Loạt động thái lạ từ Triều Tiên và thông điệp gửi đến Mỹ

Thứ Ba, 30/03/2021, 06:30
Tuyên bố chỉ trích Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) được Triều Tiên đưa ra hôm 29/3 là động thái mới nhất của quốc gia này sau nhiều tháng im lặng. 

Liên tiếp những tuyên bố gay gắt bao gồm việc lên án Mỹ, cắt quan hệ ngoại giao với Malaysia và gần nhất là phóng thử hai tên lửa hành trình chiến thuật được đưa ra dường như đều hàm chứa một thông điệp ngoại giao hoàn toàn mới của Bình Nhưỡng.

Hãng Thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA) ngày 29/3 đăng tuyên bố của Vụ trưởng Vụ các Tổ chức quốc tế thuộc bộ Ngoại giao nước này Jo Chol-su chỉ trích HĐBA đã áp dụng “tiêu chuẩn kép” trong việc tổ chức các cuộc họp và đưa ra quyết định điều tra vụ thử tên lửa gần đây của Bình Nhưỡng. Nước này cho rằng việc HĐBA triệu tập họp kín là xâm hại nghiêm trọng chủ quyền quốc gia, vi phạm Hiến chương LHQ.

Hàn Quốc theo dõi sát sao các động thái của Triều Tiên sau vụ phóng tên lửa. Ảnh: Yonhap

Trong tuyên bố, nhà ngoại giao Triều Tiên nhấn mạnh, Bình Nhưỡng sẽ không bao giờ dung thứ cho những động thái của một số thành viên HĐBA LHQ (được cho là ngầm ám chỉ Mỹ) vì đã lợi dụng LHQ theo những động cơ thầm kín để chà đạp chủ quyền của các quốc gia độc lập và kìm hãm sự phát triển của quốc gia ấy, đồng thời khẳng định bất kỳ nỗ lực nào nhằm xâm phạm quyền tự vệ của Triều Tiên chắc chắn sẽ phải đối diện biện pháp trả đũa.

Trước đó, hôm 26/3, KCNA xác nhận Học viện Khoa học Quân sự Triều Tiên ngày 25/3 đã phóng thử thành công hai tên lửa hành trình chiến thuật mới có thể bay theo những quỹ đạo bất thường ở độ cao thấp, theo đó chỉ rõ sự phát triển của hệ thống vũ khí này có ý nghĩa to lớn trong việc củng cố sức mạnh quân sự của đất nước và ngăn chặn tất cả các loại mối đe dọa quân sự hiện có trên bán đảo Triều Tiên.

Đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên trong vòng một năm qua, đồng thời là vụ phóng thử đầu tiên của Bình Nhưỡng kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức Tổng thống Mỹ, được thực hiện sau khi Mỹ và Hàn Quốc kết thúc cuộc tập trận chung thường niên mùa Xuân kéo dài chín ngày.

Cũng trong ngày 26/3, người phát ngôn của phái bộ Mỹ tại LHQ cho biết Ủy ban trừng phạt Triều Tiên thuộc HĐBA sẽ nhóm họp theo yêu cầu của Washington để thảo luận về vụ việc. Kết quả, Ủy ban trừng phạt Triều Tiên đã yêu cầu các chuyên gia của Ủy ban tiến hành điều tra vụ thử tên lửa của Bình Nhưỡng, dẫn đến phản ứng gay gắt từ phía quan chức nước này.

Trên thực tế, giới phân tích từng dự đoán rằng, Triều Tiên sẽ phát đi những thông tiệp mới đến chính quyền của Tổng thống Joe Biden, sau khi các nỗ lực đàm phán giữa Triều Tiên và chính quyền Mỹ dưới thời ông Donald Trump trước đây đều không gặt hái được trái ngọt, với việc "đóng băng" đối thoại giữa hai bên trong thời gian dài.

Trước khi vụ phóng tên lửa xảy ra, Thứ trưởng Ngoại giao thứ nhất của Triều Tiên Choe Son-hui hồi giữa tháng đã xác nhận, Mỹ đã tìm cách liên hệ với Bình Nhưỡng, thậm chí ngay cả trước thềm cuộc tập trận chung giữa Mỹ và Hàn Quốc.

Bà Choe Son-hui tuyên bố: "Chúng tôi đã nêu rõ quan điểm của mình rằng sẽ không có cuộc tiếp xúc hoặc đàm phán giữa Triều Tiên với Mỹ trừ khi Mỹ rút lại các chính sách thù địch với chúng tôi, và rằng chúng tôi sẽ tiếp tục phớt lờ những nỗ lực tiếp cận của họ".

Ngay sau đó, Triều Tiên đã tuyên bố cắt đứt hoàn toàn quan hệ ngoại giao với Malaysia vì đã có hành động thù địch mạnh mẽ chống lại nước này do chịu áp lực từ phía Mỹ, liên quan tới việc Tòa án cấp cao nhất của Malaysia ra phán quyết có thể dẫn độ một doanh nhân Triều Tiên đang sống tại Malaysia về Mỹ với cáo buộc rửa tiền. Trong tuyên bố tuyệt giao với Malaysia, Bình Nhưỡng cũng cảnh báo Washington sẽ "phải trả giá đắt" với tư cách là "kẻ thao túng hậu trường và là thủ phạm trong của vụ việc".

Nhận định về loạt động thái trên, Giám đốc phụ trách nghiên cứu Triều Tiên của Trung tâm Lợi ích quốc gia Mỹ Harry Kazianis bình luận, Bình Nhưỡng đang báo hiệu với chính quyền Tổng thống Biden rằng năng lực và sức mạnh quân sự của Triều Tiên sẽ ngày một mạnh hơn. Đồng tình với quan điểm này, James Kim, học giả cấp cao tại Viện nghiên cứu chính sách ASAN (có trụ sở ở Seoul) nhận xét: "Thông điệp của Triều Tiên đã củng cố thêm các tuyên bố gần đây của chính quyền Bình Nhưỡng là Mỹ hãy ngừng các hành động gây hấn nếu muốn nhận được cam kết".

Thế nhưng, đáp lại những thông điệp ngầm từ phía Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc họp báo đầu tiên tại Nhà Trắng tuần trước cảnh báo, Washington sẽ đưa ra hành động trả đũa tương xứng nếu Triều Tiên leo thang các vụ thử tên lửa. Ngoài ra, Tổng thống Biden cũng nêu rõ: "Tôi cũng sẵn sàng cho một số hình thức ngoại giao với Triều Tiên, nhưng chính sách này phụ thuộc vào kết quả cuối cùng của quá trình phi hạt nhân hóa".

Điều này phần nào cho thấy, chính quyền Tổng thống Biden vẫn đang tiếp tục thăm dò để tìm ra cách tiếp cận thực dụng nhất nhằm đạt được mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên. Một cuộc đàm phán giữa Mỹ và Triều Tiên, nhiều khả năng, có thể chưa xảy ra trong tương lai gần.

An Nhiên
.
.
.