Mỹ kêu gọi sử dụng biện pháp ngoại giao trong vấn đề Biển Đông

Thứ Hai, 06/02/2017, 08:00
Chuyến công du nước ngoài đầu tiên của tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis tại Hàn Quốc và Nhật Bản trong những ngày đầu của tháng 2 cùng với tuyên bố mới về vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông đã thực sự tạo nên “những con sóng lớn” trong quan hệ Mỹ-Trung Quốc.

Có thể khẳng định ngay rằng, chuyến thăm này của ông James Mattis mang thông điệp khẳng định về vai trò quan trọng của liên minh quân sự Mỹ-Nhật-Hàn trong chính sách ngoại giao – an ninh của chính quyền mới tại Washington. Điều này được thể hiện rõ trong việc các bên đạt đồng thuận cao về vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

Riêng ở Hàn Quốc, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ một lần nữa đã tái khẳng định về kế hoạch triển khai Hệ thống tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) và kèm theo đó là đề xuất duy trì liên lạc 24/24h với Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Han Min-koo trong nỗ lực nhằm thắt chặt mối quan hệ liên minh Hàn Quốc-Mỹ nhằm đối phó với CHDCND Triều Tiên.

Với Nhật Bản, cuộc gặp kéo dài gần một tiếng giữa ông James Mattis và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã nhấn mạnh cam kết của Mỹ tiếp tục thực hiện Điều 5 trong Hiệp ước an ninh Mỹ-Nhật về việc bảo vệ các khu vực thuộc quyền kiểm soát của Nhật Bản, trong đó bao gồm quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ thực thi luật pháp quốc tế trên biển Đông.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis được người đồng cấp Nhật Bản Tomomi Inada đón tại thủ đô Tokyo hôm 4-2 trong chuyến công du 2 ngày tại Nhật Bản. Ảnh: Xinhua

Hãng Reuters cho biết, tại cuộc họp báo ở thủ đô Tokyo hôm 4-2, tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ cũng nói rằng, nước này hiện chưa cần thiết phải có bất cứ động thái quân sự đáng chú ý nào trên biển Đông để đối chọi với cách hành xử của Trung Quốc. Ông James Mattis cho rằng, cần phải tập trung vào các cuộc đàm phán ngoại giao để giải quyết vấn đề này.

Tân Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ khẳng định “tự do hàng hải là tuyệt đối”. Cùng với thông tin này, hãng Reuters cũng bình luận rằng, sự đồng thuận này dường như chứng tỏ Washington không bỏ rơi hai đồng minh chủ chốt ở Đông Bắc Á và rằng chính quyền mới của Mỹ sẽ tiếp tục can dự tích cực trong vấn đề an ninh của khu vực Châu Á-Thái Bình Dương.

Trước đó, khi điều trần tại Quốc hội về vấn đề biển Đông và biển Hoa Đông, ông James Mattis từng nói: “Hành vi của Trung Quốc đã khiến các nước trong khu vực mong muốn có sự can thiệp mạnh hơn từ Mỹ. Nếu được xác nhận, tôi sẽ tìm cách để gia tăng tình hữu nghị với các đối tác và đồng minh của chúng ta, đồng thời sẽ đưa ra những bước đi thận trọng về sức mạnh quân sự của chúng ta trong khu vực. Chúng ta phải tiếp tục bảo vệ lợi ích của mình gồm bảo vệ tự do hàng hải và hàng không”.

Bắc Kinh cũng đã ra tín hiệu mạnh đối với chính quyền mới ở Washington bằng tuyên bố rằng sẽ “bảo vệ chủ quyền và lợi ích” tại biển Đông.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng hôm 3-2 khi trả lời phỏng vấn báo chí còn lớn tiếng chỉ trích bình luận của ông Steve Bannon, cố vấn thân cận của Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng sẽ xảy ra chiến tranh giữa Mỹ và Trung Quốc tại Biển Đông trong 5-10 năm tới. Một số tờ báo nhận định, phát ngôn của ông Lục Khảng cho thấy, Bắc Kinh đã sẵn sàng cho một “cuộc chiến” với Mỹ trên biển Đông trong thời gian tới…

Theo quan điểm của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana, một “cuộc chiến” như vậy khó có thể xảy ra. Song việc Trung Quốc đơn phương cải tạo các bãi đá ngầm, không công nhận phán quyết của tòa án trọng tài biển, làm thay đổi hiện trạng biển Đông thì cần được lên án và ngăn chặn ngay lập tức.

Phan Hiển
.
.
.