Liệu cuộc nội chiến dài nhất thế giới đã kết thúc?

Thứ Sáu, 26/08/2016, 09:25
Hôm 24-8 (giờ địa phương), tại thủ đô La Habana (Cuba), Chính phủ Colombia và Lực lượng vũ trang cách mạng Colombia (FARC) đã kết thúc thành công quá trình đàm phán kéo dài gần 4 năm qua, và đạt được một thỏa thuận “chắc chắn, đầy đủ và cuối cùng”, mở đường cho việc kết thúc cuộc xung đột vũ trang kéo dài trong hơn 5 thập niên qua. Hai bên cam kết sẽ hợp tác cùng nhau để mang lại công lý cho những nạn nhân của cuộc xung đột và xây dựng một nền hòa bình ổn định, lâu dài tại đất nước Nam Mỹ này.


Phát biểu sau lễ ký kết, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc chấm dứt tình cảnh khốn khó của người dân Colombia, Trưởng đoàn đàm phán của Chính phủ Colombia, ông Humberto de la Calle bày tỏ: “Chúng tôi đã hoàn thành các bước cuối cùng: Kí thỏa thuận với FARC, chấm dứt cuộc xung đột. Cách tốt nhất để đánh bại chiến tranh là ngồi xuống và nói về hòa bình. Chiến tranh đã qua đi. Tuy nhiên, đây cũng chỉ là sự khởi đầu mới: Thỏa thuận này mở ra một kỉ nguyên mới cho xã hội Colombia. Đây là thời điểm bắt lấy cơ hội hòa bình”.

Bày tỏ hoan nghênh thỏa thuận đạt được, Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos khẳng định: “Hôm nay là sự khởi đầu của việc chấm dứt những khổ đau, thảm kịch của chiến tranh. Hy vọng hòa bình của người dân Colombia đã trở thành hiện thực. Chúng ta đã đạt được một thỏa thuận cuối cùng hoàn toàn để chấm dứt xung đột với FARC”.

Theo Tổng thống Santos, thỏa thuận hòa bình vừa được ký kết có ý nghĩa lịch sử vô cùng quan trọng đối với người dân đất nước Nam Mỹ này và cũng là chiến thắng của tất cả người dân Colombia, chấm dứt hàng thập kỷ chết chóc và đau thương.

Tổng thống Santos bày tỏ chính người dân nước này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về nền hòa bình vĩnh viễn, và ngay trong ngày 25-8, ông đã trình quốc hội thỏa thuận chính thức dài hơn 200 trang vừa được ký kết.

Theo dự kiến, cuộc trưng cầu dân ý về văn bản này sẽ được tiến hành vào ngày 2-10. Tổng thống Colombia đồng thời kêu gọi người dân đoàn kết, bỏ phiếu thông qua thỏa thuận để văn bản chính thức được thực thi và nhấn mạnh đây là cơ hội cuối cùng cho một nền hòa bình vĩnh viễn ở Colombia, tạo thuận lợi cho đất nước phát triển.

Thỏa thuận với FARC mở ra kỷ nguyên mới cho Colombia. Ảnh: AP.

Nhà lãnh đạo Colombia cũng đánh giá cao những nỗ lực của các bên trong suốt gần 4 năm đàm phán ở La Habana, đồng thời cảm ơn sự ủng hộ của Cuba, Norway, Venezuela và Chile đối với tiến trình đàm phán.

Trong khi đó, Trưởng đoàn đàm phán FARC Iván Márquez bày tỏ “đây là một công việc khó khăn nhưng chúng tôi đã làm việc với tất cả tâm huyết. Và giờ đây chúng tôi có thể nói rằng thỏa thuận này sẽ đưa đất nước tiến lên phía trước”.

Ông Márquez đồng thời cho rằng hai bên đã “đánh thắng trận chiến đẹp nhất, trận chiến hòa bình” và bày tỏ tin tưởng hòa bình sẽ là hiện thực nếu các thỏa thuận được tôn trọng và thực thi đầy đủ. Một nhà đàm phán của FARC, ông Rodrigo Granda nhận định “không có chỗ cho người thắng, kẻ thua thông qua đàm phán hòa bình”.

Thỏa thuận lịch sử trên gồm 6 điểm, bao gồm tiến hành một cuộc cải cách nông thôn toàn diện, thu hẹp khoảng cách giữa nông thôn và thành thị, thực hiện công tác xóa đói giảm nghèo, thực thi bình đẳng và đảm bảo đầy đủ quyền lợi của người nông dân; Thỏa thuận về việc quá trình tham gia chính trường và mở cửa dân chủ để xây dựng hòa bình cho các lực lượng chính trị mới của Colombia, bao gồm cả FARC sau khi chấm dứt xung đột; Thỏa thuận ngừng bắn vĩnh viễn, bao gồm cả việc tái hòa nhập các du kích quân vào đời sống dân sự, kinh tế và xã hội Colombia cũng như đảm bảo về an toàn và việc đấu tranh chống các tổ chức tội phạm vũ trang, trong đó có cả các nhóm bán quân sự cực hữu; Quy định các biện pháp cụ thể để giải quyết vấn đề ma túy; Các giải pháp cho vấn đề nạn nhân của cuộc xung đột vũ trang đã kéo dài hơn nửa thế kỷ qua và việc thành lập, vận hành các cơ chế để thông qua, triển khai và giám sát thực hiện thỏa thuận hòa bình, cũng như giải quyết những khác biệt còn tồn tại và có thể nảy sinh giữa hai bên.

Sau khi thỏa thuận được ký kết, các tay súng của FARC bắt đầu rời khỏi căn cứ đóng quân tại vùng rừng núi Colombia và chuyển vào các trại giải trừ quân bị của Liên hợp quốc (LHQ) hiện đang giúp giám sát lệnh ngừng bắn tại quốc gia này.

Một khi thỏa thuận được thông qua, FARC sẽ tham gia giải giáp vũ khí trong 3 giai đoạn. Theo đó, 30% vũ khí sẽ được giao nộp trong 90 ngày, 30% tiếp theo sẽ được giao trong 120 ngày và số còn lại trong vòng 150 ngày.

Chính phủ Colombia cho biết trong vòng 180 ngày, FARC sẽ phải giao nộp tất cả vũ khí cho đại diện của LHQ. Cơ chế 3 bên gồm Chính phủ Colombia, FARC và nhóm các quan sát viên LHQ với các thành viên chủ yếu đến từ khu vực Mỹ Latinh, sẽ có mặt tại 8 khu lán trại và 23 khu vực vành đai chuyển tiếp nhằm thúc đẩy quá trình tái hội nhập xã hội từng bước của các tay súng sau khi giao nộp vũ khí.

Theo một thống kê năm 2013, từ năm 1964, các cuộc xung đột vũ trang tại Colombia đã cướp đi sinh mạng của 260.000 người, khiến 45.000 người mất tích, khoảng 6,6 triệu người đã phải rời bỏ nhà cửa. Nhiều tổ chức quốc tế và nhiều quốc gia đã cam kết giúp đỡ tài chính, kỹ thuật và hậu cần để Colombia tái thiết đất nước khi nền hòa bình được thiết lập.

Khổng Hà
.
.
.