Iran có vi phạm nghị quyết của Liên hợp quốc hay không?
- Iran tiết lộ kho tên lửa Ghadr-1 tầm bắn 1.950km dưới lòng đất
- Thế hệ tên lửa và tàu ngầm mới của Iran
Việc cuộc họp khẩn cấp của HĐBA không đưa ra được bất kỳ tuyên bố nào về cái gọi là vụ thử tên lửa của Iran hoàn toàn không nằm ngoài dự đoán bởi lẽ có sự chia rẽ giữa các quốc gia thành viên HĐBA xung quanh vụ việc này.
Nga cho rằng, vụ thử tên lửa đạn đạo của Iran không vi phạm nghị quyết của LHQ. Đồng quan điểm, Anh cũng chưa tuyên bố vụ thử là một hành động vi phạm, song cho rằng, vụ thử “không phù hợp” với các nghị quyết LHQ.
Trong khi đó, phát biểu trước báo giới sau khi kết thúc cuộc họp, Chủ tịch HĐBA trong tháng 1, Đại sứ Thụy Điển tại LHQ, ông Olof Skoog không hề đề cập đến vấn đề Iran.
Chỉ duy nhất Đại sứ Mỹ tại LHQ Nikki Haley nhắc đến vụ thử tên lửa này. Bà Haley cảnh báo: “Iran đã có một vụ thử nghiệm phóng tên lửa tầm trung vào ngày 29-1. Đây là điều hoàn toàn không thể chấp nhận được. Những gì chúng ta đã biết đó là Nghị quyết 2231 của HĐBA nói rằng đã cấm Iran thử nghiệm tên lửa đạn đạo. Chúng tôi cần Iran phải biết rằng, Nghị quyết 2231 (ngày 20-7-2016) của HĐBA có ý nghĩa”.
Một vụ phóng thử tên lửa đạn đạo tại Iran năm 2016. |
Đại sứ Mỹ tại LHQ nhấn mạnh Washington xem đây là hành động vi phạm thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa Iran và Nhóm P5+1, đồng thời khẳng định, chính quyền Mỹ sẽ không đứng nhìn, và sẽ có hành động đáp trả tương xứng. Bộ Ngoại giao Mỹ cũng đã lên án mạnh mẽ việc Iran phóng tên lửa, rằng “Washington cực kỳ lo ngại về các hành động gây hấn và vô trách nhiệm của Iran”.
Theo người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Mark Toner, Iran phải tuân thủ toàn diện Nghị quyết 2231. (Nghị quyết 2231 của HĐBA đã “mềm hóa” vấn đề tên lửa đạn đạo của Iran, tuyên bố HĐBA phản đối Iran phát triển công nghệ tên lửa, song không khẳng định rõ là cấm Iran làm như vậy.)
Ông Toner cũng cho biết, Washington hiện đang xem xét liệu vụ phóng tên lửa trên có vi phạm Nghị quyết 2231 hay không và sẽ buộc Tehran phải chịu trách nhiệm.
Trước đó, các quan chức ngoại giao Mỹ giấu tên nói rằng Iran đã tiến hành vụ phóng thử tên lửa đạn đạo vào ngày 29-1 từ một địa điểm gần tỉnh Semnan, cách thủ đô Tehran 225 km về phía Đông. Bộ Quốc phòng Mỹ xác định loại tên lửa mà Iran phóng ngày 29-1 được thiết kế hoặc sản xuất từ CHDCND Triều Tiên theo mẫu tên lửa tầm trung Musudan, còn được biết đến với tên Hwasong-10.
Về phía Iran, Bộ trưởng Quốc phòng Hossein Dehghan xác nhận nước này đã thử một tên lửa đạn đạo, nhưng khẳng định hành động này không vi phạm thỏa thuận Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA) mà Tehran ký với các cường quốc hồi năm 2015. Bộ trưởng Dehghan nói: “Hành động này phù hợp với việc tăng cường sức mạnh phòng thủ của Iran và không trái với thỏa thuận JCPOA hoặc Nghị quyết 2231”.
Trước đó, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cũng nêu rõ các tên lửa không nằm trong khuôn khổ Thỏa thuận hạt nhân giữa Iran với các cường quốc và Nghị quyết 2231 chỉ áp dụng đối với các loại vũ khí được thiết kế có thể mang đầu đạn hạt nhân.
Ngoại trưởng Zarif khẳng định chương trình tên lửa của nước này đơn thuần chỉ vì mục đích quốc phòng, Iran sẽ không bao giờ sử dụng tên lửa đạn đạo tấn công nước khác: “Iran sẽ không bao giờ dùng tên lửa sản xuất ở Iran để tấn công bất kỳ quốc gia nào. Không loại tên lửa nào của Iran được sản xuất có mang theo đầu đạn hạt nhân”.
Phát biểu trong cuộc họp báo chung với người đồng cấp Pháp Jean-Marc Ayrault tại Tehran hôm 31-1, Ngoại trưởng Zarif cảnh cáo Mỹ không nên lợi dụng các vấn đề liên quan đến quốc phòng của Iran làm cớ để “gây ra những căng thẳng mới.
Theo Ngoại trưởng Iran, sở dĩ Mỹ làm thế vì Tổng thống Donald Trump đang cố chuyển hướng chú ý của dư luận đang bất mãn vì sắc lệnh hành pháp cấm người Hồi giáo vào Mỹ mới đây của mình.
Về phần mình, Ngoại trưởng Ayrault cho biết Pháp đã tuyên bố lo ngại về vụ thử tên lửa của Iran gây hại đến lòng tin của cộng đồng quốc tế về Iran và trái với nghị quyết 2231 của HĐBA.
Người phát ngôn viên về các vấn đề đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Nabila Massrali cũng cho biết: “EU quan ngại về chương trình tên lửa của Iran và kêu gọi Iran tránh những hành động gây mất niềm tin, chẳng hạn thử tên lửa đạn đạo”.
Liên quan tới sắc lệnh của người đồng cấp Mỹ cấm người nhập cư đến từ 7 quốc gia Hồi giáo, trong đó có công dân Iran, hôm 1-2, Tổng thống Iran Hassan Rouhani đã kịch liệt chỉ trích sắc lệnh này, đồng thời “chê” ông Trump là “tập sự chính trị”.
Tổng thống Rouhani nêu rõ: “Ông Trump đến từ một thế giới khác. Chính trị vẫn là môi trường mới đối với ông. Ông Trump sẽ phải mất rất nhiều thời gian và chi phí của nước Mỹ cho đến khi ông nhận ra rằng, điều gì đang xảy ra trên thế giới”.
Tổng thống nước Cộng hòa Hồi giáo cũng tuyên bố sẽ có hành động trả đũa cả về pháp lý và chính trị nhằm phản ứng sắc lệnh của Tổng thống Mỹ.