Leo thang căng thẳng Mỹ-Trung Quốc về vấn đề Hong Kong
Hãng tin Reuters ngày 28-5 (giờ Việt Nam) cho biết Mỹ và Trung Quốc đã vừa có cuộc tranh cãi nảy lửa tại Liên hợp quốc (LHQ), sau khi phía Mỹ kêu gọi Hội đồng Bảo an LHQ tiến hành họp bàn về luật an ninh mới mà Bắc Kinh đề ra cho đặc khu Hong Kong. Phái đoàn Mỹ ra thông cáo nhấn mạnh Hong Kong là vấn đề “cần được quan tâm khẩn cấp ở quy mô toàn cầu, có thể ảnh hưởng tới hòa bình và an ninh thế giới”, tức 15 thành viên Hội đồng Bảo an phải lập tức chú ý tới vấn đề này.
Phái đoàn Mỹ khẳng định việc Trung Quốc lên kế hoạch áp luật an ninh quốc gia mới lên Hong Kong đã làm suy yếu mức độ tự chủ cao của đặc khu, vốn được đảm bảo trong Tuyên bố chung giữa Trung Quốc và Anh vào năm 1984. Mỹ lập luận đây là tuyên bố đã được chứng thực bởi LHQ và được xem như một hiệp ước ràng buộc về pháp lý. Do đó, hành động làm suy yếu mức độ tự chủ của Hong Kong phải bị xem là sự vi phạm hiệp ước quốc tế.
Tuy nhiên, phía Trung Quốc kiên quyết phản đối động thái của Mỹ. Đại sứ Trung Quốc tại LHQ Zhang Jun tuyên bố đó là một “yêu cầu vô căn cứ”, đồng thời khẳng định dự luật an ninh cho Hong Kong hoàn toàn là vấn đề nội bộ của Trung Quốc, “không liên quan đến sứ mệnh của Hội đồng Bảo an”.
Đề xuất của phía Mỹ được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng giữa hai nước về vấn đề thương mại chưa kịp hạ nhiệt thì đã leo thang trở lại liên quan đến đại dịch COVID-19. Mỹ nhiều lần bày tỏ nghi ngờ tính minh bạch của Trung Quốc về sự bùng phát của dịch bệnh, vốn được phát hiện đầu tiên tại thành phố Vũ Hán, Trung Quốc cuối năm ngoái, dù Bắc Kinh nhiều bác bỏ các cáo buộc.
Trong thông cáo phát đi cùng ngày, phái đoàn Mỹ tại LHQ xác nhận Trung Quốc phản đối cuộc họp của Hội đồng Bảo an nhưng cho biết họ không bất ngờ trước động thái đó.
Trong diễn biến liên quan trực tiếp, theo Reuters, Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc tức Quốc hội Trung Quốc hôm 28-5 đã chính thức thông qua luật an ninh mới cho Hong Kong với tỷ lệ 2.878 phiếu thuận, một phiếu chống, trong ngày cuối của kỳ họp thường niên. Với tên gọi đầy đủ là “Nghị quyết của Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc về việc xây dựng kiện toàn chế độ pháp luật và cơ chế chấp hành để bảo vệ an ninh quốc gia tại đặc khu hành chính Hong Kong”, văn kiện mới sẽ cấm các hành vi và hoạt động ly khai, lật đổ, khủng bố và can thiệp nước ngoài ở đặc khu.
Luật cũng có thể cho phép các cơ quan an ninh Trung Quốc thiết lập cơ sở trong thành phố. Ủy ban Thường vụ Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc Trung Quốc hiện được ủy quyền soạn thảo điều luật chi tiết. Dự luật có thể ban hành trong vài tuần tới mà không cần thông qua Hội đồng Lập pháp của Hong Kong. Nói về dự luật, quan chức Trung Quốc khẳng định văn kiện trên thực tế sẽ phục vụ lợi ích và hỗ trợ Hong Kong phát triển.
Một góc thành phố Hong Kong, Trung Quốc. Ảnh: Getty Images. |
Trưởng đặc khu Hong Kong Carrie Lam cũng bác bỏ những chỉ trích cho rằng dự luật sẽ gây hậu quả tiêu cực đối với nền kinh tế của thành phố và trấn an người dân rằng dự luật không vi phạm quyền và tự do của họ, mà chỉ nhằm vào nhóm nhỏ những kẻ mang tư tưởng cực đoan.
Dẫu vậy, ngay trước các động thái nói trên, trong một tuyên bố phát đi hôm 27-5, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kết luận Hong Kong đã không còn giữ được mức độ tự chủ cao trước đại lục, do đó không còn đủ tiêu chuẩn để được hưởng các ưu đãi đặc biệt từ Mỹ. Điều này có thể là đòn giáng nặng nề lên vị thế của đặc khu bấy lâu nay là trung tâm tài chính của thế giới. Phía Mỹ dường như cũng đang chuẩn bị cho các hành động cứng rắn mới nhằm vào Bắc Kinh.
Reuters mô tả đó có thể là việc tiếp tục áp thuế hay gia tăng hạn chế với công ty Trung Quốc. Tổng thống Donald Trump trước đó cũng cảnh báo Mỹ sẽ có hành động với Trung Quốc trong tuần này vì dự luật Hong Kong. Giới chuyên gia nhận định, nếu các biện pháp trừng phạt chống Trung Quốc mới được áp đặt do vấn đề Hong Kong thì đây sẽ là bước lùi tiếp theo trong quan hệ giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Trung Quốc bế mạc Kỳ họp thứ ba Quốc hội khóa XIII Chiều 28-5, tại Đại lễ đường Nhân dân ở Thủ đô Bắc Kinh, Trung Quốc, Kỳ họp thứ ba Đại hội Đại biểu Nhân dân toàn quốc tức Quốc hội Trung Quốc khóa XIII đã bế mạc sau một tuần làm việc. Tham dự có Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình cùng nhiều lãnh đạo cao cấp khác và gần 3.000 đại biểu Quốc hội Trung Quốc. Phát biểu tại phiên bế mạc, Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Lật Chiến Thư đánh giá cao tinh thần làm việc của các đại biểu. Theo Tân Hoa Xã, bên cạnh luật về Hong Kong, các đại biểu Quốc hội Trung Quốc cũng đã biểu quyết thông qua nhiều văn kiện quan trọng, ảnh hưởng lớn đến đời sống kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh, quốc phòng, ngoại giao của Trung Quốc trong giai đoạn tới. Thái Hà |