Mỹ - Trung sẽ tìm được "điểm chung" trong hợp tác ứng phó biến đổi khí hậu?

Thứ Sáu, 02/04/2021, 08:27
Trong bối cảnh Mỹ đang chờ đợi việc Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình xác nhận sẽ tham dự hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu tại Nhà Trắng vào cuối tháng này, các nhà phân tích cảnh báo hai bên vẫn còn đang thiếu sự tin tưởng lẫn nhau về cam kết đối phó với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu.

Vào tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden thông báo tổ chức một hội nghị thượng đỉnh về biến đổi khí hậu diễn ra trong các ngày 22 và 23/4. Hội nghị được cho là đánh dấu sự trở lại của Mỹ ở tuyến đầu chống biến đổi khí hậu sau khi Tổng thống Donald Trump trước đó đã rút nước Mỹ ra khỏi mọi thỏa thuận, cam kết chung của thế giới về biến đổi khí hậu. Nhà Trắng cho biết, vào thời điểm diễn ra hội nghị thượng đỉnh sắp tới, Mỹ sẽ công bố "mục tiêu phát thải đầy tham vọng vào năm 2030", và sẽ khuyến khích các nước khác thúc đẩy các mục tiêu của riêng họ theo Hiệp định Paris.

"Trong lời mời của mình, Tổng thống Biden kêu gọi các nhà lãnh đạo sử dụng hội nghị thượng đỉnh như một cơ hội để đề ra cách thức mà các quốc gia của họ sẽ đóng góp vào tham vọng khí hậu mạnh mẽ hơn", thông cáo của Nhà Trắng nêu rõ.

Mỹ và Trung Quốc là hai quốc gia phát thải khí nhà kính lớn nhất thế giới. Ảnh: Getty

Lời mời tham dự hội nghị được ông Biden gửi tới hơn 40 nhà lãnh đạo thế giới, trong đó có Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Nhà Trắng hiện chưa đưa ra câu trả lời về việc liệu ông Tập có đồng ý tham dự hay không, trong khi đại sứ quán Trung Quốc tại Washington cho biết chương trình nghị sự đối ngoại của ông Tập sẽ do Bắc Kinh công bố. Nếu ông Tập tham dự, đây sẽ là lần đầu tiên hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gặp nhau sau khi ông Biden nhậm chức.

Mặc dù quan hệ Mỹ - Trung đang ngày càng xấu đi, Washington và Bắc Kinh dường như vẫn chưa từ bỏ khả năng hợp tác về vấn đề khí hậu, ngay cả trong bối cảnh hai bên vẫn đang tồn tại nhiều bất đồng trên nhiều lĩnh vực, từ đại dịch COVID-19, chiến tranh thương mại, công nghệ…

Tuy vậy, tờ SCMP nhận định hai bên vẫn còn đang thiếu sự tin tưởng lẫn nhau về cam kết đối phó với cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu. Đứng trên vị trí của Mỹ, các nhà phân tích cho rằng sự ngờ vực một phần đến từ việc Trung Quốc, quốc gia đang là nước có lượng phát thải khí CO2 lớn nhất thế giới nhưng vẫn tiếp tục cho xây dựng các nhà máy nhiệt điện than mới, dù trước đó đã đặt mục tiêu đưa lượng khí thải về 0 trước năm 2060.

Chính quyền Tổng thống Joe Biden hiện đang nỗ lực thực hiện cam kết thúc đẩy chấm dứt chương trình cấp vốn của Mỹ cho các dự án nhiên liệu hóa thạch quốc tế. Cecilia Han Springer, nhà nghiên cứu cấp cao tại Đại học Boston, cho biết điều này đang gây sức ép lên một số quốc gia khác. "Một cam kết tương tự như vậy từ phía Trung Quốc sẽ khiến tôi rất ngạc nhiên, nhưng tôi cũng sẽ rất hoan nghênh điều đó", chuyên gia Springer cho hay.

Trước đó, ông Biden đã tái gia nhập thỏa thuận khí hậu Paris ngay ngày đầu tiên nhậm chức Tổng thống Mỹ, đảo ngược quyết định rời bỏ thỏa thuận này của người tiền nhiệm Donald Trump. Đây là quyết định nhằm hiện thực hoá những ưu tiên về xử lí cuộc khủng hoảng biến đổi khí hậu mà ông Biden đã đặt ra trong nhiệm kỳ Tổng thống mới.

Theo động thái mới nhất, Tổng thống Biden hôm 1/4 đã đề xuất một gói đầu tư trị giá hơn 2.200 tỷ USD vào hạ tầng nhằm định hình lại kinh tế Mỹ, trong đó sẽ bao gồm hàng tỷ USD để giảm lượng khí thải ở Mỹ. "Gói đầu tư này thật sự mang ý nghĩa rất lớn. Tôi mong rằng Trung Quốc sẽ muốn nhìn thấy sự thay đổi tích cực trong thời gian tới", Deborah Seligsohn, Phó Giáo sư về khoa học chính trị, Đại học Villanova, Mỹ nhận định. Trong một diễn biến liên quan, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi cho biết các nghị sĩ Dân chủ ở Hạ viện có thể thông qua đề xuất vào ngày 4/7 tới.

Trong lần gặp đầu tiên của quan chức ngoại giao hàng đầu của hai nước dưới thời chính quyền Biden giữa tháng 3 vừa qua tại Alaska, Mỹ và Trung Quốc đã thống nhất thành lập nhóm làm việc chung, tăng cường liên lạc và hợp tác về biến đổi khí hậu.

Kelly Sims Gallagher, hiệu trưởng kiêm giám đốc bộ phận chính sách khí hậu tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher, Đại học Tufts cho biết hai nước cần duy trì những cuộc đối thoại cởi mở. "Họ cần có sự hiểu biết rõ ràng và đầy đủ về nhau để hoá giải những hoài nghi. Tôi không nghĩ rằng hợp tác, mà phối hợp và đối thoại mới là điều cần thiết vào thời điểm này", bà Gallagher nhận định.

Theo David Waskow, Giám đốc Sáng kiến Khí hậu Quốc tế thuộc Viện Tài nguyên Thế giới, mối quan hệ Mỹ - Trung, ít nhất là về các khía cạnh của vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu sẽ cần thời gian để tái thiết. "Mọi thứ sẽ không thể tự động tái thiết, có thể mất thời gian để quay lại mối quan hệ hợp tác như trước. Tuy nhiên, tôi nhấn mạnh rằng, từ góc nhìn toàn cầu, chúng ta cần Mỹ và Trung Quốc - hai quốc gia phát thải lớn nhất - tìm ra con đường chung cũng như điều chỉnh hành động của họ trong thời gian tới".

Cao Trung
.
.
.