Hòa bình được tái lập ở Nagorno-Karabakh

Thứ Sáu, 04/12/2020, 09:07
Armenia hoàn tất việc trao trả phía Azerbaijan một loạt vùng đất ở Nagorno-Karabakh theo đúng thỏa thuận đình chiến mà hai bên đạt được sau hơn 6 tuần xung đột đẫm máu, mở ra giai đoạn mới cho người dân hai bên tại vùng đất tranh cãi suốt nhiều thập kỷ.

Hơn ba tuần sau khi thỏa thuận đình chiến tại Nagorno-Karabakh có hiệu lực, chính phủ Armenia ngày 3/12 đã chính thức dỡ bỏ một số hạn chế trong lệnh thiết quân luật được áp đặt toàn quốc kể từ thời điểm cuộc xung đột với Azerbaijan nổ ra cuối tháng 9, trong đó gồm việc bãi bỏ các hạn chế tổ chức biểu tình và đình công; nới lỏng cơ chế đặc biệt kiểm soát xuất nhập cảnh, Reuters đưa tin.

Binh sĩ Azerbaijan vẫy cờ ăn mừng khi tới kiểm soát một khu vực do Armenia trao trả ở Nagorno-Karabakh. Ảnh: AP.

Giới chức Armenia cũng hủy quy định hạn chế các cơ quan truyền thông trong nước chỉ được phép xuất bản những thông tin chính thống của chính phủ khi đưa tin về hoạt động quân sự. Đây được xem là bước đi đầu tiên nhằm khôi phục lại nhịp sống bình thường ở Armenia sau nhiều tuần bị phủ bóng bởi không khí ngột ngạt của chiến tranh.

Trước đó hai hôm, ngày 1/12, truyền thông khu vực xác nhận Armenia đã hoàn tất việc bàn giao quận Lachin ở vùng Nagonro-Karabakh cho Azerbaijan. Hãng tin AlJazeera cho biết, một đoàn xe tải quân sự của Azerbaijan được nhìn thấy tiến vào Lachin ngay trong đêm và thượng cờ Azerbaijan tại tòa nhà hành chính giữa trung tâm quận này sáng cùng ngày.

Lachin là quận thứ ba, cũng là vùng đất cuối cùng xung quanh Nagorno-Karabakh mà Armenia có nghĩa vụ trao trả cho Azerbaijan theo thỏa thuận đình chiến mà hai bên đạt được ngày 9-11 dưới sự trung gian hòa giải của Nga. Hai quận còn lại có tên Agdam và Kalbajar đã được Yerevan bàn giao cho Baku từ tháng trước trong hòa bình.

Vẫn theo thỏa thuận đình chiến, Nga đã triển khai khoảng 2.000 binh sĩ gìn giữ hòa bình dọc Hành lang Lachin, tuyến đường 60km nối thủ phủ Stepanakert của Nagorno-Karabakh, hiện vẫn do lực lượng thân Armenia kiểm soát, tới lãnh thổ Armenia. Mọi hoạt động tiếp quản của Azerbaijan ở khu vực đều nằm dưới sự giám sát của binh sĩ gìn giữ hòa bình Nga.

Theo Al-Jazeera, với vai trò trung gian, Nga đã thiết lập hành lang để 20.000 người dân có thể quay trở về nhà cửa và đang nỗ lực rà phá bom, mìn tại các khu vực giao tranh giữa Armenia-Azerbaijan. France24 xác nhận khoảng từ 75.000 đến 90.000 người trong tổng số 150.000 dân ở Stepanakert được quay trở lại nhà cửa nhờ hòa bình được tái lập.

Nhiều tòa nhà tại đây đang tiếp tục được trưng dụng làm nơi Hội Chữ thập đỏ phân phát nhu yếu phẩm cho những người hứng thiệt hại của chiến tranh. Tại các vùng lãnh thổ mà Armenia phải trao trả, hầu hết người dân gốc Armenia đã rời đi trong hòa bình nhưng buồn bã trước khi lực lượng Azerbaijan xuất hiện.

Anadolu cho biết, người Armenia tranh thủ thu hoạch nông sản, dọn dẹp đồ đạc có giá trị, rồi phá hoặc đốt sạch nhà cửa trước khi chuyển tới khu vực do Yerevan kiểm soát. Một số ít khác nói họ quyết định ở lại và chung sống với người Azerbaijan. “Tôi chỉ sợ Chúa. Tôi đã ở đây 22 năm, tôi bắt đầu từ con số không, tôi đã gây dựng mọi thứ”, Levon Gevorgyan, 48 tuổi, chủ một cửa hàng tạp hóa ở Lachin nói.

