Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ cân nhắc hành động tiếp theo với Myanmar
Đại diện các nước tham gia cuộc họp đã bày tỏ quan ngại sâu sắc về tình trạng bạo lực leo thang ở Myanmar, gây thương vong cho dân thường, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế tối đa, chấm dứt bạo lực, bảo đảm an toàn cho dân thường, tiến hành đối thoại để hướng tới một giải pháp thỏa đáng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và nguyện vọng của người Myanmar, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình dân chủ diễn ra suôn sẻ.
Tại cuộc họp, Đặc phái viên LHQ về Myanmar Christine Schraner Burgener đã kêu gọi HĐBA LHQ hành động khẩn cấp nhằm khôi phục ổn định và trật tự tại Myanmar.
Lời kêu gọi đưa ra trong bối cảnh, các cuộc biểu tình kéo dài suốt hơn 1 tháng qua tại Myanmar đã biến thành bạo lực. Đụng độ giữa người biểu tình với quân đội và cảnh sát đã làm hơn 50 người thiệt mạng và trong số này có cả trẻ em.
Theo Đặc phái viên LHQ về Myanmar, tình hình hiện tại “đang tiến tới một cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng”, với những ảnh hưởng ngày một lớn đến lực lượng lao động, đầu tư, sự ổn định, kết nối và an ninh của Myanmar. HĐBA LHQ không thông qua hành động nào ngay lập tức.
Tuy nhiên, Anh đã gửi tới các nước thành viên một dự thảo tuyên bố chủ tịch. Theo Đại sứ Anh tại LHQ Barbara Woodward, tình hình đã trở nên xấu hơn so với thời điểm HĐBA LHQ ngày 4/2 ra tuyên bố kêu gọi trở lại nền dân chủ và trả tự do cho các quan chức cấp cao Myanmar đang bị bắt giữ. Vì thế, các nước thành viên đang xem xét những bước đi tiếp theo.
Đại sứ Barbara Woodward đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc HĐBA LHQ có thể đạt được tiếng nói chung trong phản ứng với tình hình Myanmar.
“Tôi xin nhắc lại lời kêu gọi tôn trọng pháp quyền, phóng thích ngay lập tức tất cả những người bị bắt giữ, dỡ bỏ tình trạng khẩn cấp và tất cả các hạn chế về quyền và tự do. Anh ủng hộ vai trò của các tổ chức khu vực, đặc biệt là ASEAN, trong việc giải quyết khủng hoảng. Chúng tôi sẽ tiếp tục theo dõi chặt chẽ tình hình ở Myanmar và xem xét hành động tiếp theo thông qua HĐBA trong những ngày tới”.
Đặc phái viên Christine Scharaner Burgener dự kiến sẽ thăm các quốc gia khu vực ngay khi tình hình dịch bệnh COVID-19 được cải thiện để giúp thúc đẩy sự gắn kết quốc tế lớn hơn trong phản ứng với cuộc khủng hoảng tại Myanmar.
Hơn 600 cảnh sát Myanmar tham gia biểu tình với người dân phản đối đảo chính quân sự. Ảnh: The Irrawaddy. |
Cũng tại cuộc họp, Việt Nam đã kêu gọi các bên tại Myanmar kiềm chế tối đa, chấm dứt bạo lực, bảo đảm an toàn cho dân thường, tiến hành đối thoại để hướng tới một giải pháp thỏa đáng, phù hợp với Hiến pháp, pháp luật và nguyện vọng của người Myanmar, tạo điều kiện thuận lợi cho tiến trình dân chủ diễn ra suôn sẻ.
Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Việt Nam tại LHQ Đặng Đình Quý cho biết, Việt Nam theo dõi sát sao và rất lo ngại về những diễn biến hiện nay tại Myanmar, đặc biệt là tình hình bạo lực và căng thẳng leo thang, gây ra thương vong ngày càng lớn cho dân thường, tác động tiêu cực đến hòa bình, an ninh và phát triển của Myanmar cũng như toàn khu vực.
