Kiểm soát súng đạn ở Mỹ – bài toán chưa có lời giải

Thứ Năm, 16/06/2016, 09:00
Sau cuộc gặp với các thành viên của Hội đồng an ninh quốc gia hôm 14-6, Tổng thống Mỹ Barack Obama một lần nữa đã yêu cầu Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát khôi phục lệnh cấm những vũ khí tấn công.


Theo lập luận của người đứng đầu Nhà Trắng, đây là giải pháp duy nhất có thể giúp giảm thiểu, ngăn chặn những vụ xả súng đẫm máu như vụ diễn ra tại hộp đêm dành cho người đồng tính ở thành phố Orlando, bang Florida cách đây vài ngày.

Phát biểu trước báo giới sau cuộc gặp với thành viên Hội đồng an ninh quốc gia, Tổng thống Mỹ Barack Obama cho rằng, việc để chuyện mua bán và sử dụng vũ khí tràn lan chính là một phần dẫn đến các vụ xả súng kinh hoàng như vụ ở Orlando hôm 12-6. 

Dù Omar Mateen, hung thủ vụ án có tinh thần không ổn định, cực đoan nhưng theo ông Barack Obama, hắn cũng không thể giết chết tới 49 người được nếu không mua được súng một cách dễ dàng và mang chúng theo người mà không bị kiểm soát.

Đồng thời, ông chủ Nhà Trắng cũng cảnh báo rằng, nếu không có những lệnh cấm mới, những vụ việc tương tự có thể tái diễn trong thời gian tới. Vì thế, với tư cách là người đứng đầu chính quyền Washington, Tổng thống Mỹ đã yêu cầu Quốc hội do đảng Cộng hòa kiểm soát khôi phục lệnh cấm những vũ khí tấn công. Lệnh cấm bán các loại súng bán tự động cho người dân Mỹ được thực thi từ năm 1994 và đến năm 2004 thì hết hiệu lực do Quốc hội Mỹ từ chối gia hạn.

Các tập đoàn vũ khí của Mỹ mỗi năm kiếm được khoản tiền khổng lồ nhờ kinh doanh súng đạn. Ảnh: Reuters.

Ông Barack Obama còn lập luận rằng, lệnh cấm này chính là hành động thiết thực nhất của nước Mỹ trong cuộc chiến chống khủng bố thay vì hô hào mạnh tay với chủ nghĩa khủng bố. Nguồn tin từ hãng CBS thì cho hay, từ hôm 14-6, ông Barack Obama cũng đã chỉ thị cho một nhóm người chuyên vận động hành lang giúp ông thuyết phục các nhà lập pháp thuộc đảng Cộng hòa về vấn đề này. Hiện tại, Tổng thống Mỹ đang nhận được sự ủng hộ rất nhiều từ các nghị sĩ của đảng Dân chủ.

Hôm 13-6, Thượng nghị sĩ Chuck Schumer, nhân vật có uy tín thứ 2 trong đảng Dân chủ cũng tuyên bố rằng, Quốc hội Mỹ cần nhanh chóng thông qua luật kiểm soát súng đạn nhằm ngăn chặn những người “đang nằm trong danh sách bị theo dõi có liên quan đến khủng bố” hoặc những đối tượng bị nghi là khủng bố mua súng và đạn. Đáp lại, Thượng nghị sĩ thuộc đảng Cộng hòa Mitch McConnell, người đứng đầu phe đa số tại Thượng viện cho biết "không ai muốn những tên khủng bố sở hữu súng" và bày tỏ sẵn sàng tiếp nhận các đề xuất của giới chuyên gia về các biện pháp giải quyết vấn đề này.

Trên thực tế, chuyện mất kiểm soát súng đạn từng khiến người đứng đầu Nhà Trắng không ít lần rơi nước mắt. Hồi tháng 1, ông Barack Obama từng quyết định sử dụng quyền hành pháp của Tổng thống mà không thông qua Quốc hội, đưa ra một loạt các quy định về kiểm soát súng đạn.

