Mạng xã hội đang “giết người” bằng thông tin sai về đại dịch

Thứ Hai, 19/07/2021, 07:08
Đó là câu trả lời của Tổng thống Mỹ Joe Biden đối với các câu hỏi từ phóng viên rằng ông có thông điệp nào gửi đến các mạng xã hội, trong đó có Facebook, nơi đang lan truyền nhiều thông tin sai lệch về dịch COVID-19 và mức độ an toàn của các loại vaccine khiến tốc độ tiêm chủng tại nước này chậm lại. Ông cảnh báo, nguy cơ đại dịch duy nhất mà chúng ta phải chứng kiến nằm trong số những người chưa tiêm vaccine.

Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki cũng đưa ra thông điệp tương tự khi chỉ trích mạng xã hội Facebook vì cho phép các thông tin sai lệch về các loại vaccine phòng COVID-19 được đăng tải trên nền tảng truyền thông xã hội được nhiều người sử dụng này. Ngoài ra, mạng xã hội cũng chưa làm đủ mạnh để chấm dứt tình trạng lan tràn các thông tin sai lệch về dịch bệnh. Bà cho biết, chính quyền Tổng thống Joe Biden thường xuyên liên lạc với Facebook và chỉ ra những bài đăng “có vấn đề” để mạng xã hội này xử lý.

Ảnh minh họa: Những thông tin thất thiệt trên mạng xã hội đã và đang khiến cuộc chiến chống đại dịch COVID-19 thêm phần khó khăn.

Những phát biểu trên được đưa ra một ngày sau khi Tổng Y sỹ Mỹ Vivek Murthy đưa ra báo động về làn sóng ngày càng tăng của thông tin sai lệch về COVID-19 và các loại vaccine liên quan, đe dọa nỗ lực dập tắt đại dịch và cứu sống các bệnh nhân, thúc giục các công ty công nghệ và mọi người cùng hành động. Trong lần cố vấn đầu tiên của mình, với tư cách là bác sĩ hàng đầu của quốc gia dưới thời Tổng thống Joe Biden, ông Vivek Murthy đã kêu gọi các công ty công nghệ điều chỉnh các thuật toán của họ để giảm bớt thông tin sai lệch và chia sẻ nhiều dữ liệu hơn với các nhà nghiên cứu và chính phủ để giúp giáo viên, nhân viên y tế và giới truyền thông chống lại thông tin sai lệch.

“Thông tin sai lệch về sức khỏe là một mối đe dọa nghiêm trọng đối với sức khỏe cộng đồng. Nó có thể gây nhầm lẫn, gieo rắc sự tin tưởng, gây tổn hại đến sức khỏe của mọi người và phá hoại các nỗ lực y tế cộng đồng. Hạn chế việc lan truyền thông tin sai lệch về sức khỏe là mệnh lệnh công dân và đạo đức”, ông nói. Tổng Y sỹ Mỹ đồng thời cho biết, thông tin sai lệch có thể khiến nhiều người chần chừ không tiêm vaccine chống lại biến thể virus Corona mới, dẫn đến tử vong vốn có thể ngăn ngừa được.

“Cuộc sống của người Mỹ đang gặp rủi ro”, ông nói trong một tuyên bố và kêu gọi mọi người không lan truyền thông tin đáng ngờ trên mạng, điều mà người đứng đầu Trung tâm Chống lại sự căm ghét kỹ thuật số (CCDH), một nhóm chuyên theo dõi thông tin sai lệch COVID-19 trên mạng, cho biết chỉ những lời khuyên là không đủ.