Cùng lúc đó, không khí trái ngược được ghi nhận ở phía Azerbaijan. Trong một bài phát biểu trên truyền hình hôm 1/12, Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev gọi thời khắc lực lượng Armenia rút khỏi Lachin là bình minh của “một thực tế mới”. Tại thủ đô Baku và nhiều thành phố khác, người Azerbaijan đã đổ xuống đường để ăn mừng. Theo kế hoạch, người dân Azerbaijan sẽ được phép quay lại định cư ở các vùng đất mà họ giành được từ Armenia.

Nagorno-Karabakh là vùng lãnh thổ nằm sâu trong biên giới Tây Nam của Azerbaijan – quốc gia có đa số người dân theo đạo Hồi. Tuy nhiên, phần lớn dân cư ở đây lại là người gốc Armenia theo đạo Cơ đốc và muốn ly khai để sáp nhập vào Armenia. Sau cuộc chiến kéo dài từ 1988-1994, Azerbaijan mất quyền kiểm soát khu vực vào tay lực lượng ly khai thân Armenia.

Sau nhiều năm căng thẳng âm ỉ, hôm 27/9, hai bên lao vào một cuộc chiến mới. Theo truyền thông khu vực, Azerbaijan đã chiếm ưu thế trên thực địa và giành quyền kiểm soát nhiều khu vực xung quanh Nagorno-Karabakh từ tay lực lượng thân Armenia. Số liệu của Nga cho hay, gần 5.000 người đã thiệt mạng vì đợt xung đột, trong đó có nhiều dân thường.

Trong giai đoạn giao tranh căng thẳng, cộng đồng quốc tế đã nỗ lực thiết lập một số thỏa thuận ngừng bắn giữa Armenia và Azerbaijan, nhưng các thỏa thuận này nhanh chóng sụp đổ. Tới ngày 9/11, dưới lời đề nghị và chứng kiến của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Armenia Nikol Pashinyan và Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev chấp thuận ký thỏa thuận ngừng bắn cuối cùng, trong đó Armenia chấp nhận trao trả các phần lãnh thổ mà Azerbaijan chiếm được trên thực địa, song vẫn được bảo lưu quyền kiểm soát phần lớn vùng Nagorno-Karabakh.

Dù được thế giới đề cao nhưng thỏa thuận trên đã khiến chính quyền của Thủ tướng Pashynian rơi vào khủng hoảng, khi vấp phải sự phản đối của người dân trong nước. Hàng nghìn người Armenia đã xuống đường để phản đối thỏa thuận ngừng bắn và kêu gọi Thủ tướng Pashynian từ chức vì kí văn kiện mà họ cho là bất lợi. Một âm mưu ám sát Thủ tướng Armenia cũng đã được lên kế hoạch, song lực lượng an ninh đã kịp can thiệp.

Hôm 2/12, tại cuộc họp của lãnh đạo các nước trong Tổ chức Hiệp ước an ninh tập thể (CSTO), Tổng thống Putin một lần nữa ca ngợi Thủ tướng Armenia đã rất “can đảm” khi kí vào thỏa thuận ngừng bắn. Về phần mình, ông Pashynian và lực lượng thân Armenia ở Nagorno-Karabakh đều thừa nhận thỏa thuận ngừng bắn tuy “đau đớn” nhưng cần thiết để giảm thiểu thương vong.

Được biết, để duy trì hòa bình lâu dài ở Nagorno-Karabakh, Nga mới đây chấp thuận cùng Thổ Nhĩ Kỳ, đồng minh thân cận nhất của Azerbaijan, xây dựng một trung tâm chung giám sát ngừng bắn tại khu vực càng sớm càng tốt. Ngày 2/12, Bộ trưởng Quốc phòng Thổ Nhĩ Kỳ Hulusi Akar thông báo trung tâm trên đã được khởi công xây dựng. Các chi tiết kỹ thuật để thiết lập trung tâm được Nga và Thổ Nhĩ Kỳ nhất trí, nhằm khởi động công việc càng sớm càng tốt.

Thiện Minh
.
.
.