Mỹ - Triều Tiên đều không đóng sập cánh cửa đàm phán

Thứ Hai, 07/10/2019, 09:30
Sau nhiều tháng kể từ cuộc Hội nghị Thượng đỉnh hồi tháng Hai tại Hà Nội, hôm 5-10, Đại diện đặc biệt của Mỹ về Triều Tiên Stephen Biegun và người đồng cấp Triều Tiên Kim Myong-gil đã gặp nhau ở Villa Elfvik Strand, một trung tâm tổ chức hội nghị ở Lidingo, phía Đông Bắc Thủ đô Stockholm của Thụy Điển.

Phía Bình Nhưỡng khẳng định cuộc gặp đã thất bại, còn Washington cho rằng, cuộc thảo luận diễn ra tốt đẹp. Dù có những nhận định trái chiều về kết quả cuộc gặp, song cả Mỹ và Triều Tiên đều khẳng định sẽ tiếp tục đàm phán.

Phát biểu sau cuộc gặp, Trưởng đoàn đàm phán của Triều Tiên Kim Myong-gil tuyên bố cuộc đàm phán cấp chuyên viên với Mỹ đã đổ vỡ và cáo buộc Washington đã khiến cuộc đàm phán “kết thúc trong vô nghĩa”. 

Ông Kim Myong-gil đã bày tỏ không hài lòng và nhấn mạnh cuộc đàm phán lần này không đáp ứng được mong đợi của Bình Nhưỡng. 

Ông khẳng định lý do đàm phán không mang lại kết quả hoàn toàn là do phía Mỹ không chịu từ bỏ lập trường và quan điểm cũ, mặc dù đến nay Washington đã gợi ý về một cách tiếp cận linh hoạt và sáng tạo, khiến dư luận kỳ vọng về khả năng giải quyết vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên. Ông kêu gọi Mỹ thay đổi lập trường và khẳng định các cuộc thương lượng sẽ không được nối lại ít nhất là trước cuối năm nay. 

Tuy nhiên, ông Kim Myong-gil cũng cho biết Triều Tiên có thể tham gia thảo luận về “giai đoạn tiếp theo” của các biện pháp phi hạt nhân hóa, nếu Washington hồi đáp một cách “chân thành” những biện pháp mà Bình Nhưỡng đã chủ động thực hiện như ngừng thử hạt nhân và tên lửa đạn đạo liên lục địa. 

Trái ngược với sự “không hài lòng” của Triều Tiên, Bộ Ngoại giao Mỹ cùng ngày tuyên bố nước này đã có “các cuộc thảo luận tốt đẹp” với Triều Tiên. 

Trưởng đoàn đàm phán hạt nhân của Triều Tiên Kim Myong-gil.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Morgan Ortagus cho rằng những bình luận sớm từ phái đoàn Triều Tiên không phản ánh nội dung hoặc tinh thần của cuộc thảo luận kéo dài 8 tiếng rưỡi vừa qua. Mỹ đã đưa ra những ý tưởng sáng tạo và có những cuộc thảo luận tốt với các đối tác Triều Tiên. 

Trong tuyên bố, người phát ngôn Morgan Ortagus cũng cho biết, đoàn đại biểu nước này đã xem xét một số sáng kiến mới, cho phép đạt được bước tiến trong 4 trụ cột của Tuyên bố chung Mỹ - Triều tại Hội nghị thượng đỉnh Singapore vào tháng 6 năm ngoái. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ cũng thừa nhận, Mỹ và Triều Tiên sẽ không vượt qua được “di sản” 70 năm chiến tranh và thù địch trên Bán đảo Triều Tiên chỉ thông qua một cuộc họp. Tuy nhiên, cả Mỹ và Triều Tiên đều không đóng sập cánh cửa đàm phán. 

Trong khi bà Morgan Ortagus cho biết Mỹ sẽ tiếp tục đàm phán với Triều Tiên trong 2 tuần nữa, thì ông Kim Myong Gil cũng tuyên bố có thể tham gia thảo luận về “giai đoạn tiếp theo” của các biện pháp phi hạt nhân hóa, nếu Mỹ hồi đáp một cách “chân thành” những biện pháp mà nước này đã chủ động thực hiện.

