Mỹ sắp áp 25% thuế lên 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc?

Thứ Năm, 02/08/2018, 08:27
Chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump được cho là sắp công bố gói áp thuế lên đến 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, trong một động thái có thể khiến cuộc “chiến tranh thương mại” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới thêm căng thẳng.


Động thái mới của ông Trump

Rạng sáng 1-8, hãng tin chuyên về tài chính Bloomberg dẫn thông báo từ quan chức Chính phủ Mỹ cho biết, Tổng thống Donald Trump đã lên kế hoạch áp gói thuế đến 25% đối với 200 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc thay cho mức 10% mà Nhà Trắng loan báo cách đây vài tuần.

Reuters tiết lộ, công bố chính thức về gói thuế nêu trên khả năng cao sẽ được ông Trump đưa ra trong ngày 2-8 (theo giờ Việt Nam) cùng với việc tuyên bố chính thức áp gói thuế đợt hai lên 16 tỷ USD hàng hóa khác của Trung Quốc.

Căng thẳng thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc khiến hoạt động vận chuyển hàng hóa toàn cầu bị xáo trộn. Ảnh: EPA

Ông Trump lần đầu tiên đề cập đến ý định áp thuế 200 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vào ngày 19-6 với việc yêu cầu Văn phòng Đại diện thương mại Mỹ (USTR) xác định đích xác các loại hàng hóa nào sẽ nằm trong gói áp thuế khổng lồ.

Tới đầu tháng 7, Washington đã áp mức thuế 25% đối với 34 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm nhiều mặt hàng như máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao, đồng thời cho hay kế hoạch đánh thuế thứ hai lên 16 tỷ USD hàng hóa khác sẽ được công bố vào tháng 8. Trung Quốc khi đó đã lập tức đáp trả với mức thuế tương đương đánh vào hàng hóa Mỹ.

Tuy nhiên, động thái của Bắc Kinh thậm chí khiến ông Trump không ngần ngại đe dọa công bố thêm các lệnh áp thuế mới nhắm vào hàng hóa Trung Quốc đến khi nào Bắc Kinh chấp nhận đàm phán giảm thâm hụt thương mại cho Mỹ cũng như chịu thay đổi các chính sách vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và trợ giá hàng hóa công nghệ.

“Nếu Trung Quốc có hành động trả đũa, sẽ có thêm 400 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc bị đánh thuế”, ông Trump nói.

Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận chính thức nào liên quan đến thông tin trên. Tuy nhiên, Bắc Kinh trước đó nhiều lần nhấn mạnh nước này sẽ không khoan nhượng và đáp trả tương xứng mọi động thái cứng rắn từ phía Washington.

Giới quan sát cho rằng, do không thể theo kịp Mỹ trong việc áp đặt thuế suất đối với hàng hóa, bởi tổng kim ngạch hàng hóa mà Trung Quốc nhập khẩu từ Mỹ chưa tới 250 tỷ USD, nên Trung Quốc có khả năng sẽ áp đặt các biện pháp trả đũa hàng hóa Mỹ thông qua chính sách như chính sách về hải quan.

Cuộc tháo chạy của giới doanh nghiệp

Trong một dấu hiệu cho thấy thuế quan của Mỹ bắt đầu tác động xấu đến kinh tế Trung Quốc là việc nhiều công ty nước ngoài đã ngỏ ý rút khỏi quốc gia đông dân nhất thế giới để tránh tác động xấu từ các biện pháp mạnh mẽ của Washington.

Phát biểu trên Forbes ngày 30-7, ông Nathan Resnick, nhà điều hành công ty khởi nghiệp Sourcify cho biết, một số nhà sản xuất đặt cơ sở tại Trung Quốc đang dần tìm đường rời khỏi quốc gia Đông Á này vì họ cảm thấy bất lợi khi tiếp tục sản xuất tại Trung Quốc giữa lúc căng thẳng thương mại Trung - Mỹ leo thang.

“Trong bối cảnh cuộc chiến về thuế quan ngày càng gay gắt, các công ty không còn hứng thú để sản xuất tại Trung Quốc. Hiện tại, chúng tôi có các dây chuyền sản xuất ở Ấn Độ, Bangladesh, Philippines và Mexico. Giá nhân công ở những khu vực bên ngoài Trung Quốc thậm chí còn rẻ hơn”, ông Nathan Resnick nói.

Không chỉ các công ty nhỏ mà cả những tập đoàn lớn như Kerry Logistics Network cũng phải chuyển một phần dây chuyền sản xuất ra khỏi Trung Quốc để tránh thuế suất cao. Tờ SCMP dẫn lời ông William Ma Wing-kai, Tổng giám đốc điều hành tập đoàn chuyên vận chuyển hàng hóa toàn cầu này cho biết, nhiều khách hàng của họ đã chuyển một phần dây chuyền sản xuất từ Trung Quốc tới các quốc gia Châu Á khác nơi họ cũng có các nhà máy sản xuất.

“Đây là một sự tái phân bổ cơ sở sản xuất trên toàn cầu”, ông William Ma Wing-kai nói thêm về tác động của “cuộc chiến thương mại” giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới.

Bloomberg cho biết, kế hoạch đánh thuế nhằm vào 200 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc sau khi được công bố sẽ chưa có hiệu lực ngay lập tức mà cần phải chờ vài tuần để tham khảo ý kiến từ công chúng.

Tờ này dẫn nguồn tin từ USTR nói rằng hạn chót cho việc này là ngày 30-8, sau các buổi tập hợp ý kiến dự kiến diễn ra từ ngày 20 đến 23-8. Bloomberg nhận định đây là các tín hiệu cho thấy Washington đang gia tăng sức ép buộc Trung Quốc ngồi vào bàn đàm phán với những nhượng bộ đáng kể.

Trong mấy tuần gần đây, giới chức Mỹ và Trung Quốc đã để ngỏ khả năng nối lại đàm phán thương mại, sau khi cuộc đàm phán giữa hai bên rơi vào tình trạng gián đoạn hơn 2 tháng. Một nguồn tin khác xác nhận các đại điện của Bộ trưởng Tài chính Mỹ Steven Mnuchin và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc đang có những cuộc thảo luận kín nhằm nối lại đàm phán song phương.

Trong khi đó, tờ Guardian dẫn nguồn tin riêng từ giới chức Mỹ nhận định kế hoạch tăng thuế áp lên hàng hóa Trung Quốc là động thái buộc Bắc Kinh phải nhượng bộ, và trong trường hợp nước này chấp nhận các yêu cầu của Mỹ, Washington sẽ dừng ý định tăng thuế.

Tuần trước, Mỹ từng dừng kế hoạch đánh thuế vào mặt hàng ô tô nhập khẩu từ châu Âu sau khi Liên minh châu Âu (EU) chấp nhận mua đậu tương và khí đốt hóa lỏng từ Mỹ, đồng thời cam kết hợp tác thương mại với Washington trong các lĩnh vực dịch vụ, hóa chất, dược phẩm và sản phẩm y tế.

Thiện Minh
.
.
.