Một liên minh Á- Âu dần hình thành sau khi Mỹ rút khỏi JCPOA

Thứ Hai, 18/06/2018, 08:13
Các quốc gia tham gia ký kết JCPOA còn lại đang nỗ lực để cứu vãn thỏa thuận nhưng không cho thấy nhiều tín hiệu khả quan. Cục diện quan hệ quốc tế, đặc biệt giữa Iran với Mỹ và phương Tây sẽ có nhiều thay đổi. Một trong số các hệ quả đó là việc hình thành một liên minh Á-Âu vốn đã nhen nhóm từ nhiều năm nay giữa Nga, Trung Quốc và các quốc gia Trung Đông như Iran hay Syria.

Tổng thống Nga Vladimir Putin đã thăm chính thức Trung Quốc và tham dự Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải (SCO). Trong chuyến thăm này, Nga và Trung Quốc đã thống nhất tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực như thương mại, năng lượng, vũ trụ, bảo vệ sở hữu trí tuệ…

Bên cạnh đó, lãnh đạo 2 nước còn tiếp tục bàn thảo các vấn đề quốc tế quan trọng hiện nay như hạt nhân Iran, bán đảo Triều Tiên trước cuộc gặp giữa Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un và Tổng thống Mỹ Donald Trump, tình hình Syria, an ninh toàn cầu, cuộc chiến chống khủng bố tại các diễn đàn song phương cũng như trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh SCO.

Việc Trung Quốc được chọn là điểm đến đầu tiên của Tổng thống Nga trong nhiệm kỳ mới thể hiện sự coi trọng quan hệ với Trung Quốc của Nga. Đồng thời, chuyến thăm diễn ra trong bối cảnh quốc tế nhiều biến động đang cho thấy sự xích lại gần hơn bao giờ hết giữa 2 quốc gia này.

Lãnh đạo Trung Quốc, Nga gặp nhau và cùng dự Hội nghị SCO, được tổ chức trùng thời điểm với Hội nghị G7, nơi mà Nga đã mất tư cách thành viên sau khi sáp nhập Crimea năm 2014, là thông điệp rõ ràng cho Mỹ và châu Âu.

Bên cạnh việc củng cố quan hệ song phương, Nga và Trung Quốc ngày càng tăng cường quan hệ và thể hiện sự ủng hộ đối với chính quyền các quốc gia Trung Đông như Iran và Syria vì lợi ích chính trị, an ninh cũng như kinh tế. Iran và Syria được coi là đồng minh của Nga, Trung Quốc trong cuộc chiến chống lại chủ nghĩa khủng bố, đặc biệt là Tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) khi mà cả Nga và Trung Quốc đều đã phải hứng chịu những hậu quả từ khủng bố và hồi giáo thánh chiến trong những năm qua (tại Tân Cương và Chechnya).

Về mặt kinh tế, Trung Quốc là đối tác thương mại số 1 của Iran trong nhiều năm qua bất chấp các lệnh trừng phạt và cấm vận của Mỹ. Trung Quốc cũng hợp tác với Iran trong hàng loạt dự án khai thác dầu khí hay hiện đại hóa các nhà máy lọc dầu, các nhà máy gang thép trên lãnh thổ Iran.

Ở chiều ngược lại, Iran nhập khẩu một số lượng rất lớn lương thực từ Trung Quốc. Iran còn là một trong những mắt xích quan trọng trong dự án Con đường Tơ lụa của Trung Quốc.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) bắt tay Tổng thống Iran Hassan Rouhani bên lề Hội nghị Thượng đỉnh Tổ chức Hợp tác Thượng Hải. Ảnh: AFP.

Vì vậy, Trung Quốc đã tăng cường đầu tư trong nhiều dự án phát triển cơ sở hạ tầng tại Iran, điển hình là xây dựng tuyến tàu cao tốc dài 926km giữa Thủ đô Tehran và thành phố lớn thứ hai là Mashad, giáp biên giới Afghanistan và Turkmenistan. Ngân hàng Eximbank của Trung Quốc hiện đang cấp vốn cho hàng chục dự án tại Iran, trong đó chủ yếu là các dự án xây dựng đường cao tốc và đường sắt.

Nga cũng là một đối tác thương mại quan trọng của Iran, trao đổi thương mại 2 chiều hiện chỉ là 2 tỷ USD, rất nhỏ so với con số giữa Iran và Trung Quốc. Tuy nhiên, trong tương lai gần, trao đổi giữa Iran và Nga dự báo sẽ đạt 10 tỷ USD. Tháng 3-2018, Iran và Nga đã ký 14 hiệp định hợp tác, trong đó có hiệp định trao đổi dầu và lương thực (oil for goods), cho phép Nga mua của Iran 100 000 thùng dầu thô mỗi năm.

Hai nước cũng đã ký 6 hiệp định hợp tác chiến lược về năng lượng với tổng giá trị lên tới 30 tỷ USD. Về phía Iran, tại triển lãm hàng không Á-Âu tổ chức tại Antalya, Thổ Nhĩ Kỳ (tháng 4-2018), 2 hãng hàng không lớn của Iran là Iran Air Tours và Aseman Airline đã quyết định mua tổng cộng 40 máy bay Sukhoi 100s (SSJ100) của Nga.

Bên cạnh đó, với sự hỗ trợ của Nga, Iran sẽ trở thành thành viên chính thức của SCO thay vì quy chế quan sát viên như hiện nay. Iran cũng sẽ sớm trở thành thành viên của Liên minh kinh tế Á-Âu. Với những vị thế này, Iran sẽ góp phần giúp Nga củng cố được chiều sâu chiến lược tại khu vực Tây Nam Á.

Đối với Iran, các tổ chức khủng bố như IS, Mặt trận Al-nursa, và các nhóm thánh chiến dòng Sunni mang đến mối đe dọa trực tiếp và hiện hữu. Iran đang tham chiến tại Syria nhằm ngăn chặn nguy cơ các nhóm khủng bố này xâm nhập Iran và Iran phải chiến đấu trên lãnh thổ của chính mình. Đồng thời, Syria cũng là một trong những quốc gia trong liên minh chống Nhà nước Do Thái Israel.

Có thể thấy rằng, Trung Quốc và Nga sẽ là 2 trụ cột vững chắc của một liên minh Á-Âu, tạo thành đối trọng với Mỹ và phương Tây trong các vấn đề quốc tế, nhờ khả năng quân sự, ngoại giao của Nga và tiềm năng kinh tế khổng lồ của Trung Quốc, bên cạnh việc cả Nga và Trung Quốc đều là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc, có lá phiếu quyết định trong các vấn đề quốc tế.

Theo VOV
.
.
.