Mỹ chần chừ tái gia nhập JCPOA

Thứ Bảy, 30/01/2021, 09:45
Hôm 27/1 (giờ địa phương), chính quyền của tân Tổng thống Mỹ Joe Biden khẳng định thiện chí quay trở lại tham gia thỏa thuận hạt nhân Iran ký năm 2015, có tên gọi chính thức là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA). Tuy nhiên, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh, Washington sẽ chỉ quay lại thỏa thuận này một khi Tehran khôi phục các cam kết.

Trong ngày đầu tiên trên cương vị Ngoại trưởng chính thức, ông Antony Blinken tái khẳng định quan điểm Mỹ sẵn sàng trở lại JCPOA, nhưng không chấp nhận sức ép của Tehran về buộc Washington phải hành động trước. "Tổng thống Joe Biden đã nói rất rõ rằng, nếu Iran trở lại và tuân thủ triệt để nghĩa vụ có trong JCPOA, Mỹ sẽ làm điều tương tự", ông nói.

Ngoại trưởng Mỹ cũng nhìn nhận, để hoàn tất mong đợi của Tổng thống Joe Biden về tái gia nhập JCPOA là cả một "chặng đường dài" và hai bên hiện chưa ở điểm có thể ráp nối được. Iran đã từ bỏ cam kết ở nhiều lĩnh vực và vì thế sẽ cần thời gian để Tehran quyết định quay trở lại, cũng là để Mỹ đánh giá xem hành xử của Iran đã đáp ứng được yêu cầu mà Washington đặt ra hay chưa.

Bên trong cơ sở hạt nhân Fordow của Iran tại thành phố Qom.

Về phía Iran, quan chức ngoại giao hàng đầu của nước này tại Mỹ cảnh báo, chính quyền Tổng thống Joe Biden "phải hành động nhanh chóng" để trở lại thỏa thuận hạt nhân ký năm 2015, bởi "cánh cửa đang dần khép lại" đối với Washington khi hạn chót mà Tehran đặt ra để Mỹ dỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế đang tới gần.

Trong bài trả lời phỏng vấn độc quyền được tờ USA Today (Nước Mỹ ngày nay) đăng hôm 28/1, Đại sứ Iran tại Liên hợp quốc (LHQ) Majid Takht-Ravanchi khẳng định: "Chúng tôi đã nhiều lần nói rằng, nếu Mỹ quyết định trở lại các cam kết quốc tế và dỡ bỏ các lệnh trừng phạt phi pháp chống Iran, chúng tôi sẽ lại tuân thủ đầy đủ mọi điều khoản có trong JCPOA - một việc làm mang lại lợi ích cho tất cả các bên". Iran muốn Mỹ tái gia nhập tất cả điều khoản mà Washington đã từ bỏ dưới thời ông Donald Trump.

Trong trao đổi, ông Majid Takht-Ravanchi cũng đề cập đến khó khăn hai bên gặp phải trong khôi phục ngoại giao hạt nhân, khi bên nào cũng muốn đối phương phải hành động, xuống thang trước. "Bên cần phải thay đổi tiến trình là Mỹ, chứ không phải Iran", Đại sứ Iran tại LHQ bình luận và cho biết Tehran không thể chấp nhận "đàm phán lại thỏa thuận hạt nhân".

Hồi tuần trước, giới chức ngoại giao Iran đã tiếp xúc với một số thành viên trong chính quyền Tổng thống Joe Biden nhằm khởi động lại các cuộc đàm phán liên quan đến chương trình hạt nhân của Tehran, đề cập 7 điều kiện cần thiết để hai bên có thể tái khởi động đối thoại. Hoạt động ráp nối này đã được thực hiện trước thời điểm ông Joe Biden lên nhậm chức Tổng thống và được thực hiện theo kênh phi chính thức.

Đại sứ Majid Takht Rawanji đã được triệu hồi về nước để thảo luận về khả năng mở các cuộc tiếp xúc với chính quyền mới ở Mỹ. Ông trở lại New York sau đó với bản danh sách gồm 7 điều kiện Tehran đặt ra trước Washington về tái đàm phán về thỏa thuận hạt nhân Iran. Điều kiện đầu tiên liên quan đến dỡ cấm vận. Iran không chấp nhận dỡ cấm vận một phần, bởi Tehran cho rằng JCPOA là một thỏa thuận không thể phân tách. Iran vì thế sẽ đòi hỏi Mỹ thực thi toàn bộ các khía cạnh liên quan đến JCPOA, trong đó có điều khoản dỡ bỏ mọi lệnh trừng phạt.

Trước đó, Quốc hội Iran đưa ra thời hạn cuối cùng để Mỹ dỡ bỏ cấm vận là ngày 21/2/2021, coi đây là một phần trong việc khôi phục lại JCPOA - tên gọi chính thức của thỏa thuận hạt nhân mà chính quyền ông Donald Trump từ bỏ hồi năm 2018. Nếu Mỹ không đáp ứng yêu cầu này, Tehran sẽ ngừng hoạt động giám sát tại một số cơ sở hạt nhân ở Iran đối với các thanh sát viên LHQ, một điều khoản then chốt trong JCPOA. Một khi Washington không có hành động xuống thang nào trước hạn chót, Tehran có thể đẩy nhanh các bước đi tiến đến việc làm giàu urani sát 90%, ngưỡng cần thiết để chế tạo vụ khí hạt nhân. Để đáp trả việc Mỹ từ bỏ JCPOA, Tehran đang thực hiện làm giàu urani 20%, một động thái vi phạm thỏa thuận.

