“Khoảnh khắc Alaska” mang lại hi vọng cho quan hệ Mỹ - Trung?
Tuy nhiên, việc hai bên chịu ngồi lại với nhau cho thấy chính phủ hai nước muốn nối lại đối thoại sau khi gánh chịu những thiệt hại to lớn dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump trong suốt 4 năm qua. Hay nói cách khác, cuộc gặp “2+2” lần này có thể được coi là bước đi đầu tiên để Washington và Bắc Kinh thiết lập lại mối quan hệ.
Đây là cuộc đối thoại trực tiếp đầu tiên giữa các quan chức cấp cao hai bên kể từ khi Mỹ có chính quyền mới do Tổng thống Joe Biden dẫn dắt. Tham dự đối thoại, về phía Mỹ có Ngoại trưởng Antony Blinken và Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan, về phía Trung Quốc có Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Dương Khiết Trì và Ủy viên Quốc vụ, Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị. Hai bên đã có màn “đấu khẩu” gay gắt ngay sau phát biểu khai mạc.
Lãnh đạo hai nước Mỹ, Trung Quốc tại cuộc đối thoại cấp cao về an ninh và đối ngoại Mỹ-Trung Quốc ở Alaska, Mỹ ngày 18/3. |
Ngoại trưởng Antony Blinken nhấn mạnh rằng chính quyền của Tổng thống Joe Biden có các quan ngại sâu sắc đối với các hành động của Trung Quốc ở Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan cũng như các cuộc tấn công mạng nhắm vào Mỹ và cưỡng ép kinh tế đối với các đồng minh của Mỹ. Nhà ngoại giao Mỹ cũng cảnh báo rằng các hành động trên “đe dọa trật tự dựa trên luật lệ duy trì ổn định toàn cầu” đồng thời bác bỏ các cáo buộc của Bắc Kinh rằng Washington đang can thiệp công việc nội bộ của nước này.
Trong khi đó, Cố vấn An ninh Quốc gia Jake Sullivan nhấn mạnh, Mỹ không muốn mâu thuẫn với Trung Quốc nhưng sẽ bảo vệ những nguyên tắc và bạn bè của mình. Đáp lại, Trung Quốc cũng tỏ ra mạnh mẽ và quyết liệt trong phản ứng của mình. Ông Dương Khiết Trì bác bỏ các vấn đề mà Ngoại trưởng Mỹ nêu ra liên quan tới Tân Cương, Hong Kong và Đài Loan vì các khu vực này đều thuộc Trung Quốc đồng thời phản đối Mỹ can thiệp vào công việc nội bộ của nước này. Ông Dương Khiết Trì cũng kêu gọi từ bỏ tâm lý chiến tranh lạnh và nhấn mạnh Trung Quốc hy vọng quan hệ Mỹ-Trung sẽ không có đối đầu, xung đột và hai bên sẽ cùng tôn trọng và hợp tác cùng có lợi.
Chưa hết, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc cáo buộc Mỹ sử dụng sức mạnh quân sự và sự vượt trội về tài chính nhằm gây sức ép đối với các nước khác đồng thời lạm dụng vấn đề an ninh quốc gia để đe dọa tương lai thương mại quốc tế.
Những diễn biến này không nằm ngoài dự đoán của giới chuyên gia. Trước thềm cuộc gặp, cả Mỹ và Trung Quốc đều không đặt nhiều kỳ vọng vào kết quả đạt được. Thậm chí, theo lời một số quan chức cấp cao Mỹ, hai bên có thể không ra tuyên bố chung hoặc thông báo lớn nào sau cuộc gặp. Bắc Kinh cũng khẳng định không trông đợi có thể giải quyết mọi vấn đề với Washington chỉ trong một lần đối thoại tại cuộc gặp cấp cao trực tiếp đầu tiên giữa hai bên này, do vậy cũng không quá kỳ vọng hay ảo tưởng.
