Mỹ-Trung cố thu hẹp bất đồng để ký thỏa thuận thương mại
Cụ thể, hôm 15-11 (giờ địa phương), ông Larry Kudlow nêu rõ, thỏa thuận thương mại một phần giữa Washington và Bắc Kinh có thể được ký kết ở cấp bộ trưởng, không phải giữa hai nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, ông cho biết hiện thời điểm chính xác cho việc ký kết thỏa thuận vẫn chưa được quyết định.
Các nhà đàm phán hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đang tìm cách thu hẹp bất đồng để có thể tiến tới ký kết thỏa thuận trên trong cuộc điện đàm vào tối 15-11 (giờ địa phương) nhưng vẫn còn chia rẽ trong nhiều vấn đề then chốt.
Các nỗ lực hoàn tất “Giai đoạn 1” của thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc đang đạt tiến bộ. |
Tham gia cuộc điện đàm về phía Mỹ gồm Bộ trưởng Thương Mại Wilbur Ross, Đại diện Thương mại Robert Lighthizer và Bộ trưởng Tài chính Steven Mnuchin. Còn về phía Trung Quốc là Phó Thủ tướng Lưu Hạc. Phát biểu tại cuộc họp báo sau điện đàm, Bộ trưởng Wilbur Ross cho biết, Tổng thống Donald Trump chưa nhất trí dỡ bỏ bất kỳ loại thuế nào trong thỏa thuận, và quy mô cam kết của Trung Quốc mua nông sản Mỹ chưa rõ ràng.
Việc Trung Quốc lưỡng lự cam kết về khối lượng nông sản cụ thể mua của Mỹ là điểm gây bế tắc chính trong đàm phán, trong khi Mỹ do dự bãi bỏ các mức thuế. Hồi tháng 10, Tổng thống Mỹ cho biết Phó Thủ tướng Lưu Hạc đã nhất trí tăng hơn gấp đôi lượng nông sản mua của Mỹ lên 40 đến 50 tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên Trung Quốc tuyên bố muốn mua nông sản dựa theo nhu cầu của thị trường. Trung Quốc nhất quyết yêu cầu bãi bỏ thuế trong “Giai đoạn 1” của thỏa thuận, nhưng Tổng thống Donald Trump không đồng ý.
Ông Wilbur Ross tuyên bố điều quan trọng là Trung Quốc phải đưa ra cam kết cụ thể về việc mua 40 đến 50 tỷ USD hàng nông sản Mỹ. Ông cho biết 2 bên còn nhiều thời gian để tiếp tục đàm phán trước khi hạn chót 15-12 Mỹ sẽ áp đợt thuế mới. Bình luận tích cực của ông Wilbur Ross cũng trùng hợp với tuyên bố của ông Larry Kudlow, cho rằng, 2 bên đang tiến gần tới 1 thỏa thuận.
Về phía Trung Quốc, ngay trước thềm cuộc điện đàm, Bộ Thương mại tuyên bố việc Mỹ bãi bỏ thuế quan đối với hàng hóa nhập khẩu của Trung Quốc là một điều kiện quan trọng để hai bên đạt được thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”.
Người phát ngôn Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong cho biết Trung Quốc và Mỹ đang tiến hành các cuộc thảo luận chuyên sâu về “Giai đoạn 1” của thỏa thuận thương mại, đồng thời nhấn mạnh rằng mức độ bãi bỏ thuế quan sẽ “phản ánh đầy đủ” tầm quan trọng của một thỏa thuận thương mại “Giai đoạn 1”.
Trong khi đó, kết quả cuộc thăm dò mới đây do hãng tin Reuters thực hiện với hơn 100 nhà kinh tế cho thấy, đa số chuyên gia nhận định cuộc thương chiến Mỹ-Trung khó có thể “hạ màn” trong năm 2020. Mặc dù những lo ngại về nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ đã giảm bớt phần nào, các chuyên gia cho rằng sự phục hồi của nền kinh tế lớn nhất thế giới cũng ít khả năng sớm xảy ra và khiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải vào cuộc.
Ngoài ra, hơn 3/4 trong số 53 nhà kinh tế lựa chọn trả lời câu hỏi bổ sung cho biết một thỏa thuận “ngừng bắn vĩnh viễn” cho cuộc chiến thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc là không thể xảy ra trong năm tới. Nhận định này trái ngược với tâm lý các nhà đầu tư tại Phố Wall, khi các chỉ số chính trên thị trường này đã chạm mức cao kỷ lục trong vài tháng qua, với hy vọng Washington và Bắc Kinh sẽ giải quyết được những bất đồng.
Ông James Knightley, nhà kinh tế trưởng phụ trách thị trường quốc tế tại tập đoàn tài chính ING tỏ ra ít lạc quan hơn về triển vọng đàm phán thương mại Mỹ-Trung so với thị trường chứng khoán. Vì vậy, chuyên gia này cho rằng vẫn còn khả năng kinh tế Mỹ tăng trưởng yếu hơn với tình hình lạm phát khá ảm đạm, qua đó thúc đẩy Fed tiến hành một số biện pháp kích thích.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế gần như chia rẽ về việc liệu Fed có giảm lãi suất hay không. Kết quả trung bình cho thấy các chuyên gia đã lùi lại thời điểm Fed dự kiến cắt giảm lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm xuống khoảng 1,25% -1,50% vào quý 3/2020, thay vì vào đầu năm tới như kết quả khảo sát trước đó.
Sự thay đổi trên diễn ra sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell phát đi tín hiệu rằng trong khi ngân hàng Trung ương này sẽ thận trọng theo dõi các cuộc xung đột thương mại và tình trạng tăng trưởng chậm lại, Fed sẽ tạm dừng chính sách hạ lãi suất sau khi tiến hành lần cắt giảm thứ ba trong năm nay.
Tuy nhiên, chỉ 54% trên 93 nhà kinh tế trả lời câu hỏi phụ dự báo Fed sẽ có tối thiểu một lần cắt giảm lãi suất, trong khi 46% còn lại dự kiến lãi suất sẽ không thay đổi cho đến ít nhất là năm 2021. Chỉ số giá chi tiêu tiêu dùng cá nhân cốt lõi - biện pháp theo dõi lạm phát mà Fed thường sử dụng - dự kiến sẽ là 2% trong quý đầu tiên của năm 2020 và sau đó duy trì ở mức 1,9% cho đến quý 2/2021.
Ông Michael Moran, nhà kinh tế trưởng tại công ty tư vấn đầu tư Daiwa Capital Markets cho biết, áp lực lạm phát hạn chế sẽ cho phép Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) của Fed không có nhiều động thái chính sách nào trong vài tháng tới. Tuy nhiên, nếu kinh tế Mỹ “hạ nhiệt” như dự báo, Fed có thể sẽ nỗ lực để duy trì đà mở rộng của nền kinh tế lớn nhất thế giới.