Mỹ, Hàn Quốc tiếp tục thúc đẩy phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên

Thứ Bảy, 30/03/2019, 09:15
Bộ Thống nhất Hàn Quốc ngày 29-3 đưa ra thông báo cho biết Hàn Quốc đang nỗ lực thúc đẩy chuyến thăm của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Seoul để tham gia Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 4 với Tổng thống Moon Jae-in trong năm nay, đồng thời nhấn mạnh, cuộc gặp sẽ là cơ hội để cải thiện mối quan hệ song phương cũng như thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ.

Tuyên bố của Bộ Thống nhất Hàn Quốc khẳng định, nước này có kế hoạch tìm kiếm một cơ hội để thúc đẩy phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên và cải thiện mối quan hệ song phương thông qua chuyến thăm của Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un tới Seoul. 

Theo Yonhap, đây được coi là một phần trong kế hoạch và mục tiêu được bộ này đề ra trong năm 2019, phù hợp với kế hoạch chỉ đạo trong 5 năm của Chính phủ Hàn Quốc, công bố năm 2018, trong đó tập trung vào việc hoàn thành phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên, thiết lập hòa bình lâu dài và sự tin cậy lẫn nhau với Bình Nhưỡng. 

Cùng với đó, thông qua việc tổ chức thường xuyên các hội nghị thượng đỉnh như vậy, Seoul cũng mong muốn thúc đẩy việc đặt nền móng vững chắc hơn nhằm củng cố quan hệ liên Triều cũng như giúp các nhà lãnh đạo hai nước có thể liên lạc chặt chẽ với nhau trong bối cảnh vẫn còn tồn tại và phát sinh những vấn đề cũ chưa được giải quyết. 

Ngoài ra, trong năm 2019, Hàn Quốc muốn nối lại các dự án xuyên biên giới, tiến hành các cuộc trao đổi liên Triều, liên lạc trong nhiều lĩnh vực, trong đó có việc thúc đẩy môi trường thuận lợi nhằm tạo điều kiện cho việc mở lại khu công nghiệp chung Kaesong và các tour du lịch tới Núi Kumgang bên phía Triều Tiên. Tuy vậy, các dự án liên Triều này phải được tiến hành thông qua “tham vấn chặt chẽ” với cộng đồng quốc tế và dựa trên sự nhất trí của người dân. 

Cùng với đó, Mỹ lo ngại rằng, việc nối lại các dự án kinh tế có thể ảnh hưởng đến các biện pháp trừng phạt nhằm vào Triều Tiên. Về mặt hỗ trợ nhân đạo, Bộ Thống nhất Hàn Quốc cho biết sẽ nỗ lực hợp tác với phía Triều Tiên nhằm tổ chức thường xuyên các cuộc đoàn tụ gia đình bị ly tán trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên (1950-1953) theo nhiều hình thức khác nhau từ gặp mặt trực tiếp tới trao đổi thư từ. Đặc biệt, bộ này sẽ sắp xếp tổ chức trao đổi qua video cho khoảng 1.000 gia đình bị ly tán trong năm nay. 

Việc Hàn Quốc chuẩn bị các cuộc đoàn tụ gia đình ly tán qua video là nhằm không vi phạm các biện pháp trừng phạt của Liên hợp quốc và Mỹ. Trong Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, diễn ra tại thủ đô Bình Nhưỡng hồi tháng 9-2018, nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã nhất trí thăm Seoul trong thời gian sớm nhất để tiến hành Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 4 với Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in.

Lãnh đạo hai miền Triều Tiên vẫy tay chào người dân trong cuộc diễu hành ở Bình Nhưỡng ngày 18-9-2018. Ảnh: Reuters

Cũng liên quan đến vấn đề này, ngày 28-3, phát biểu khai mạc Diễn đàn châu Á Bác Ngao 2019, Thủ tướng Hàn Quốc Lee Nak-yon đã kêu gọi tăng cường vai trò của các nước châu Á trong việc thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và đem lại hòa bình trên bán đảo Triều Tiên. 

