Không thể thiếu Nga trong quá trình hình thành trật tự thế giới mới

Thứ Ba, 24/11/2015, 07:57
Đó là nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Thượng viện Italy, ông Pier Ferdinando Casini đưa ra trong cuộc phỏng vấn với Nhật báo Il Mattino hôm 23/11. 

Ông Casini chỉ ra rằng, sự hợp tác giữa phương Tây và Nga trong cuộc chiến chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng phản ánh sự phi lý của những biện pháp trừng phạt nhằm vào Moskva.

Thượng nghị sĩ Casini nhấn mạnh: “Mâu thuẫn này phải được giải quyết và tôi hi vọng rằng, các cam kết của (Tổng thống Nga Vladimir) Putin trong cuộc chiến chống IS sẽ mở ra cánh cửa cho việc giải quyết các tranh chấp tại Ukraine”.

Cho rằng không thể hình thành một trật tự thế giới mới nếu không có Nga, ông Casini nói: “Quan điểm bấy lâu nay của Italy là không thể cho phép giữa chúng ta hình thành một cuộc Chiến tranh lạnh mới. Chúng tôi là những người đầu tiên nhận ra rằng, việc thiếu Nga sẽ không thể đạt được một trật tự thế giới mới và tôi tin rằng, cuối cùng, Nhà Trắng cũng đã hiểu ra điều này”.

Có cùng quan điểm với ông Casini, Tổng thống Pháp Francois Hollande tuyên bố, liên minh quốc tế rộng lớn với sự tham gia của Nga và Hoa Kỳ sẽ giúp giáng đòn tấn công quyết định vào IS. Phát biểu hôm 19/11, Tổng thống Hollande cho biết ông sẽ tới Washington và Moskva để thảo luận với hai người đồng cấp Mỹ và Nga về “phối hợp nỗ lực của chúng tôi, làm việc cùng nhau để đạt được mục tiêu chung là chiến thắng IS trong thời gian ngắn nhất. Chúng ta cần hình thành một liên minh rộng rãi, có thể giáng đòn quyết định”.

Cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đã kêu gọi thành lập một liên minh quốc tế để cùng nhau chống lại IS. “Chúng ta cần phải có một hành động cụ thể đối với tình hình ở Syria”, ông nói. “Không thể có hai liên minh riêng rẽ ở Syria, liên minh của chúng ta cần có Nga. Chúng ta cần hợp sức để tiêu diệt tận gốc IS”.

Trước đó, hôm 18/11, trao đổi với các phóng viên sau cuộc gặp mặt với Chủ tịch Thượng viện Pháp Gerard Larcher, bà Valentina Matviyenko, Chủ tịch Hội đồng Liên bang Nga cho biết, Chủ tịch Larcher và các nghị sĩ của nước này đang phản đối mạnh mẽ lệnh trừng phạt chống lại Nga. Bà Matviyenko nói: “Ông Larcher ủng hộ việc gỡ bỏ lệnh trừng phạt kinh tế chống lại Nga. Ông cũng kịch liệt phản đối các biện pháp trừng phạt và hạn chế đối với nhiều nghị sĩ Nga và công việc của họ”.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (trái) và người đồng cấp Mỹ Barack Obama trong một lần gặp gỡ mới đây.   Ảnh: Sputnik.

 Trong khi đó, cựu Thủ tướng Pháp Francois Fillon cũng đã lên tiếng kêu gọi Tổng thống Pháp Francois Hollande hủy bỏ tất cả các biện pháp trừng phạt chống lại Nga, giúp 2 quốc gia có thể đoàn kết trong cuộc chiến đấu chung chống lại chủ nghĩa khủng bố. Ông nói rằng, việc bắt đầu hợp tác giữa 2 quốc gia sẽ “mở đường cho một liên minh chống khủng bố lớn hơn và mạnh mẽ hơn”.

Tuy nhiên, bất chấp những lời kêu gọi hợp tác chặt chẽ hơn nữa với Tổng thống Putin trong cuộc chiến chống IS, phương Tây hôm 21/11 đã quyết định gia hạn lệnh trừng phạt chống lại Nga thêm 6 tháng và sẽ kéo dài tới tháng 7/2016, để duy trì sức ép đối với Moskva, nhất trong bối cảnh miền Đông Ukraine sắp tự đứng ra tổ chức các cuộc bầu cử. Hãng Reuters dẫn lời phát biểu của Thủ tướng Anh David Cameron: “Các cuộc bầu cử ở Ukraine luôn diễn ra một cách khó khăn, phức tạp.

Chúng ta chỉ có thể đạt được những gì chúng ta muốn nếu nắm chắc “lá bài” trừng phạt. Các lệnh trừng phạt về tài chính cần phải được duy trì cho đến khi tình hình căng thẳng ở Ukraine dịu đi”. Trước đó, thông tin về khả năng mở rộng trừng phạt đối với Nga đã xuất hiện trên các phương tiện truyền thông phương Tây. Tờ The Wall Street Journal (WSJ) đăng tải một bài báo ám chỉ rằng, những dấu hiệu của sự thay đổi hướng đi của các nước châu Âu về xử phạt chống Nga đã rõ ràng. WSJ dẫn lời một quan chức EU cho biết: “Hiện, có một sự thống nhất rằng các biện pháp trừng phạt cần được mở rộng”.

Cũng theo WSJ, các nước phương Tây đang xem xét ba lựa chọn cho việc tiếp tục chính sách trừng phạt. Trong đó biện pháp hạn chế có thể được gia hạn sáu tháng, một năm, hay chỉ là ba hoặc bốn tháng. Các quyết định chính thức về việc gia hạn lệnh trừng phạt của EU có thể sẽ được thông qua tại Hội nghị thượng đỉnh EU vào ngày 18/12.

Trong khi đó, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Victoria Nuland nhấn mạnh, lệnh trừng phạt chống lại Moskva nên được mở rộng, và rằng Washington tiếp tục hỗ trợ Kiev. Về phía Nga, phát biểu hôm 19/11, Thủ tướng Dmitry Medvedev tuyên bố Moskva không yêu cầu phương Tây dỡ bỏ lệnh trừng phạt và sẽ không yêu cầu, kể cả trong bối cảnh tái cơ cấu nợ của Kiev.

Thủ tướng Mevedev nói: “Họ sẽ làm gì, tôi không biết, chúng tôi không đề nghị gì với họ cả, và, tất nhiên sẽ không đề nghị, chuyện này không có ý nghĩa gì cả. Chúng tôi tiến hành đàm phán với Ukraine chỉ vì một lý do đơn giản, bởi vì Ukraine là quốc gia láng giềng của chúng tôi, cho dù quan hệ chính trị bây giờ đang như thế nào đi nữa, nhân dân tại đó là những người gần gũi của chúng tôi”.

Khổng Hà
.
.
.