Hiệp ước Rome và 60 năm kiến tạo Liên minh châu Âu

Thứ Bảy, 25/03/2017, 09:16
Ngày 25-3 (theo giờ địa phương), lãnh đạo các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) sẽ quy tụ tại thủ đô Rome (Italia) để kỷ niệm một mốc son lịch sử đáng nhớ trong tiến trình hội nhập của châu Âu - 60 năm ngày ký kết các Hiệp ước Rome (25-3-1957/25-3-2017), đặt nền móng cho một EU hòa bình, tự do, ổn định và thịnh vượng. 

Nhưng, lễ kỷ niệm này nhanh chóng bị phủ bóng đen bởi chỉ sau đó 4 ngày, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, bắt đầu quá trình đàm phán đưa nước này rời khỏi EU. 

Khép lại một quá khứ đột phá 

Đã 60 năm kể từ ngày các Hiệp ước Rome được ký kết, song tinh thần của nó vẫn luôn là kim chỉ nam cho các lãnh đạo EU bởi giá trị không chỉ nằm ở những trang giấy, mà ở những mục tiêu được thống nhất, giải pháp được đưa ra cùng phương thức triển khai linh hoạt và hiệu quả. 

EU chính thức kỷ niệm 60 năm Hiệp ước Rome vào ngày 25-3 tại thủ đô Rome, Italia.Ảnh: Reuters

Lễ kỷ niệm ngày 25-3 cũng là dịp để các nhà lãnh đạo EU cùng tổng kết, suy ngẫm và vạch ra những nước cờ tiếp theo trong giai đoạn ngắn và trung hạn sắp tới. Trong quá khứ, Hiệp ước Rome được khởi nguồn từ một sáng kiến mang tính cách mạng giữa Pháp và Đức do Bộ trưởng Ngoại giao Pháp Robert Schumann đưa ra ngày 9-5-1950. 

Theo đó, Pháp và Đức định thành lập một cơ chế quản lý chung việc sản xuất và sử dụng than – thép. Dù kế hoạch này phải mất cả một quá trình để đi đến ký kết, nhưng nó đã mở cánh cửa, là tiền đề cho sự tham gia của các quốc gia châu Âu khác. 

Hơn nửa thế kỷ sau, từ khi thành lập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (EEC) với 6 quốc gia sáng lập là Pháp, Đức, Italia, Hà Lan, Bỉ và Luxembourg thì hiện tại, EU (tiền thân là EEC) có tổng cộng 28 quốc gia thành viên trải dài từ Đông đến Tây Âu, trở thành một khối mở rộng và phát triển về mọi mặt. 

Châu Âu giờ đây đã hoàn thành mục tiêu bốn tự do hóa bao gồm tự do đi lại, học tập, sinh sống và làm việc ở hầu hết các nước trong khuôn khổ đường biên giới EU. Hiện tại, có tới 6,5 triệu người châu Âu đang làm việc tại một quốc gia thành viên.

Ngoài ra, đồng tiền chung Euro - đồng tiền dự trữ quan trọng thứ hai trên thế giới đã được sử dụng tại hơn một nửa các quốc gia thành viên và gần 1,5 nghìn tỷ Euro được các ngân hàng trung ương trên thế giới nắm giữ.

Thời gian này cũng là giai đoạn hòa bình và ổn định dài nhất trong lịch sử của châu Âu - 70 năm kể từ khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc. Để ghi nhận vai trò quan trọng trong việc chuyển đổi từ một lục địa chiến tranh trở thành một lục địa hòa bình, EU đã nhận được giải thưởng Nobel Hòa bình năm 2012. 

Đối với châu Âu, hòa bình là vấn đề ở khắp mọi nơi và trong một thế giới có tới hơn 40 cuộc xung đột vũ trang đang diễn ra thì EU chính là khối đóng góp tích cực nhất trong các nhiệm vụ gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc (LHQ). 

Ngoài ra, từ năm 1972, khi chính sách môi trường đầu tiên của châu Âu được đưa ra, EU dần khắc phục và giải quyết vấn đề mưa axit và sự mỏng đi của tầng ozon – một trong những mối nguy hại tương lai của nhân loại. EU đã chứng minh cho cả thế giới rằng, phát triển bền vững có thể đi đôi với tiến bộ kinh tế nhờ đầu tư vào phát triển thêm các nguồn năng lượng tái tạo.

Từ năm 1990 đến năm 2015, EU đã cắt giảm 22% lượng khí thải CO2, đồng thời tăng trưởng kinh tế đạt mức 50%. Ngày nay, các thành phố châu Âu nằm trong số có mức ô nhiễm không khí thấp nhất trên thế giới...

Tương lai "một châu Âu đa tốc độ" 

Liên minh châu Âu khởi đầu như một hiệp định giữa 6 nước để đạt được tự do thương mại hàng hóa và xóa bỏ những rào cản đối với chuyển dịch lao động. Khi các lãnh đạo EU tìm cách củng cố ý thức về sự đoàn kết của châu Âu bằng cách thành lập một liên minh tiền tệ thì nước Anh đã đứng ngoài và giữ đồng bảng để kiểm soát chính sách tiền tệ của mình. 

Nhưng sự đứng ngoài này đã phần nào khiến Anh trở thành một kẻ ngoài cuộc trong EU. Vào ngày 29-3 tới, Thủ tướng Anh Theresa May sẽ kích hoạt Điều 50 của Hiệp ước Lisbon, bắt đầu quá trình đàm phán đưa nước này rời khỏi EU. 

Tuy nhiên, những tác động của việc Anh rời khỏi EU, khủng hoảng nhập cư, mối đe dọa khủng bố và sự gia tăng chủ nghĩa dân túy đang làm dấy lên làn sóng hoài nghi về tương lai của liên minh 60 năm tuổi. Tại Hội nghị thượng đỉnh không chính thức 4 bên ở cung điện Versailles, Pháp diễn ra ngày 6-3, Đức, Pháp, Italia và Tây Ban Nha – bốn quốc gia có tiếng nói quyết định cho tương lai của khối đã bàn thảo về “một châu Âu đa tốc độ”. 

Các nhà lãnh đạo đều cho rằng, EU thống nhất chứ không nhất thiết phải đồng nhất và EU cần phải có dũng khí để chấp nhận một số nước phát triển nhanh hơn các nước khác trong tiến trình toàn cầu hóa. 

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean Claude Juncker mới đây cũng cho hay, các nước thành viên EU cần phải đưa ra một lựa chọn rõ ràng và không để sự phát triển của khối trở thành con tin của các cuộc bầu cử sắp diễn ra tại lục địa này. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel thì khẳng định: “Brexit dù là một sự đáng tiếc, nhưng sẽ không thể ngăn EU tiến đến tương lai tốt đẹp hơn. Chúng ta sẽ tiếp tục con đường của mình và đó là điều mà chúng ta phải làm.”

Linh Bùi
.
.
.