Chỉ trước khi diễn ra cuộc đàm phán lần này 3 ngày, Triều Tiên đã thực hiện thành công vụ thử tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm. Giới chuyên gia đánh giá rằng, động thái này là lời nhắc nhở có ý nghĩa chiến lược đối với Mỹ, cũng như cho thấy Bình Nhưỡng có cách đặt cược của riêng mình. 

Vụ phóng tên lửa này cũng đồng thời nhấn mạnh thực tế là Triều Tiên, trong khi không giảm bớt năng lực vũ khí hạt nhân của nước này, đã bình thường hóa việc thử vũ khí dưới hình thức các vụ thử tên lửa hạt nhân và tầm xa. Tiến sỹ Mira Rapp-Hooper, chuyên gia cấp cao nghiên cứu về châu Á thuộc Hội đồng Quan hệ đối ngoại Mỹ cho rằng Bình Nhưỡng đang nhắc nhở Washington rằng họ đang đàm phán từ thế mạnh và đang trở nên ngày càng mạnh mẽ. 

Còn Giáo sư Lee Sung-yoon thuộc Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thì đánh giá đây là sự thao túng về tâm lý. Thông qua nhiều vụ thử tên lửa mà không phải gánh chịu hậu quả, Triều Tiên đã buộc Mỹ phải coi việc nước này thử tên lửa đạn đạo tầm ngắn là chuyện thường ngày. 

Tiếp theo sẽ là tên lửa tầm cận trung và tầm trung. Về phần mình, Giáo sư Vipin Narang thuộc Viện Công nghệ Massachusetts cho biết: “Thông điệp lớn nhất mà Bình Nhưỡng gửi cho Mỹ là: Chúng tôi không đơn phương giải trừ vũ khí, vì vậy các ông thậm chí đừng nghĩ đến việc sử dụng bất kỳ cụm từ 'giải trừ vũ khí hạt nhân' nào trong tuần này khi chúng ta bắt đầu lại các cuộc đàm phán. Nó là một phần trong chiến dịch gây sức ép tối đa của chính nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un”.

Cuộc đàm phán ở cấp chuyên gia vừa diễn ra ở Thụy Điển có thể là một bàn đạp để tiến tới cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba giữa ông Donald Trump và ông Kim Jong-un. Nhưng có những dấu hiệu cho thấy Tổng thống Mỹ muốn đạt được một kết quả tại cuộc gặp thứ ba, không giống như cuộc gặp thượng đỉnh tại Hà Nội. 

Ở Hà Nội, Mỹ đã sẵn sàng ký một hiệp định hòa bình chấm dứt cuộc Chiến tranh Triều Tiên - về mặt kỹ thuật chỉ được tạm dừng thông qua Hiệp định đình chiến năm 1953. Mỹ cũng đã sẵn sàng tiếp tục đình chỉ các cuộc tập trận quân sự chung với Hàn Quốc. Triều Tiên cũng đã sẵn sàng đóng cửa các cơ sở hạt nhân của nước này ở Yongbyon, nhưng muốn Mỹ dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt và Mỹ đã không đồng ý.

Người đứng đầu Nhà Trắng đã phát biểu trong cuộc họp báo sau cuộc gặp: “Họ muốn dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt nhưng họ không sẵn sàng phi hạt nhân hóa khu vực mà chúng tôi mong muốn. Họ sẵn sàng đưa ra cho chúng tôi một số khu vực nhưng không phải là những khu vực mà chúng tôi mong muốn”. 

Hồi tháng 6 vừa qua, hai nhà lãnh đạo Mỹ - Triều lại gặp nhau khi Tổng thống Mỹ, trong chuyến thăm Hàn Quốc, đã đi bộ vượt qua biên giới ở Khu phi quân sự, trở thành vị Tổng thống Mỹ đầu tiên đặt chân lên đất Triều Tiên. 

Tuần trước, phát biểu bên lề cuộc họp Đại hội đồng Liên hợp quốc, ông Donald Trump cho biết cuộc gặp thượng đỉnh thứ ba với ông Kim Jong-un “có thể sớm diễn ra”, và ông cũng muốn biết cuộc gặp đó có thể đem lại kết quả gì.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.