Đại sứ cũng cho biết, các Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN đã họp không chính thức để trao đổi về các vấn đề cùng quan tâm, trong đó có tình hình Myanmar, đồng thời các nước thành viên ASEAN cũng đã và đang nỗ lực đóng góp vào việc thúc đẩy đối thoại, tìm kiếm giải pháp cho vấn đề này.
Đại sứ Đặng Đình Quý nhấn mạnh ASEAN sẵn sàng giúp đỡ Myanmar một cách thiện chí, phù hợp với các mục đích, nguyên tắc và thủ tục được quy định trong Hiến chương ASEAN. Đại sứ kêu gọi các nước thành viên HĐBA ủng hộ các nỗ lực của ASEAN trong việc hỗ trợ các bên nối lại đối thoại nhằm đạt được một giải pháp toàn diện cho vấn đề Myanmar.
Đại sứ Đặng Đình Quý cho rằng cộng đồng quốc tế cần tập trung hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi để chấm dứt bạo lực, ổn định tình hình, tiếp tục các nỗ lực cứu trợ nhân đạo; thu hẹp bất đồng giữa các bên liên quan ở Myanmar, thông qua các nỗ lực phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương LHQ.
Đại sứ khẳng định Việt Nam ủng hộ nỗ lực của Đặc phái viên của Tổng Thư ký về Myanmar và khuyến khích sự phối hợp hơn nữa giữa Đặc phái viên với ASEAN, đồng thời nhấn mạnh, đối thoại mang tính xây dựng, hợp tác và các biện pháp xây dựng lòng tin với trọng tâm người dân là điều kiện cần thiết để giải quyết tình hình hiện nay. Việt Nam ủng hộ tất cả các nỗ lực hướng tới mục tiêu này vì lợi ích của người dân Myanmar và vì hòa bình, ổn định của khu vực.
Trong một động thái nhằm gia tăng sức ép với Myanmar, Chính phủ Mỹ cùng ngày thông báo đã cấm chính quyền quân sự của Myanmar tiếp cận với số tiền 1 tỷ USD gửi tại Ngân hàng Dự trữ Liên bang New York vào đầu tháng 2, tức là ngay sau khi lực lượng này lên nắm quyền điều hành.
Thông tin đưa ra cùng ngày với quyết định của Bộ Tài chính Mỹ bổ sung Bộ Quốc phòng, Bộ Nội vụ và hai tập đoàn kinh tế của Myanmar vào danh sách cấm. Bên cạnh Mỹ, nhiều quốc gia trong đó có Canada, Anh và Liên minh châu Âu đã áp đặt nhiều biện pháp trừng phạt nhằm vào Myanmar.
Cũng trong ngày hôm qua, Youtube đã xóa 5 kênh do quân đội Myanmar điều hành vì vi phạm nguyên tắc, chỉ một ngày sau khi một ông lớn truyền thông khác là Facebook thông báo xóa tất cả những trang liên quan đến quân đội Myanmar khỏi các nền tảng của mình.
Trong khi đó, tại Myanmar, tính tới ngày 5/3, đã có hơn 600 sĩ quan cảnh sát tham gia phong trào bất tuân dân sự (CDM) phản đối đảo chính quân sự ở quốc gia này. Số cảnh sát từ chức tăng mạnh kể từ sau đảo chính hôm 1/2. Những người từ bỏ chức vụ tham gia biểu tình, phản đối chính quyền đến từ nhiều lực lượng như điều tra tội phạm, đặc nhiệm, an ninh và an ninh du lịch…
Cảnh sát tham gia CDM cho biết, họ sẽ chỉ chấp nhận một chính phủ được bầu. Một số đơn từ chức của cảnh sát cho biết, họ không muốn thực hiện mệnh lệnh của hội đồng quân sự và từ chức để đứng về phía người dân.