Ông Lee Nak-yon nêu rõ hai miền Triều Tiên và Mỹ vẫn đang trong quá trình đối thoại; đánh giá cao sự ủng hộ của Trung Quốc, Nhật Bản và Nga trong vấn đề Triều Tiên, đồng thời bày tỏ hy vọng các nước tiếp tục duy trì vai trò đầy ý nghĩa này. 

Thêm vào đó, theo Bộ Ngoại giao Hàn Quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres tái khẳng định ủng hộ Hàn Quốc thúc đẩy tiến trình phi hạt nhân hóa và hòa bình lâu dài trên Bán đảo Triều Tiên sau cuộc gặp với Ngoại trưởng Hàn Quốc Kang Kyung-wha ở New York (Mỹ) ngày 28-3. Ông Guterres cho rằng cả Triều Tiên và Mỹ đều bày tỏ sẵn sàng đối thoại; tuyên bố Liên hợp quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ để những nỗ lực hòa bình của Seoul sẽ đạt được kết quả. 

Về phần mình, bà Kang Kyung-wha cho biết Chính phủ Hàn Quốc sẽ tiếp tục hỗ trợ với nhiều hình thức cho các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc. Bà Kang Kyung-wha đang ở thăm New York để tham dự phiên họp cấp bộ trưởng về gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và dự kiến đến thủ đô Washington để thảo luận với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo về vấn đề Triều Tiên trong ngày 29-3 (giờ Mỹ).

Trong một diễn biến khác có liên quan, tại một buổi họp báo ngày 28-3, Phó Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ, Robert Palladino, đã nhận được câu hỏi tại sao Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo liên tục từ chối việc đổ lỗi cho nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un về cái chết năm 2017 của sinh viên đại học Otto Warmbier. 

Đáp lại, ông Palladino cho biết: “Tôi nghĩ rằng chúng tôi đã lên tiếng về sự việc bi thảm đó nhiều lần và thường là từ phía Chính phủ Mỹ. Không có gì để nói thêm về điều đó vào thời điểm này. Vì vậy, tôi sẽ không nói quá những điều mà Ngoại trưởng đã nói trong quá khứ”. 

Ông Palladino nói tiếp Washington “hiện đang rất cố gắng tiến về phía trước” với Triều Tiên. Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cùng ngày cho biết ông hy vọng các nhà lãnh đạo Mỹ và Triều Tiên sẽ có thể gặp lại nhau “không quá lâu” sau Hội nghị Thượng đỉnh tại Việt Nam hồi tháng trước. 

Theo tuyên bố được đưa ra ngày 28-3 của Bộ Ngoại giao Mỹ, Washington bày tỏ hy vọng duy trì các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa với Bình Nhưỡng bất chấp Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều lần hai không đạt thỏa thuận và Triều Tiên dọa rút khỏi các cuộc đàm phán này cũng như xem xét lại việc tạm dừng các vụ thử tên lửa và hạt nhân. 

Tuy nhiên, sau khi kết thúc hội nghị, Mỹ vẫn khẳng định để ngỏ cánh cửa đối thoại với Triều Tiên và sẽ tiếp tục nỗ lực tìm kiếm các cuộc đối thoại phi hạt nhân hóa trong khi duy trì gây sức ép và các biện pháp trừng phạt đối với Triều Tiên. Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng có kế hoạch tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh vào tháng tới tại Washington. 

Theo văn phòng Tổng thống Hàn Quốc, hai nhà lãnh đạo sẽ có các cuộc thảo luận về các biện pháp nhằm tăng cường liên minh Mỹ- Hàn, phối hợp lập trường để thiết lập cơ chế hòa bình trên bán đảo Triều Tiên thông qua phi hạt nhân hóa hoàn toàn.

Duy Tiến (tổng hợp)
.
.
.