Kịch bản hoá giải nào cho cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Thứ Năm, 13/09/2018, 11:42
Căng thẳng thương mại Mỹ-Trung sẽ diễn biến ra sao và liệu nó có kết thúc sớm? Đó là những băn khoăn của các chuyên gia khi tham dự phiên thảo luận “Xung đột thương mại: Vượt qua căng thẳng địa -kinh tế” diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị Diễn đàn Kinh tế thế giới về ASEAN (WEF ASEAN) tại Hà Nội.


Theo Bộ trưởng Công nghiệp - Thương mại quốc tế Malaysia Ignatius Darell Leiking, cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung này đem lại cơ hội cho các nền kinh tế nhìn lại chính mình. Câu hỏi được đặt ra là lịch sử có lặp lại như trong những năm 70 - 80 của thế kỷ trước khi Mỹ và Nhật Bản đã có sự đối đầu thương mại tương đối mạnh mẽ nhưng hiện nay đã trở thành đối tác? 

Ông Yasuo Tanabe, Phó chủ tịch Hitachi - người từng là Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Nhật Bản và tham gia quá trình đàm phán giữa 2 nước cho rằng những gì diễn ra giữa Nhật và Mỹ thập niên 70 - 80 của thế kỷ trước khá giống với những gì đang diễn ra hiện nay giữa Trung Quốc và Mỹ. Và sau đó, thế giới đã có bài học bằng cách thiết lập cơ chế WTO, một cơ chế thương mại quốc tế đa phương dựa trên luật lệ. Vậy kinh nghiệm từ lịch sử cho thấy cần phải chống lại xu hướng hành động đơn phương của một số quốc gia.

Mỹ đang áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc.

Hiện nay, Mỹ đang áp thuế 25% đối với 50 tỷ USD hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc. Bắc Kinh cũng đã có động thái đáp trả tương xứng đối với Washington… Rõ ràng, hai bên đang có những hành động “ăn miếng trả miếng”. 

Nazir Zarak, Chủ tịch ngân hàng CIMB Group Holdings Bhd, cho biết ông lo ngại về nền kinh tế toàn cầu trong bối cảnh Mỹ có những động thái tiêu cực đối với sự nổi lên của Trung Quốc. Bởi lẽ, mặc dù cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể thúc đẩy đầu tư nước ngoài vào các nước khác, nhất là khu vực ASEAN nhưng về lâu dài, không ai có thể thực sự lạc quan về  cuộc chiến này. 

Thị trường chứng khoán cũng bị ảnh hưởng bởi cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung

Nhà kinh tế về châu Á Thái Bình Dương tại hãng nghiên cứu IHS Markit Rajiv Biswas nhận định, bất kỳ động thái nào dẫn đến sự gia tăng về rào cản thương mại đều không tốt. Mối đe dọa từ cuộc xung đột thương mại cung tác động tới triển vọng phát triển của các nền kinh tế phụ thuộc vào xuất khẩu như Singapore và Malaysia…

Song “Cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung có thể tạo ra phản ứng ngược, khiến Trung Quốc tăng tốc nỗ lực nguồn cung để ngày càng độc lập trong lĩnh vực sản phẩm công nghệ cao. Và chắc chắn, cuộc chiến này càng khuyến khích Trung Quốc tạo ra nhiều hơn ảnh hưởng chính trị và kinh tế”, ông Eric Fishwick, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu kinh tế tại Tập đoàn môi giới và đầu tư CLSA từng nhận định với hãng CNBC như vậy. 

Ông Eric Fishwick còn chỉ ra rằng, Sáng kiến Vành đai và Con đường, một chương trình hạ tầng và đầu tư được xem như là nỗ lực xây dựng một khu vực kinh tế đa quốc gia và tạo dựng ảnh hưởng chính trị mà Bắc Kinh làm trung tâm và Mỹ không thoải mái với việc này. “Tôi không cho rằng, các bên sẽ sẵn sàng nhượng bộ bởi cuộc chiến này là vấn đề chính trị hơn là thương mại đơn thuần", ông Eric Fishwick nói. 

Đồng quan điểm này, trong một bài viết mới công bố trên Financial Times, cây bút bình luận Gideon Rachman đã tìm cách lí giải con đường dẫn đến cuộc chiến thương mại nóng bỏng như hiện nay giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới, đồng thời khẳng định, vì các lý do chính trị, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đều cảm thấy khó thoái lui khỏi cuộc chiến tranh thương mại đang tiếp diễn giữa hai nước.

Vậy kịch bản nào là tốt nhất giúp hoá giải những mâu thuẫn hiện nay? Theo ông Victor Chu, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành của Tập đoàn đầu tư First Eastern, là dưới sức ép của Washington, chính quyền Bắc Kinh sẽ phải tăng tốc cải cách kinh tế. Các nước khác trên toàn thế giới cũng sẽ phải làm điều tương tự và điều này mang lại lợi ích rất lớn. Đặc biệt là khu vực châu Á-Thái Bình Dương, các quốc gia phải xây dựng được long tin cũng như thiết lập cơ chế rộng mở và thống nhất cấp cao để đảm bảo lợi ích chung.

"Nếu tất cả các nước láng giềng đều cùng phát triển và hỗ trợ lẫn nhau, cùng trao đổi những cách phát triển đất nước một cách công bằng thì chúng ta sẽ ổn", Bộ trưởng Thương mại và Công nghiệp quốc tế Malaysia Ignatius Darell Leiking nhấn mạnh.


H.Chi-L.Đan
.
.
.