó các bên đã nhất trí về hai vấn đề quan trọng là đảm bảo Iran không sở hữu vũ khí hạt nhân và không để tình hình hiện nay đe dọa ổn định khu vực. 

Thủ tướng Anh Boris Johnson cho rằng, Iran có cơ hội để quay lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân và nối lại đối thoại về các hoạt động hạt nhân của nước này. 

“Chúng tôi đã thảo luận về vấn đề Iran và tất cả chúng tôi đều nhất trí rằng Iran sẽ không bao giờ được phép sử dụng vũ khí hạt nhân trong bất kỳ trường hợp nào. Rõ ràng bây giờ là thời điểm có cơ hội để Iran quay trở lại tuân thủ thỏa thuận hạt nhân, nối lại đối thoại, cũng như chấm dứt hành vi gây rối trong khu vực”, ông Boris Johnson khẳng định. 

Trong khi đó, Thủ tướng Đức Angela Merkel thì cho rằng, các bên nên nắm giữ bất cứ cơ hội nào để giảm căng thẳng với Iran: “Cuối cùng, câu hỏi đặt ra là: chúng ta có thể thành công trong việc tìm cách ngăn chặn sự leo thang thêm nữa không. Bởi vì nếu không có gì xảy ra,  chúng ta sẽ phải lo sợ rằng Iran sẽ tiếp tục từ bỏ hơn nữa các cam kết  trong thỏa thuận hạt nhân của mình vào tháng 9 tới. Hay chúng ta có thể hoàn toàn kiểm soát tình hình đi ngược với xu thế hiện nay, với việc Iran tuân thủ các điều khoản của Thỏa thuận hạt nhân và thúc đẩy các cuộc đàm phán”. 

Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là các thành viên của Liên minh châu Âu (EU) vẫn đang nỗ lực để cứu vãn JCPOA sau khi Mỹ rút khỏi. Việc đưa ra đề xuất cuộc gặp song phương Mỹ - Iran, Tổng thống Pháp muốn chứng tỏ EU sẵn sàng là cầu nối ngoại giao cho một cuộc gặp có thể coi là lịch sử tiếp theo trong quan hệ Mỹ - Iran thời gian tới đây.

Tuy nhiên, với sự chia rẽ hiện nay trong cách tiếp cận về Iran thì có lẽ điều đồng thuận duy nhất giữa các nước G7, đó là ngăn Iran sở hữu vũ khí hạt nhân và đảm bảo hòa bình, ổn định tại Trung Đông. Còn giải pháp cũng như cách tiếp cận thì Tổng thống Pháp và Mỹ đều phải thừa nhận, mỗi nước thành viên G7 sẽ hành động theo cách riêng của mình.

Khổng Hà
.
.
.