Mấu chốt trong mâu thuẫn giữa EU và Mỹ về lệnh trừng phạt Nga

Thứ Sáu, 28/07/2017, 07:14
Với số phiếu áp đảo, Hạ viện Mỹ ngày 26-7 (theo giờ Việt Nam) đã thông qua dự luật mở rộng các lệnh trừng phạt mới nhằm vào Moscow. Tuy nhiên, việc này không chỉ vấp phải sự chỉ trích từ phía Nga mà các quốc gia châu Âu, những nước vốn có liên hệ mật thiết với Nga về an ninh năng lượng cũng cảm thấy “nóng mặt”.

Nếu được ban hành thành luật, các lệnh trừng phạt mới này sẽ áp Nga ở các lĩnh vực quốc phòng, khai khoáng, đóng tàu, năng lượng, công nghiệp đường sắt, tình báo cũng như cấm các doanh nghiệp Mỹ gia nhập hoặc hỗ trợ các dự án năng lượng có sự tham gia của các công ty Nga. Động thái này từ phía Mỹ đã ngay lập tức khiến Nga và Liên minh châu Âu (EU) “nổi đóa”.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho hay: “EU đã bày tỏ mối quan ngại sâu sắc này với Mỹ thông qua tất cả các kênh ngoại giao. Nếu những quan ngại của chúng tôi không được xem xét thấu đáo, chúng tôi sẵn sàng hành động thỏa đáng trong vài ngày tới. Khẩu hiệu nước Mỹ trên hết không có nghĩa là lợi ích của châu Âu bị bỏ lại sau cùng.”

Nguy cơ suy giảm an ninh năng lượng

Ngày 27-7, giới chuyên gia cho rằng, các nước châu Âu lo ngại lệnh trừng phạt của Mỹ sẽ tác động tiêu cực đến các doanh nghiệp năng lượng của khu vực này. Mỹ có thể trừng phạt bất cứ công ty nào tham gia vào các đường ống xuất khẩu năng lượng, hoặc các dự án thăm dò năng lượng mà công ty Nga có cổ phần từ 33% trở lên.

Đặc biệt, điều này sẽ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc duy trì và nâng cấp đường ống tại Nga để cung cấp khí đốt tự nhiên cho châu Âu thông qua Ukraine, hay dự án “Dòng chảy phương Bắc 2”, trong bối cảnh châu Âu vẫn phụ thuộc vào Nga trong ngành này, bất chấp nỗ lực đa dạng hóa nguồn cung. Hơn nữa, lệnh trừng phạt có phần “rất không thân thiện” của Mỹ sẽ kéo theo các cuộc chiến thương mại và là chất xúc tác để thổi bùng lên các hành động trả đũa không chỉ giữa Mỹ và Nga, mà còn giữa Mỹ và EU.

Dự luật trừng phạt mới của Mỹ nhằm vào Moskva làm phức tạp hóa quan hệ với EU và Nga. Ảnh: triklopodia.

Theo Reuters, giới chức Ủy ban châu Âu cho biết, khối này có thể dùng các quy định của EU để khiến Mỹ phải cam kết loại trừ các doanh nghiệp năng lượng của khối khỏi diện bị trừng phạt do làm ăn với Nga hay cấm làm ăn với các doanh nghiệp của Mỹ. Ngoài ra, châu Âu có thể kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại thế giới WTO. Đây là điều mà EU không mong muốn vì nó sẽ gây tổn thất không nhỏ cho cả hai bên, đặc biệt là khi nền kinh tế nội khối vẫn chưa khôi phục hoàn toàn sau khủng hoảng tài chính.

Markus Beyrer, Giám đốc tổ chức vận động hành lang Business Europe phát biểu: “Các lệnh trừng phạt của Mỹ nhằm vào ngành năng lượng của Nga sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến EU. Không ai khác, các doanh nghiệp và người tiêu dùng sẽ phải gánh hậu quả”. Đây cũng chính là một trong những lý do khiến EU luôn thận trọng khi đưa ra bất cứ lệnh trừng phạt nào nhằm vào Nga.

Đại diện Thường trực của Nga tại EU, ông Vladimir Chizhov cho hay, EU đang cân nhắc đáp trả dự luật mở rộng lệnh trừng phạt Nga của Mỹ bằng cách tuyên bố các lệnh này không có hiệu lực trong khối và cấm các ngân hàng châu Âu cho các công ty Mỹ vay. Ông Chizhov cũng nhấn mạnh rằng, các biện pháp này không thể so sánh với những thiệt hại tiềm tàng mà các doanh nghiệp châu Âu gánh chịu trong trường hợp dự luật trên được ban hành thành luật.

Phức tạp thêm quan hệ Nga – Mỹ

Cùng ngày, Điện Kremlin cho biết dự luật áp đặt các biện pháp trừng phạt mới chống Nga mà Hạ viện Mỹ vừa thông qua là một "tin buồn" đối với quan hệ giữa hai nước cũng như sự phát triển hơn nữa trong quan hệ này. Các nghị sĩ Nga nhận định, dự luật sẽ làm phức tạp thêm quan hệ Nga - Mỹ vốn đã ở mức thấp nhất hiện nay.

Chủ tịch Ủy ban Các vấn đề quốc tế thuộc Duma Quốc gia (Hạ viện) Nga, Leonid Slutsky khẳng định, lệnh trừng phạt đã làm tiêu tan khả năng khôi phục quan hệ song phương và làm mối quan hệ này trở nên phức tạp hơn trong tương lai. Chủ tịch Ủy ban Đối ngoại thuộc Hội đồng Liên bang (Thượng viện) Nga, Konstantin Kosachev cũng lên tiếng, sự hợp tác giữa Nga và Mỹ chắc chắn sẽ giảm sút và Moskva nên chuẩn bị đối phó "mạnh tay" với dự luật này.

Tờ Kommersant dẫn nguồn Bộ Ngoại giao Nga đưa tin, Moskva đang xem xét các biện pháp đáp trả trong trường hợp Mỹ áp dụng các biện pháp trừng phạt mới chống Nga. Nếu một số biện pháp đáp trả được Nga áp dụng thì có thể sẽ khép lại khả năng Mỹ trao trả các trụ sở ngoại giao của Nga hiện đang bị Washington tịch thu. Ngoài ra, Nga có thể chấm dứt hợp tác với Mỹ trong các vấn đề quan trọng, ví dụ như vấn đề giải quyết căng thẳng với CHDCND Triều Tiên, hoặc cung cấp urani làm giàu cho các nhà máy điện nguyên tử của Mỹ.

Trước đó, các thượng nghị sĩ Mỹ đã đạt được thỏa thuận mở đường cho Thượng viện nước này phê chuẩn ngay trong tuần này dự luật về các lệnh trừng phạt mới được áp đặt đối với Nga, Iran và Triều Tiên, bất chấp sự phản đối của chính quyền Tổng thống Donald Trump.

Linh Bùi
.
.
.