Một số điểm chính trong quy định mới gồm: kiểm tra bắt buộc nhân thân người mua súng, tăng cường hệ thống kiểm tra lý lịch người mua súng, tất cả những người bán súng đều phải có giấy phép, mở rộng việc điều trị tâm lý, thông báo công khai các trường hợp mắc bệnh tâm thần, cải thiện luật kiểm soát súng đạn, nghiên cứu các công nghệ đảm bảo an toàn khi sử dụng súng, ngăn chặn các hành vi bạo lực trong nước. Cục Quản lý rượu, thuốc lá, súng và chất nổ Mỹ (ATF) là cơ quan thực hiện các biện pháp này. Cũng từ đó đến nay, mọi đề xuất khác của Tổng thống lên Quốc hội xung quanh vấn đề kiểm soát súng đạn luôn bị bác bỏ.

Một số nhà phân tích thì nhận định rằng, kế hoạch thực hiện các biện pháp kiểm soát súng đạn mới của Tổng thống Barack Obama không phải là một sự thay đổi lớn mà chỉ đơn thuần là “những chỉ dẫn rõ ràng hơn” cho những gì mà luật pháp Mỹ liên quan đến kiểm soát súng đạn đã quy định, do đó, “bước đi cụ thể này là khá khiêm tốn”.

Bên cạnh đó, thời điểm ông Barack Obama đưa ra thông báo này là khi ông đã ở năm cuối của nhiệm kỳ, nên nó chỉ mang màu sắc chính trị hơn là hướng tới một chính sách tác động thực sự đến đời sống xã hội. Một nguyên nhân khác cũng không kém phần quan trọng mà theo giới phân tích là khiến cho việc cấm dùng súng ở Mỹ khó thực hiện trong thời điểm hiện tại và tương lai gần chính là văn hóa súng đạn đã ăn sâu trong tiềm thức mỗi người dân Mỹ.

Từ khi lập quốc, mở rộng lãnh thổ về miền Tây hay tăng cường ảnh hưởng ra toàn cầu, bên cạnh người Mỹ luôn là súng. Súng trở thành vật bất ly thân của nhiều người Mỹ mỗi khi có “việc cần giải quyết bởi họ cho đây là một trong những quyền tự do cơ bản của mình”. 

Thêm vào đó, các tập đoàn vũ khí mỗi năm kiếm lợi nhuận khổng lồ từ việc kinh doanh súng đạn, thực sự là những thế lực mạnh, có ảnh hưởng lớn tới các lá phiếu của nghị sĩ, ngăn chặn Quốc hội thông qua mọi dự luật hạn chế sử dụng súng.

Bản thân ứng cử viên Tổng thống của đảng Cộng hòa, tỷ phú Donald Trump cũng là một trong những người theo đuổi quan điểm cho rằng, việc thắt chặt kiểm soát súng đạn là không cần thiết bởi việc sở hữu súng sẽ giúp người dân có thể tự bảo vệ mình một cách chủ động hơn.

Được biết, Mỹ là quốc gia có tỷ lệ sở hữu và sử dụng súng đạn lớn nhất thế giới. Các kết quả điều tra ban đầu của cảnh sát trong vụ xả súng ở Orlando cho thấy, hung khí chính được Omar Mateen sử dụng là một khẩu AR-15, loại súng trường bán tự động rất quen thuộc trong hồ sơ các vụ xả súng ở nước này. Chỉ cần 1 lần lên đạn, AR-15 có thể bắn 30 viên đạn trong 15 giây. Từ năm 2012 đến nay, loại súng này đã được sử dụng ít nhất trong 5 vụ thảm sát. Một điểm đáng lưu ý là AR-15 có giá thành rẻ, thủ tục mua lại rất đơn giản, đặc biệt là tại các bang như Florida.

Gia Nam
.
.
.