Lệnh ngừng bắn mong manh khó giữ yên “chảo lửa” Gaza
Trong một thông báo được đưa ra rạng sáng 14-11, các nhóm vũ trang người Palestine, bao gồm Phong trào Hồi giáo Hamas, hiện đang duy trì vai trò kiểm soát chính tại Dải Gaza, tuyên bố đạt được một lệnh ngừng bắn với Israel dưới sự trung gian hòa giải của Ai Cập. Một thông cáo chung cùng ngày, của Hamas và các nhóm vũ trang khác người Palestine cũng đề cao những nỗ lực của Ai Cập trong việc giúp họ tìm được một lệnh ngừng bắn với Israel.
“Những nỗ lực không mệt mỏi của Ai Cập đã giúp đi đến một lệnh ngừng bắn. Chúng tôi sẽ thực hiện các cam kết (trong khuôn khổ lệnh ngừng bắn) chừng nào phía Israel còn tôn trọng nó”, người phát ngôn Hamas, ông Fawzi Barhoum nhấn mạnh.
Tuy nhiên, ông Fawzi Barhoum cũng khẳng định các lực lượng này sẽ không từ bỏ “cuộc đấu tranh” mà họ đang tiến hành nhằm chấm dứt hoàn toàn “sự chiếm đóng” của Israel.
Tuyên bố được đưa ra trong bối cảnh đợt giao tranh ác liệt nhất kể từ năm 2014 bùng phát dữ dội hồi đầu tuần đang thực sự đe dọa sự ổn định của khu vực và có nguy cơ đẩy hai bên vào một cuộc xung đột vũ trang quy mô lớn lần thứ tư trong vòng 10 năm ở Dải Gaza.
Theo tờ Al Jazeera, ngay sau khi thông tin về lệnh ngừng bắn được công bố, tình hình ở Dải Gaza có vẻ đã lắng dịu hơn. Các trường học, vốn phải đóng cửa và sơ tán từ ngày 12-11, được mở lại vào chiều 14-11. Hàng nghìn người dân trên Dải Gaza đã xuống đường ăn mừng điều mà họ cho là “chiến thắng của Palestine trước Israel”.
Người dân ở Dải Gaza đứng nhìn một khu vực bị phá hủy sau đòn không kích của Israel. Ảnh: The National. |
Trong khi đó, như thường lệ, ở phía Israel, chính quyền Tel Aviv chưa đưa ra bất cứ thông tin nào xác nhận hay phủ định việc đạt được lệnh ngừng bắn nói trên với Hamas. Ở Liên Hợp Quốc, Đại sứ Israel Danny Danon tuyên bố nước này sẽ tiếp tục các cuộc tấn công vào Dải Gaza ngay khi cần thiết. “Chúng tôi làm tất cả để bảo vệ người dân”, ông Danon nói.
BBC cho biết, nguyên nhân châm ngòi cho đợt bạo lực vừa rồi ở Dải Gaza, theo tuyên bố của Hamas, là vì một nhóm đặc nhiệm quân đội Israel đã xâm nhập vùng lãnh thổ này, sâu 3km từ biên giới Israel ngày 11-11 rồi nổ súng sát hại ông Nur Barakeh, một thủ lĩnh nhánh của Hamas. Đụng độ lập tức đã xảy ra giữa các tay súng Hamas và nhóm người đặc nhiệm trên, khiến Israel phải điều máy bay chiến đấu tới không kích yểm trợ. Hamas sau đó tức giận phóng rocket về vùng lãnh thổ phía Nam của Israel.
Một quan chức Israel tuyên bố, chỉ tính riêng trong ngày 12 và 13-11, khoảng 400 quả tên lửa, rocket các loại đã được nã về phía Israel – đợt tấn công được cho là có quy mô lớn nhất 4 năm qua. Lực lượng phòng không Israel đã đánh chặn được khoảng 80 quả rocket và kịp thời thông báo cho người dân trú ẩn, nhưng vẫn có một người thiệt mạng và hàng chục người phải nhập viện vì trúng mảnh văng.
Với lí do đáp trả vụ tấn công trên, Israel đã tiến hành hàng chục cuộc không kích nhằm vào các tòa nhà trải dài khắp Dải Gaza, bao gồm tổ hợp văn phòng được cho là cơ quan tình báo của Hamas và trụ sở đài truyền hình địa phương Al-Aqsa khiến ít nhất 13 người thiệt mạng, 30 người khác bị thương nặng.
Các nguồn tin Palestine cho biết nhân viên tại các tòa nhà bị không kích đã không hề được thông báo trước nên số người thiệt mạng có khả năng chưa được thống kê hết do thi thể các nạn nhân vẫn mắc kẹt dưới đống đổ nát.
Giới quan sát đánh giá các vụ giao tranh vừa xảy ra đã phần nào làm suy yếu các nỗ lực được tiến hành từ nhiều tháng nay của Liên Hợp Quốc và Ai Cập nhằm đạt được một lệnh ngừng bắn bền vững giữa Israel và Hamas, đồng thời cho thấy bất đồng giữa hai phe và “xu hướng tìm đến bạo lực” rất khó được kiểm soát nếu các xung đột lợi ích mang tính lịch sử không được giải quyết.
Trong ngày 13-11, Ai Cập, bên đóng vai trò quan trọng trong tiến trình giải quyết cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza, thừa nhận lệnh ngừng bắn vừa đạt được là mong manh, đồng thời kêu gọi gọi Israel chấm dứt ngay lập tức mọi hành động quân sự cũng như tôn trọng lệnh ngừng bắn với Hamas. Mặc dù vậy, nhiều hãng tin quốc tế vẫn đánh giá nỗ lực của Ai Cập đang là một “điểm xanh” hiếm hoi trong bức tranh xung đột “nóng rẫy” ở Trung Đông, khi mà các nỗ lực của Liên Hợp Quốc chưa mang lại kết quả như mong đợi.
Trong cuộc họp khẩn kéo dài gần 1h đồng hồ diễn ra hôm 13-11 theo lời đề nghị của Kuwait, nước đại diện cho các quốc gia Arab và Bolivia, 15 thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc đã chưa thể đạt được thỏa thuận nào về cách thức giải quyết cuộc khủng hoảng ở Dải Gaza. Đại sứ Palestine Riyad Mansour sau đó chỉ trích Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc “bị phân cực” và “thất bại” trong việc gánh vác trách nhiệm đưa ra hành động để chấm dứt bạo lực tại Gaza.
Theo Đại sứ Kuwait Mansour al-Otaibi, dù không thông qua tuyên bố chung nào, song đa số các thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc cũng thừa nhận cơ quan này cần phải hành động trước tình hình bạo lực leo thang và có thể là thực hiện chuyến thăm đến khu vực.
Trước đó, trong các nỗ lực riêng rẽ, Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Antonio Guterrez, Liên đoàn Arab, Nga cùng một số nước cũng đã lên tiếng kêu gọi tất cả các bên thực hiện hành động kiềm chế tối đa. Các nước cho rằng hai bên không nên lãng phí thời gian vào các cuộc giao tranh, vốn không mang đến kết quả gì, và phải lập tức quay trở lại lệnh ngừng bắn bền vững, thể hiện sự kiềm chế, thực hiện các biện pháp nhằm tránh tái diễn tình trạng đối đầu với những hậu quả khó lường.