Kế đến là cơ chế giải quyết bất đồng. Mọi xung đột về JCPOA sẽ phải được thảo luận trong một khung chính thức của ủy ban đàm phán. Một trong những điểm bất đồng có thể sẽ được Iran nêu ra là đòi bồi thường tổn thất tài chính nước này phải gánh chịu từ hành động từ bỏ JCPOA của chính quyền cựu Tổng thống Donald Trump, nhất là hệ quả của đòn cấm vận tài chính.

Ở điều khoản thứ 3, Iran sẽ không chấp nhận ràng buộc giữa thỏa thuận hạt nhân với các vấn đề khác, nhất là chương trình tên lửa cũng như các kết nối, can dự của Tehran ở khu vực Trung Đông. Iran cũng sẽ không chấp nhận bất kỳ sự tham gia của một thành viên mới nào, nhất là các nước trong khối A-rập vùng Vịnh, vào thỏa thuận mới. Tehran yêu cầu bảo lưu cơ chế đàm phán giữa Iran với 5 nước Thường trực Hội đồng Bảo an LHQ (Mỹ, Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga) và Đức (gọi tắt là Nhóm P5+1).

Nếu nảy sinh vấn đề liên quan đến các nước trong khu vực sẽ phải tiến hành tiếp xúc riêng rẽ và không nằm trong gói đàm phán hạt nhân - đó là đòi hỏi thứ 5. Không đàm phán về chương trình tên lửa, nhưng Iran sẽ để ngỏ đối thoại về kiểm soát vũ trang khu vực dưới sự giám sát của LHQ. Ở điểm thứ 6 này, Iran đặc biệt quan ngại về tên lửa và vũ khí hạt nhân của Israel. Cuối cùng, Iran không chấp nhận giải pháp hai nhà nước đối với Israel và người Palestines. Thay vào đó, Tehran ủng hộ một cuộc trưng cầu dân ý do Liên hợp quốc tiến hành đối với người Palestines và người Do Thái về vấn đề "đất đai".

Thông tin về "đề nghị 7 điểm" trên xuất hiện tại thời điểm chính quyền Tổng thống Joe Biden được cho là có ý định quay trở lại JCPOA, đã mở các cuộc đàm phán với Tehran thông qua kênh phi chính thức và thông báo cho Israel về tiến trình tiếp xúc này.

Theo giới quan sát, sự chần chừ của Mỹ là có thể hiểu được. Nếu trở lại JCPO mà không có được bất kỳ nhượng bộ nào từ Iran, ông Joe Biden sẽ đối mặt với tổn thất chính trị. Tại Quốc hội, phe Cộng hòa cùng với một số nghị sĩ Dân chủ gây sức ép, buộc tân Tổng thống Mỹ theo đuổi phần lớn chiến dịch "gây sức ép tối đa" mà ông Donald Trump phát động chống Iran. Số này cho rằng, ông Biden nên sử dụng lợi thế có được từ đòn trừng phạt của chính quyền tiền nhiệm để tạo ưu thế, ép Iran ngừng hành vi gây bất ổn, nhất là chương trình tên lửa đạn đạo và hoạt động hỗ trợ các lực lượng ủy nhiệm.

"Tôi sợ rằng trở lại JCPOA mà không có những biện pháp vững chắc để xử lý hành vi nguy hiểm, gây bất ổn khác của Iran là không đủ", Thượng nghị sĩ Dân chủ Bob Menendez, người chuẩn bị lên làm Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Thượng viện, bày tỏ quan điểm trước ông Blinken trong phiên điều trần hôm 19/1. Trong bối cảnh đó, việc Iran đặt ra hạn chót ngày 21/2 chẳng khác gì hành động "tung trái bom hẹn giờ", ông Ali Vaez, chuyên gia về Iran tại Nhóm Khủng hoảng (Crisis Group), một tổ chức phi đảng phái chuyên về ngăn chặn xung đột, bình luận.

Theo ông, nếu không có tiến triển từ nay đến thời điểm đó, rất có thể phía trước sẽ là một bước "leo thang hạt nhân nguy hiểm" giữa Washington và Tehran. Điểm tích cực nằm ở chỗ, cả hai đều có quyết tâm chính trị, muốn làm sống lại JCPOA, ông Ali Vaez nói. Xuống thang tiệm tiến sẽ là giải pháp phù hợp.

Ông Joe Biden có thể ra sắc lệnh phủ nhận quyết định rút khỏi thỏa thuận của người tiền nhiệm, còn giới lãnh đạo Iran cũng ban hành một nghị quyết tương tự, tuyên bố ý định quay trở lại tuân thủ cam kết. Từ đây, hai nước có thể tạo dựng một lộ trình đề cập những bước đi mang tính điều phối và đồng thời, nhằm khôi phục toàn diện JCPOA.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.