Leo thang cuộc chiến thương mại Mỹ –Trung

Thứ Năm, 12/07/2018, 08:56
Chưa đầy một tuần kể từ khi gói thuế trị giá 34 tỷ USD của Mỹ nhằm vào các mặt hàng Trung Quốc được đưa ra, sáng 11-7 (giờ Việt Nam), Mỹ lại bất ngờ công bố danh sách hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc trị giá đến 200 tỷ USD sẽ bị đánh thuế sớm nhất là trong tháng 9 tới đây, trong một động thái được cho là sẽ làm căng thẳng thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới trở nên gay gắt.


Cuộc chiến chưa có hồi kết

Tại buổi họp báo ngày 10-7, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer đã công bố danh sách hàng nghìn hàng hóa bổ sung trị giá lên tới 200 tỷ USD nhập khẩu từ Trung Quốc có thể phải chịu mức thuế 10%, sau một thời gian "cảnh báo" công khai về động thái này. 

"Trong hơn 1 năm, chính quyền Tổng thống Donald Trump đã kiên nhẫn kêu gọi Trung Quốc ngừng các hoạt động không công bằng, mở cửa thị trường và tham gia vào quá trình cạnh tranh thực sự", ông nói. "Nhưng thay vì giải quyết các lo ngại chính đáng đó của chúng tôi, Trung Quốc bắt đầu trả đũa lên hàng hóa Mỹ", Đại diện Thương mại Mỹ nhận định.

Không chỉ ảnh hưởng đến hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, hàng loạt quốc gia khác cũng sẽ chịu tác động từ các động thái “ăn miếng trả miếng” giữa Mỹ và Trung Quốc. Ảnh: CNN.

Trong danh sách đề xuất áp thuế xuất hiện một số mặt hàng thuộc lĩnh vực trọng tâm trong kế hoạch chiến lược Made in China 2025 của Trung Quốc nhằm biến nước này thành cường quốc công nghiệp toàn cầu.

Theo Sputnik, văn phòng Đại diện Thương mại Mỹ sẽ có buổi điều trần về các sản phẩm bị đánh thuế, sau đó sẽ mất khoảng 2 tháng để hoàn thành danh sách hàng hóa mới. Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ là người đưa ra quyết định cuối cùng về việc đánh thuế số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD này.

Động thái trên được đưa ra ngay sau khi Mỹ tuyên bố áp đặt mức thuế 25% đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc với tổng trị giá 34 tỷ USD vào hôm 6-7 vừa qua. Nếu kế hoạch này được thực thi trong tháng 9 tới, tổng lượng hàng hóa Trung Quốc bị Mỹ áp thuế sẽ tương đương gần một nửa kim ngạch nhập khẩu hàng hóa Trung Quốc vào Mỹ.

Trước động thái này, Bắc Kinh lập tức phản ứng, theo đó chỉ trích động thái của Washington là "hoàn toàn không thể chấp nhận," đồng thời khẳng định Bắc Kinh sẽ có biện pháp đáp trả. CNN dẫn tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc nêu rõ: "Hành động của Mỹ đang làm tổn hại Trung Quốc, tổn hại toàn thế giới và cũng làm tổn hại chính bản thân nước Mỹ".

Tuyên bố nhấn mạnh: "Trung Quốc bị sốc vì hành động của Mỹ. Để bảo vệ lợi ích của nhà nước và của người dân, Chính phủ Trung Quốc sẽ phải có những biện pháp đáp trả cần thiết". Bộ Thương mại Trung Quốc cho rằng cách hành xử của Mỹ là phi lý và Bắc Kinh sẽ tiến hành các bước để kiện Mỹ lên Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO). Tuy nhiên, hiện Trung Quốc vẫn chưa đưa ra thông tin chi tiết về cách thức đáp trả đối với đòn trừng phạt này của Mỹ.

Những hệ lụy khôn lường

CNN đánh giá, danh sách các hạng mục bị áp thuế mà Mỹ và Trung Quốc công bố đều nhằm thẳng vào các lĩnh vực "xương sống" của nền kinh tế còn lại. Bloomberg dự đoán, một khi nổ ra chiến tranh thương mại, tăng trưởng kinh tế của nước này trong ngắn hạn sẽ chịu tác động không hề nhỏ, đem lại nhiều rắc rối cho việc ổn định kinh tế-xã hội. Động thái mới nhất của Mỹ bị nhiều Thượng nghị sỹ nước này đánh giá là "thiếu thận trọng", tác động thẳng tới các hộ gia đình Mỹ, Sputnik đưa tin.

