Mỹ bắt đầu cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ

Thứ Ba, 06/11/2018, 08:08
Hôm nay, ngày 6-11, các cử tri trên toàn nước Mỹ bắt đầu bước vào cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ để bầu lại toàn bộ 435 ghế tại Hạ viện, 35/100 ghế tại Thượng viện, 36 Thống đốc bang cùng khoảng 6.000 ghế (tương đương gần 82% tổng số ghế) trong các cơ quan lập pháp cấp bang trên toàn nước Mỹ.


Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ của Quốc hội này được đánh giá là sự kiện có ý nghĩa quan trọng đối với mọi người dân nước Mỹ vì nó sẽ có tác động lớn đối với các chính sách đối nội cũng như đối ngoại trong thời gian tới.

Bên tám lạng, người nửa cân

Đánh giá về cuộc bầu cử này, Tiến sỹ Meena Bose, Trưởng khoa Chính sách công và dịch vụ công tại Trường Chính phủ, chính sách công và quan hệ quốc tế Peter S. Kalikow, thuộc Đại học Hofstra, New York, nhận định khả năng đảng Cộng hòa và Dân chủ chia nhau kiểm soát một viện Quốc hội là rất cao. Tiến sĩ Bose dự báo, đảng Dân chủ có thể giành quyền kiểm soát Hạ viện gồm 435 ghế, trong khi đảng Cộng hòa bảo toàn lực lượng tại Thượng viện 100 ghế.

Theo bà, đảng Dân chủ vẫn đang đẩy mạnh các nỗ lực vận động tranh cử. Trong khi đó, đối thủ Cộng hòa không có nhiều ứng viên sáng giá đủ sức cạnh tranh ở Hạ viện, đặc biệt khi phải bảo vệ khá nhiều ghế ở Hạ viện, nhất là ở những bang mà bà Hillary Clinton từng giành phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016.

Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ được coi là “kỳ thi giữa kỳ” của Tổng thống Donald Trump.

Hồi cuối tuần qua, trang FiveThirtyEight.com, chuyên đưa ra dự báo chính trị, cho hay cơ hội chiến thắng của đảng Dân chủ tại Hạ viện là 85%, song đảng này sẽ không thể vượt qua đảng Cộng hòa tại Thượng viện khi cơ hội kiểm soát chỉ dừng ở mức 15%. Còn theo dự báo của trang 538.com, ưu thế trong cuộc đua vào Thượng viện tại các bang Florida, North Dakota và Texas đang tạm nghiêng về các nghị sĩ Cộng hòa.

Trong khi đó, tại Nevada và Arizona, các ứng cử viên Dân chủ có phần “lấn át” hơn. Giới phân tích chính trị cho rằng các bang gồm Arizona, Florida, Indiana, Missouri, Montana, Nevada, New Jersey, North Dakota, Tennessee, Texas và West Virginia sẽ quyết định quyền kiểm soát Thượng viện thuộc về đảng Dân chủ hay đảng Cộng hòa. 

Đề cập tới những vấn đề nóng nổi lên trong hai tuần qua trong đời sống của nước Mỹ như các vụ gửi bưu kiện chứa chất nổ tới văn phòng các chính khách Dân chủ, vụ xả súng nhằm vào người Do Thái ở Pittsburgh, làn sóng người di cư từ Trung Mỹ đổ về biên giới Mexico để tìm đường tới Mỹ cùng các biện pháp trấn áp mạnh của chính quyền Tổng thống Donald Trump, Tiến sỹ Bose nhận định đây là những vấn đề thách thức đối với chính quyền hiện nay ngay trước thềm bầu cử và gây xáo trộn chính trường nước Mỹ khiến cử tri lo lắng về vấn đề an ninh cũng như chính trị…

Tuy nhiên, theo bà, những vụ việc này không mang lại thêm lợi thế cho đảng Cộng hoà hay Dân chủ. Cử tri sẽ lựa chọn những ứng cử viên có thể tạo ra sự thay đổi. Tiến sỹ Bose cũng lưu ý rằng, lịch sử bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ tại Mỹ thường cho thấy đảng của tổng thống đương nhiệm sẽ mất ghế về tay đảng đối thủ.

Nếu lịch sử này lặp lại, với kịch bản đảng Dân chủ kiểm soát Hạ viện và đảng Cộng hòa kiểm soát Thượng viện với tỷ lệ sít sao, chính quyền của Tổng thống Donald Trump sẽ gặp nhiều khó khăn trong điều hành đất nước. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp ngoại lệ.

