Chính trường Italia rúng động bởi đơn từ chức của Thủ tướng

Thứ Tư, 07/12/2016, 07:52
Chính trường Italia những ngày cuối năm 2016 đang có nhiều biến động, trong đó lớn nhất là việc Thủ tướng Italia Matteo Renzi xin từ chức. Cùng với đó, việc đa số cử tri phản đối kế hoạch cải cách Hiến pháp cho thấy những lỗ hổng và mâu thuẫn trong nội bộ chính trị và ảnh hưởng tiêu cực của nền kinh tế nước này.

Hãng tin Bloomberg ngày 6-12 đưa tin, tối 5-12, Thủ tướng Matteo Renzi đã đệ đơn từ chức lên Tổng thống Sergio Mattarella. Lý do được đưa ra là vì ông bị thất bại nặng nề trong cuộc trưng cầu ý dân về cải cách Hiến pháp hôm 4-12.

Tuy nhiên, Tổng thống Sergio Mattarella đã yêu cầu Thủ tướng Matteo Renzi trì hoãn việc từ chức cho đến khi Quốc hội thông qua kế hoạch ngân sách 2017 trong cuộc họp vào cuối tuần này.

Tạm thời, Thủ tướng Italia đã chấp nhận yêu cầu này và cho biết, chỉ có thể kéo dài việc trì hoãn từ chức đến cuối tháng 12.

Đồng thời, ông Matteo Renzi cũng cam kết rằng, trong thời điểm này, ông sẽ cùng với các thành viên trong nội các, các lãnh đạo đảng cầm quyền tìm ra một nhân vật có thể thay thế ông, ngồi vào “ghế nóng” Thủ tướng Italia.

Một số nguồn tin từ đảng Dân chủ trung tả nơi ông Matteo Renzi là người đứng đầu cho hay, có ba ứng cử viên sáng giá cho vị trí này là Bộ trưởng Tài chính Pier Carlo Padoan, Chủ tịch Thượng viện Pietro Grasso và Bộ trưởng Văn hóa Dario Franceschini.

Và nếu chiếu theo yêu cầu là phải được đa số thành viên đảng Dân chủ trung tả ủng hộ và có tiếng nói cũng như kiểm soát được đa số phiếu tại Hạ viện thì xem ra, Bộ trưởng Tài chính Pier Carlo Padoan là người nổi trội nhất.

Thủ tướng Italia Matteo Renzi đã gặp thất bại nặng nề sau cuộc trưng cầu dân ý về cải cách Hiến pháp. Ảnh: Getty Imagine

Trong khi đó, các đảng đối lập ở Italia lại kêu gọi tổ chức bầu cử sớm, trước năm 2018. Đại diện của liên minh cánh hữu đối lập tại Italia gồm Liên đoàn phương Bắc, đảng Tiến lên Italia và Phong trào 5 sao đều tuyên bố sẽ gây sức ép để buộc Thủ tướng Matteo Renzi phải từ chức trong thời gian sớm nhất và tiến hành bầu cử thành lập một chính phủ mới.

Tờ Corriere della Sera, ngày 6-12, đã đưa ra nhiều nhận định sắc sảo về vấn đề này, trong đó có nhắc đến kịch bản khả thi sau khi ông Matteo Renzi từ chức như đúng lịch trình mà Tổng thống Sergio Mattarella. Đó là Quốc hội Italia sẽ bị giải tán ngay lập tức và tiến hành bầu cử luôn.

Một số tờ báo khác của Italia thì nhận định, mối lo ngại của châu Âu về hậu quả xấu nếu cuộc trưng cầu dân ý hôm 4-12 tại Italia thất bại đã hiệu hữu. Nhiều khả năng, Italia sẽ phải thành lập một chính phủ khẩn cấp và tiến hành một cuộc bầu cử trước thời hạn.

Vậy cuộc trưng cầu dân ý ở Italia về cải cách Hiến pháp là như thế nào và tại sao nó lại tác động mạnh đến cục diện chính trị của quốc gia này đến vậy?

Trên thực tế, cuộc trưng cầu dân ý về sửa đổi Hiến pháp tại Italia được khởi xướng một năm trước với mục đích chính là thay đổi hệ thống chính trị cồng kềnh bằng cách tăng quyền lực cho chính quyền trung ương và giảm quyền của Thượng viện (hiện cả Thượng viện và Hạ viện Italia đều có quyền lực ngang nhau).

Thủ tướng Italia Matteo Renzi dự định sẽ giảm số Thượng nghị sĩ từ 315 người xuống còn 100 người. Nếu cử tri Italia đồng tình với sự cải cách này, vị thế của Thủ tướng Matteo Renzi tại Italia và chính trường châu Âu sẽ được củng cố và chương trình cải cách kinh tế ở nước này vì thế cũng sẽ được tăng tốc.

Tuy nhiên, đây cũng là một bước đi khá mạo hiểm bởi các đảng đối lập tại Italia đều xem nó là cơ hội “ngàn vàng” để lật đổ Thủ tướng Matteo Renzi.

Chính vì lẽ đó, khi kết quả kiểm phiếu chính thức được công bố cho thấy, 60% cử tri Italia bỏ phiếu phản đối kế hoạch cải cách Hiến pháp, chính trường Italia đã có những xáo trộn và thị trường tài chính châu Âu cũng bị chao đảo.

Đồng Euro sụt giá mạnh so với đồng USD, trong khi chỉ số trên các thị trường chứng khoán lớn cũng bị giảm đáng kể. Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) hôm 5-12 còn cảnh báo rằng, nhiều khả năng 8 ngân hàng lớn của Italia sẽ bị sụp đổ trong những tháng tới và tạo nên sự hỗn độn trong thị trường tài chính.

Và mặc dù trong cuộc họp tại Brussels (Bỉ) ngày 6-12, Bộ trưởng tài chính các nước trong khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) đã bác bỏ những thông tin lo ngại này thì người ta vẫn sợ rằng đây chỉ là một sự bắt đầu cho chuỗi khủng hoảng mới trong khu vực.

Huyền Chi
.
.
.