Hy vọng mới giảm căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp
Mối quan hệ giữa Ankara và Athens vốn dĩ tồn tại nhiều trắc trở trong suốt chiều dài lịch sử. Bỏ qua những vấn đề từ nhiều thế kỷ trước, trong thời gian gần đây, căng thẳng giữa hai nước tiếp tục tăng nhiệt với một loạt điểm nóng mới, trong đó có câu chuyện người nhập cư.
Hy Lạp lo ngại Thổ Nhĩ Kỳ có thể viện đến vị trí quan trọng của mình trong kiểm soát dòng người nhập cư vào châu Âu để gây áp lực lên Liên minh châu Âu, khi đại dịch COVID-19 chưa được kiểm soát, gây bất lợi cho Athens.
Thêm nữa, tranh chấp Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp về biển Aegean đã tồn tại từ lâu và trở nên căng thẳng vào những năm 1970, thậm chí từng đẩy hai bên đến bờ vực xung đột vào năm 1987 và 1996.
Hy Lạp có hàng ngàn hòn đảo tại khu vực biển Aegean, trong đó, một số đảo lớn nằm ngay sát Thổ Nhĩ Kỳ, được Athens khẳng định có Vùng Đặc quyền Kinh tế (EEZ) 200 hải lý theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS) năm 1982. Theo cơ chế của UNCLOS, Hy Lạp có thể tuyên bố chủ quyền với 71,5% diện tích khu vực biển này so với 8,7% của Thổ Nhĩ Kỳ.
Tuy nhiên, Thổ Nhĩ Kỳ, một nước không phải thành viên của UNCLOS, đã nhiều lần phủ nhận điều này, thậm chí đe dọa hành động quân sự nếu Hy Lạp tiếp tục thực thi quyền theo UNCLOS.
Trong cuộc phỏng vấn với nhật báo Süddeutsche Zeitung của Đức vào cuối tháng 6/2020, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu cho rằng việc một đảo nhỏ như Kastellorizo với diện tích 12km2, dân số dưới 500 người, cách bờ biển Thổ Nhĩ Kỳ chưa đầy 2km lại có EEZ dài 200 hải lý (370km) là "không thể chấp nhận được".
Ankara cũng có những lý lẽ của riêng mình để khẳng định hoạt động thăm dò dầu khí ở khu vực Đông Địa Trung Hải là phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có biên bản ghi nhớ hồi tháng 11/2019 với Chính phủ Đoàn kết Dân tộc (GNA) được Liên hợp quốc bảo trợ.
Căng thẳng âm ỉ nhiều năm, việc Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu thăm dò dầu khí đến vùng biển tranh chấp này vào năm ngoái đã như đổ thêm dầu vào lửa, thậm chí, tiếp tục đẩy hai nước vào bờ vực xung đột.
Tháng 8/2020, Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu khảo sát địa chấn Oruc Reis cùng với một hạm đội hải quân nhỏ để thăm dò tìm kiếm dầu và khí đốt dưới biển ở vùng biển Đông Địa Trung Hải.
Trong một nỗ lực gián đoạn hải trình của tàu Oruc Reis, tàu hộ vệ Limnos của Hy Lạp đã va chạm nhẹ với tàu hộ vệ Kemal Reis của Thổ Nhĩ Kỳ. Sau vụ việc, phía Hy Lạp khẳng định đây chỉ là "tai nạn ngoài ý muốn".
Đáp lại, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Cavusoglu kêu gọi Athens hành động "có suy nghĩ" trong khi Tổng thống Recep Tayyip Erdogan cảnh báo "những ai tập kích tàu thăm dò Oruc Reis sẽ phải trả giá đắt". Nguy cơ tranh chấp cũng khiến NATO và Liên minh châu Âu đứng ngồi không yên. Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp đều là thành viên của NATO.
Hiện nay, vẫn còn nhiều ý kiến trái chiều về triển vọng của các cuộc đàm phán thăm dò giữa hai nước. Trên thực tế, Athens và Ankara đã tổ chức 60 vòng đàm phán trong giai đoạn 2002-2016 mà không đạt được bất kỳ tiến bộ nào trong cuộc tranh chấp đã kéo dài trong nhiều thế kỷ qua.
Thổ Nhĩ Kỳ điều tàu khảo sát địa chấn đến vùng biển tranh chấp, khiến căng thẳng với Hy Lạp gia tăng. Ảnh Getty Images. |
Nhiều nhà quan sát chính trị bày tỏ thận trọng rằng cuộc gặp ở Istanbul dự kiến sẽ không đem lại bước tiến lớn. Bất chấp điều này, Thủ tướng Hy Lạp Kyriakos Mitsotakis cho biết Athens đang bước vào cuộc đàm phán thăm dò "với sự lạc quan và hy vọng", một bình luận được Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ.
Tuy vậy, dù chưa biết kết quả ra sao, các cuộc đàm phán từ lúc chưa diễn ra đã gặp phải trở ngại khi Athens và Ankara hồi tuần trước lại tiếp tục không đạt được nhất trí trong chương trình nghị sự.
Trong khi Hy Lạp muốn giới hạn các cuộc thảo luận cấp thứ trưởng ngoại giao trong vấn đề biên giới thềm lục địa và quy mô của vùng đặc quyền kinh tế, Ankara lại cáo buộc Athens đóng quân bất hợp pháp trên một số hòn đảo của mình và muốn thảo luận về vấn đề không phận.
Các cuộc đàm phán ngày 25/1 được cho là không chính thức và không ràng buộc, tuy nhiên, có tiềm năng đem lại một quá trình đàm phán chính thức để sau đó dẫn đến một hiệp ước hoặc một thỏa thuận nhằm tìm kiếm phiên trọng tài tại Tòa án Công lý Quốc tế tại La Hay, Hà Lan.
Động thái này được cho là sẽ tăng cường các yếu tố tích cực mà Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đang xây dựng khi ông nỗ lực cải thiện quan hệ với các nước châu Âu trong bối cảnh chính quyền mới ở Washington được cho là sẽ "bớt thân thiện" hơn dưới thời Tổng thống Joe Biden. Các cuộc đàm phán này cũng có khả năng đặt nền tảng cho việc phân định một trong những khu vực có trữ lượng khí đốt tự nhiên lớn nhất thế giới.
Ở một viễn cảnh ít lạc quan hơn, nếu tiếp tục không đạt được tiến bộ nào, căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp vẫn sẽ tồn tại và những hậu quả nghiêm trọng hơn có thể xảy ra.