Hiện, đảng Cộng hòa đang chiếm đa số tại Quốc hội Mỹ, kiểm soát 236/435 ghế tại Hạ viện và chiếm 51/100 ghế tại Thượng viện. Trong kỳ bầu cử này, đảng Dân chủ cần giành được 23 ghế để đạt tới con số 218 ghế nhằm giữ thế áp đảo tại Hạ viện.

Tuy nhiên, đảng này ít có cơ hội giành lại quyền kiểm soát Thượng viện hơn. 10 ghế do đảng Dân chủ kiểm soát tại Thượng viện được bầu lại lần này đều ở những bang Tổng thống Donald Trump giành chiến thắng trong cuộc bầu cử năm 2016.

Và sự ảnh hưởng tới bức tranh chính trị toàn cầu

Hiện cả đồng minh và đối thủ của Mỹ đều dành sự quan tâm vào kết quả của cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này vì nó sẽ phần nào phác họa bức tranh 2 năm cuối nhiệm kỳ của Tổng thống Donald Trump cũng như liệu ông có ở lại Nhà Trắng thêm 4 năm nữa hay không (nhiệm kỳ 2).

Để từ đó, họ đưa ra quyết định về hướng đi đối với các vấn đề gây tranh cãi như căng thẳng Mỹ-Iran, đàm phán với CHDCND Triều Tiên, lệnh trừng phạt Nga, thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc, châu Âu. Điều thứ hai được quan tâm về cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ này là nền dân chủ Mỹ. Các đồng minh lo ngại rằng, hình mẫu nền dân chủ Mỹ đang mất đi sức hút.

Chính cựu cố vấn an ninh quốc gia cho Tổng thống George W. Bush, ông Stephen Hadley mới đây nhận định rằng, “thương hiệu Mỹ” đang dao động trên trường quốc tế. Cuối cùng, cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ Mỹ tác động tới chính trị toàn cầu. Chủ trương “Nước Mỹ trên hết” của Tổng thống Donald Trump cũng tạo cảm hứng cho lãnh đạo nhiều quốc gia khác có chung quan điểm.

Không chỉ bản thân Tổng thống Donald Trump mà môi trường xã hội và chính trị Mỹ đã gây ảnh hưởng tới toàn thế giới. Ví dụ như phong trào “Me too” khi nữ giới lên tiếng tố cáo nạn tấn công tình dục đã lan ra khắp nơi trên thế giới.

Bên cạnh kết quả của cuộc bầu cử này, 3 vấn đề an ninh mạng bao gồm an ninh bầu cử, mối đe dọa chuỗi cung ứng và mã hóa cũng sẽ thu hút sự chú ý của dư luận. Nếu đảng Dân chủ giành lại quyền kiểm soát Hạ viện, vấn đề an ninh bầu cử có khả năng trở thành một trong những vấn đề trọng tâm trong chương trình nghị sự.

Khi đó, đảng Dân chủ sẽ thúc đẩy một loạt ưu tiên, trong đó có việc loại bỏ mối đe dọa cho chuỗi cung ứng và giải quyết những tranh cãi hiện nay về mã hóa các thiết bị. Tuy nhiên, bất kỳ dự luật nào mà đảng Dân chủ đưa ra sẽ phải được Thượng viện thông qua. Trong trường hợp đó, nếu đảng Cộng hòa vẫn duy trì thế đa số tại Thượng viện, các dự luật của đảng Dân chủ khó có thể được thông qua.

Liên quan đến mối đe dọa về chuỗi cung ứng, việc chính quyền Tổng thống Donald Trump đưa ra các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Trung Quốc cho thấy sự ngờ vực ngày càng tăng của Mỹ đối với các công ty của Trung Quốc rằng các thiết bị sản xuất ở Trung Quốc có thể đem lại những rủi ro về an ninh của Mỹ.

Vấn đề cuối cùng là mã hóa. Dự kiến, các cuộc tranh luận về mã hóa sẽ được đưa ra ngay sau cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ. Cuộc chiến mã hóa bắt đầu trở thành tâm điểm của dư luận Mỹ khi Apple từ chối giúp Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) mở khóa chiếc điện thoại iPhone đã bị mã hóa thu được từ một trong những kẻ khủng bố trong vụ tấn công khủng bố ở San Bernardino vào năm 2016.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.