Ở thời kỳ đầu tiên sau khi thuế suất được áp dụng, giới quan sát nhận định, thị trường tài chính thế giới có thể chịu nhiều "rung chấn", thuế tăng khiến giá cả và chi phí của các hoạt động kinh doanh bị bơm phồng, gián tiếp làm ảnh hưởng nhu cầu tiêu dùng.

Về lâu dài, chuyên gia Vines Mottwani thuộc Trung tâm nghiên cứu Con đường Tơ lụa cảnh báo: "Một cuộc chiến thương mại toàn diện có thể làm mất đi 0,25% Tổng sản phẩm nội địa (GDP) của cả hai nền kinh tế trong năm 2018, và tình hình sẽ còn tồi tệ hơn trong năm tới".

Thậm chí, những đòn giáng chí mạng vào kinh tế có thể biến mối quan hệ ngoại giao của Trung Quốc và Mỹ đứng trước nguy cơ đổ vỡ, nếu như cả hai bên không thể tìm được tìm nói chung nhằm đi đến cái kết cho cuộc chiến thương mại này. Trong bối cảnh Tổng thống Trump vẫn không ngừng cáo buộc Trung Quốc giao thương không công bằng và “ăn cắp” tài sản trí tuệ của nước Mỹ, cơ hội về một cái gật đầu trên bàn đàm phán giữa hai ông lớn càng trở nên quá mong manh.

"Các động lực chính trị nội bộ ở cả hai quốc gia hiện nay đều cho thấy sẽ không có bên nào chịu nhường bên nào, và sẽ không bên nào chịu nhượng bộ để xuống thang căng thẳng và nối lại đàm phán", Giáo sư Chính sách thương mại Eswar Prasad thuộc Đại học Cornell nhận xét.

Ông Nick Marro thuộc cơ quan phân tích kinh tế Economist Intelligence Unit nhận định: "Bất kỳ vết lõm nào trong hoạt động xuất khẩu của Trung Quốc cũng sẽ gây ảnh hưởng tới các nước khác trên thế giới".

Điều này chứng tỏ, cuộc đối đầu thương mại giữa hai cường quốc còn có thể gây hại cho cả nền kinh tế toàn cầu. Các nhà phân tích tại Ngân hàng Berenberg ở London (Anh) cho rằng, căng thẳng thương mại do Tổng thống Mỹ Donald Trump tạo ra đang phủ đám mây đen lên triển vọng kinh tế ở châu Âu. Nhiều công ty châu Âu sẽ chịu tổn thất lớn, bởi họ vừa sản xuất lại vừa bán hàng ở hai nền kinh tế lớn nhất thế giới là Mỹ và Trung Quốc.

Không chỉ vậy, các nước như Hàn Quốc, Singapore đều có thể bị ảnh hưởng do sự gián đoạn dây chuyền cung ứng bởi Trung Quốc cung cấp rất nhiều linh kiện, thiết bị để sản xuất sản phẩm ở các nước này. Đối với Việt Nam, một đất nước mà Trung Quốc hiện là đối tác thương mại lớn, cũng là thị trường Việt Nam nhập khẩu nhiều nhất, còn Mỹ lại là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, cuộc chiến thương mại này chắc chắn ít nhiều sẽ gây ảnh hưởng.

"Những cơn gió ngược chiều càng thổi mạnh dần lên, thì mọi chuyện càng khó để tháo gỡ. Dù trong ngắn hạn, các tác động từ việc áp thuế lên hàng hóa là chưa đáng ngại, nhưng hệ quả tích lũy sẽ rất lớn", Bill Reinsch, cố vấn cao cấp Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu quốc tế từng đánh giá.

Trước những diễn biến leo thang trong cuộc chiến thương mại giữa hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc, các nền kinh tế trên thế giới cần sẵn sàng để đương đầu với một "đợt sóng lớn" dự cảm sẽ xảy ra.

An Nhiên
.
.
.