Hội nghị G7 quan tâm ổn định và thịnh vượng châu Á
Đây là hội nghị thượng đỉnh G7 đầu tiên được tổ chức tại châu Á trong vòng 8 năm qua và cũng là sự kiện thu hút sự chú ý hàng đầu của dư luận quốc tế trong thời điểm hiện nay.
Diễn ra trong bối cảnh tình hình thế giới có nhiều biến động, kinh tế toàn cầu có nhiều diễn biến tiêu cực với nhiều nền kinh tế lớn như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc không khởi sắc, các nền kinh tế đang nổi gặp khó khăn, giá dầu lao dốc, các vấn đề an ninh như chủ nghĩa khủng bố, các tranh chấp chủ quyền đang đặt ra những thách thức lớn, tình trạng biến đổi khí hậu và nguy cơ cạn kiệt các nguồn năng lượng hóa thạch đang đe dọa đến môi trường sống của nhân loại…,
Hội nghị thượng đỉnh G7 năm nay được kỳ vọng sẽ đưa ra các giải pháp hiệu quả giúp giải quyết các thách thức toàn cầu dựa trên tinh thần trách nhệm và sự minh bạch.
Các nguyên thủ tham dự hội nghị gồm Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, Tổng thống Pháp Francois Hollande, Thủ tướng Đức Angela Merkel, Thủ tướng Anh David Cameron, Thủ tướng Italia Matteo Renzi, Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Ngoài ra còn có sự tham dự của Chủ tịch Hội đồng châu Âu (EC) Donald Tusk và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean Claude Juncker.
Các nguyên thủ tham dự Hội nghị G7. Ảnh: Reuters |
Theo kế hoạch, hội nghị năm nay sẽ diễn ra từ ngày 26 đến 27-5, với 7 phiên họp gồm các chủ đề: Giá trị và sự đoàn kết của G7, Kinh tế toàn cầu, Thương mại, Chính sách đối ngoại, Ổn định và Thịnh vượng châu Á, châu Phi và Phát triển, trong đó kinh tế - tài chính toàn cầu được xác định là chủ đề ưu tiên hàng đầu của chương trình nghị sự.
Đối với vấn đề này, nếu như tại các Hội nghị G7 diễn ra trước đây, các nước đều đạt được sự nhất trí cao thì hội nghị lần này là một trong những cuộc họp đạt được ít tiến triển nhất. Kết quả này khiến cho nhiệm vụ của Hội nghị thượng đỉnh G7, đặc biệt là Nhật Bản trên cương vị là Chủ tịch đương nhiệm G7 trở nên khó khăn hơn trong nỗ lực tìm được tiếng nói chung.
Đây được xem là dịp quan trọng để thử nghiệm năng lực lãnh đạo của Thủ tướng Abe trong nỗ lực đạt được mục tiêu đoàn kết G7 để thúc đẩy việc thực thi các bước đi cụ thể trong tương lai. Do đó, Nhật Bản hy vọng sẽ thuyết phục được các nước thành viên G7 nhất trí về các biện pháp tài chính phối hợp. Và nếu Thủ tướng Abe thành công, đây sẽ là một cú hích lớn giúp Thủ tướng xứ sở hoa Anh đào giành lợi thế trong đợt bầu cử Thượng viện vào tháng 7-2016.
Bên cạnh đó, thành công này cũng sẽ chứng tỏ vai trò lãnh đạo của Nhật Bản đối với mục tiêu thúc đẩy kinh tế thế giới. Về vấn đề chính sách đối ngoại của G7, theo Bộ Ngoại giao Nhật Bản, các nhà lãnh đạo G7 sẽ chú trọng nội dung về chống chủ nghĩa khủng bố, chủ nghĩa cực đoan bạo lực, cuộc khủng hoảng nhập cư, tình hình Trung Đông, tình hình trên Bán đảo Triều Tiên, cuộc khủng hoảng Ukraine và an ninh hàng hải.
Liên quan tới an ninh hàng hải, Nhật Bản chủ trương nhấn mạnh tới vai trò và tầm quan trọng của các quy định pháp luật và tìm kiếm các giải pháp hòa bình để giải quyết các cuộc tranh chấp. Về chủ đề Ổn định và Thịnh vượng châu Á, một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao Nhật Bản xác định, Hội nghị sẽ nêu vấn đề xây dựng “Vùng biển tự do và ổn định”, trong đó bao gồm cả Biển Đông, là một trong những biện pháp cần thiết đưa khu vực tăng trưởng thịnh vượng.
G7 cần có “lập trường rõ ràng, cứng rắn” về vi phạm của Trung Quốc ở Biển Đông Đó là tuyên bố của Chủ tịch EC Donald Tusk đưa ra tại cuộc họp báo bên lề Hội nghị G7 ngày 26-5. Chủ tịch Tusk đồng thời cảnh báo rằng, uy tín của nhóm các quốc gia giàu có này đang bị đe dọa: “Bài kiểm tra uy tín của chúng ta trong nhóm G7 chính là về khả năng bảo vệ các giá trị chung mà chúng ta chia sẻ. Bài kiểm tra này chỉ đạt nếu chúng ta có thái độ rõ ràng và cứng rắn trên mọi chủ đề được thảo luận ở đây... Tôi muốn lưu ý đặc biệt tới vấn đề an ninh hàng hải, vấn đề ở Biển Đông, Biển Hoa Đông và quan hệ Nga – Ukraine”. Chủ tịch EC khẳng định: “Chính sách của G7 rất rõ ràng: bất kỳ tranh chấp trên biển hay tranh chấp lãnh thổ nào khác cũng phải dựa trên luật pháp quốc tế và mọi tranh chấp đều phải giải quyết bằng các biện pháp hòa bình. Hành động đơn phương và sử dụng vũ lực hay ép buộc là điều không thể chấp nhận được”. Trung Quốc đã khiến các nước láng giềng phẫn nộ khi tuyên bố chủ quyền trái phép với phần lớn Biển Đông. Bắc Kinh hiện còn đang tranh cãi với Nhật Bản về một số quần đảo ở Biển Hoa Đông, gây lo ngại về sức mạnh đang tăng lên của Trung Quốc và việc nước này có thể dùng vũ lực để xác định chủ quyền trái phép nếu cần thiết. Minh Nhật (tổng hợp) |