Hiện quan hệ Trung-Mỹ đang đối mặt với những khó khăn lớn không chỉ do chủ nghĩa dân túy chính thống, tư tưởng về tính ưu việt của người da trắng và các phong trào chống toàn cầu hóa đang thịnh hành ở Mỹ. Ngoài ra, do dịch COVID-19 hoành hành, sự nghi ngờ và lo ngại đối với Trung Quốc ngày càng ăn sâu vào nước Mỹ. Chính quyền Tổng thống Joe Biden phải đối phó với một loạt thách thức nghiêm trọng, từ cuộc khủng hoảng COVID-19 đến bảo vệ môi trường và phục hồi kinh tế.
Chính quyền ông Joe Biden không có nhiều khả năng để điều chỉnh hoàn toàn các chính sách của Mỹ đối với Trung Quốc. Xét cho cùng, chính nền chính trị trong nước ở Mỹ đã tạo ra tác động tiêu cực chưa từng có đối với quan hệ Trung-Mỹ. Tuy nhiên, cần nhớ rằng mối quan hệ Trung-Mỹ quan trọng không chỉ vì hai nước là nền kinh tế lớn nhất và lớn thứ hai trên thế giới. Hợp tác ổn định giữa hai nước có thể giúp đảm bảo hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên thế giới trong thế kỷ XXI.
Phép thử lớn đối với cả hai quốc gia lúc này là làm thế nào để bỏ lại sự đối kháng chính trị và các phong trào cực hữu chống Trung Quốc sau lưng. Mặc dù các chính sách của Tổng thống Joe Biden đối với Trung Quốc khó có thể vượt ra khỏi phạm vi chính trị trong nước của Mỹ, nhưng không nên bỏ qua việc can dự với Trung Quốc vì các cuộc đấu tranh chính trị nội bộ ở Mỹ.
Cuộc gặp lần này có thể được coi là bước đầu tiên để thiết lập lại quan hệ giữa hai nước. Để phục hồi và phát triển quan hệ hai nước, trước hết, hai bên cần nối lại các cuộc đối thoại, đặc biệt là những cuộc đối thoại cấp cao. Tiếp đó, Mỹ và Trung Quốc cũng cần khởi động lại các cuộc đối thoại cấp chuyên viên về các vấn đề gây tranh cãi trong lĩnh vực thương mại, khoa học và công nghệ. Cần có những phản ứng thực tế đối với những mối lo ngại của nhau. Thứ ba, liên quan đến vấn đề Đài Loan, Washington nên kiên định chính sách một Trung Quốc và tôn trọng lợi ích cốt lõi của Trung Quốc.
Việc ông Jake Sullivan tham gia cuộc họp cho thấy các cuộc đàm phán không chỉ là về ngoại giao, mà còn liên quan đến vấn đề an ninh. Đây hiện là chủ đề nhạy cảm nhất liên quan đến quan hệ Trung-Mỹ. Cuộc gặp cũng là cơ hội để hai bên rút ra những bài học kinh nghiệm trong quá khứ, giảm bớt những sai lầm và tổn thất vì lý do tình cảm. Sẽ có nhiều cơ hội để tìm ra một giải pháp thực dụng có thể thực sự ổn định quan hệ Trung-Mỹ trong nhiệm kỳ tổng thống của ông Biden. Những nỗ lực để đạt được mục tiêu như vậy thể hiện ý chí và niềm tin của chính phủ hai nước nhằm đưa quan hệ của họ trở lại khuôn khổ mang tính xây dựng.
Việc lựa chọn địa điểm tổ chức cuộc họp phản ánh khả năng phục hồi chính trị của quan hệ song phương. Alaska nằm ở giữa Trung Quốc và Mỹ, đó cũng sẽ là bang đầu tiên của Mỹ tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho tất cả công dân từ 18 tuổi trở lên. Từ góc độ an ninh, đây là một địa điểm tốt để tổ chức cuộc họp cấp cao. Vậy mới nói, cuộc họp lần này rất được mong đợi.
Hy vọng quan hệ Trung-Mỹ có thể tan băng trong “khoảnh khắc Alaska” này. Và, mặc dù có thể thấy, quan hệ giữa Trung Quốc-Mỹ vẫn sẽ còn nhiều bất đồng và căng thẳng sau cuộc gặp cấp cao này, nhưng chỉ cần cánh cửa đối thoại giữa hai bên còn mở thì Trung Quốc sẽ không từ bỏ cơ hội bắt tay hợp tác với Mỹ.