Hồi cuối tháng 3 vừa qua, các Trưởng công tố của 12 bang ở Mỹ đã yêu cầu Facebook và Twitter có hành động mạnh tay hơn nhằm ngăn chặn nạn lan truyền thông tin sai lệch về các vaccine ngừa COVID-19 trên mạng xã hội. Trong thư gửi tới Giám đốc điều hành (CEO) Facebook Mark Zuckerberg và CEO Twitter Jack Dorsey, các Trưởng công tố đã yêu cầu hai mạng xã hội này gỡ bỏ các tài khoản có liên quan đến nhóm phản đối vaccine. Họ cáo buộc các cá nhân và những nhóm lan truyền thông tin sai lệch đang khiến người dân Mỹ hiểu sai về độ an toàn của các loại vaccine ngừa COVID-19, đe dọa đến sức khỏe cộng đồng, làm chậm lại các tiến độ giúp bảo vệ người dân trước virus, ảnh hưởng tới đà phục hồi kinh tế tại các bang.

Lá thư dẫn các số liệu từ các nhóm nghiên cứu cho thấy có 12 tài khoản đang kiểm soát tới 65% nội dung chống vaccine trên Facebook, Instagram, và Twitter, với 59 triệu người đang theo dõi các tài khoản này. Các nhóm chống vaccine đang sử dụng các mạng xã hội để nhắm tới các cộng đồng người da màu, vốn đã có sẵn hoài nghi về vaccine do các lý do lịch sử. Các Trưởng công tố chỉ trích việc Facebook không dán nhãn thông tin sai lệch đối với các trang và các nhóm do những người chống vaccine tạo nên. Các nhóm chống vaccine thường thiếu kiến thức chuyên môn, tận dụng các nền tảng xã hội để hạ thấp nguy cơ về COVID-19, đồng thời thổi phồng rủi ro liên quan đến tiêm phòng nhằm thu lợi.

Giới chức y tế Mỹ cũng đã lên tiếng cảnh báo về nguy cơ đại dịch mới đối với những người dân còn đang ngần ngại đi tiêm vaccine ngừa COVID-19 trong bối cảnh số ca nhiễm mới, nhập viện và tử vong vì virus SARS-CoV-2 gia tăng trong thời gian gần đây. Các ca bệnh nói trên chủ yếu tập trung ở các cộng đồng có tỷ lệ tiêm chủng thấp, những ca nhập viện và tử vong vì COVID-19 cũng chủ yếu là những người dân chưa tiêm chủng. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Mỹ (CDC) cho biết, các ca nhiễm COVID-19 ở nước này đã tăng khoảng 11% so với tuần trước, với mức tăng cao nhất ở các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng dưới 40%, và xu hướng này tiếp tục tăng kể từ hôm 14/7.

Theo dữ liệu của CDC, sau khi tăng đột biến vào mùa đông, các ca bệnh tại Mỹ đã giảm mạnh vào mùa xuân khi vaccine được tung ra thị trường, nhưng việc tiêm chủng đã và đang chậm lại khi chỉ khoảng 51% dân số cả nước Mỹ đã được tiêm chủng. Các quan chức Mỹ nhấn mạnh rằng, số ca tử vong và mắc bệnh nặng do COVID-19 hoàn toàn có thể ngăn chặn trước nhờ vaccine.

Những thông tin sai lệch lan truyền trên mạng xã hội đã và đang gây hoang mang dư luận, làm phức tạp hơn công tác phòng, chống dịch bệnh. Nhiều chuyên gia nhấn mạnh rằng “tin giả lan nhanh hơn virus”. Do đó, muốn chống dịch bệnh hiệu quả thì cần phải chống tin giả, tin xấu trên mạng xã hội. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân đều phải nâng cao trách nhiệm của mình trước gia đình và xã hội. Không nên tấn công vào đời tư những người nhiễm COVID-19, tung những tin đồn thất thiệt, ảnh hưởng tới họ và gia đình. Họ là những nạn nhân, vì vậy cần thông cảm và chia sẻ. Sự kỳ thị của cộng đồng với những cá nhân này sẽ dẫn đến khó kiểm soát dịch bệnh vì người bệnh sẽ giấu bệnh, không dám khai báo. Đây là thời điểm phải thể hiện được lòng trắc ẩn, thể hiện trách nhiệm với cộng đồng, chứ không nên làm tình hình phức tạp thêm bằng những bài viết, bằng những thông tin thất thiệt, thiếu ý thức xây dựng...

Minh Hải
.
.
.