Hậu bầu cử Mỹ: Phương hướng của các tổ chức quốc tế và các tập đoàn kinh tế

Thứ Hai, 14/12/2020, 08:18
Chiến thắng của ông Joe Biden trong cuộc bầu cử Mỹ được nhiều người cho là điều tích cực đối với sự phát triển của chủ nghĩa đa phương. Dựa trên một số quan điểm của ông Joe Biden, tất cả các bên liên quan đều chờ đợi chính phủ mới của Mỹ sẽ tái hợp đại gia đình hợp tác quốc tế trong tương lai.

Chỉ bằng cách nỗ lực khắc phục khó khăn trở ngại mới có thể phát huy thực sự vai trò của các tổ chức quốc tế trong quá trình xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn.

Triển vọng đáng được mong đợi

Điều đầu tiên mà các tổ chức quốc tế phải làm là khắc phục được hai khó khăn do sự suy giảm bá quyền của Mỹ tạo ra. Mỹ là nhân tố thúc đẩy quan trọng sự trỗi dậy của các tổ chức quốc tế sau chiến tranh. Ngày nay, cam kết chính trị và nguồn lực đầu vào của Mỹ cho hợp tác quốc tế vẫn có giá trị không thể thay thế đối với các tổ chức quốc tế. Tuy nhiên, cùng với sự suy thoái của bá quyền và sự lan rộng của chủ nghĩa dân túy trong nước, Mỹ ngày càng có tính chọn lọc trong trách nhiệm gánh vác của nước lớn.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, Mỹ đã cắt giảm mạnh hoặc thậm chí chấm dứt tài trợ cho các tổ chức quốc tế mà Mỹ cho rằng không giúp ích nhiều cho lợi ích của mình. Điều này sẽ hạn chế đáng kể ngân sách đầu tư của chính phủ mới của Mỹ cho chủ nghĩa đa phương. Mặt khác, trong quá trình cứu vãn sự suy thoái của bá quyền, Mỹ không ngừng tăng cường mức độ kiềm chế các tổ chức quốc tế, khiến cho mâu thuẫn giữa Mỹ với đặc tính dân chủ vốn có của các cơ chế đa phương ngày càng sâu sắc. Cùng với việc tranh thủ được sự ủng hộ về chính trị và tài chính của Mỹ mà không bị Mỹ kiềm chế là một vấn đề quan trọng đối với các tổ chức quốc tế để duy trì tính hợp pháp của mình.

Việc thứ hai là các tổ chức quốc tế cần tránh trở thành chiến trường cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn. Sự phối hợp và hợp tác giữa các nước lớn có ý nghĩa to lớn đối với việc phát huy vai trò của các tổ chức quốc tế, điều này có thể được thể hiện đầy đủ qua hoạt động khác nhau của Liên Hợp quốc (LHQ) trong và sau Chiến tranh Lạnh. Tuy nhiên, gần đây, mâu thuẫn giữa cơ chế đa phương LHQ với Trung Quốc, Nga và các nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã gia tăng rõ rệt. Điều này đã khiến thể chế quốc tế có xu hướng chia rẽ nghiêm trọng.

Đối mặt với đại dịch COVID-19, mặc dù các cơ chế quản trị toàn cầu như LHQ, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã phát huy vai trò quan trọng trong việc kiểm soát dịch bệnh, nhưng các hành động thực tế vẫn thường xuyên bị cản trở bởi nhiều sự can thiệp khác nhau. Đặc biệt, sự không phù hợp giữa trách nhiệm và quyền hạn, hạn chế vai trò của WHO trong việc ngăn chặn sự lây lan và giảm tác động tiêu cực của dịch bệnh.

Trước những thách thức mang tính toàn cầu ngày càng phức tạp nghiêm trọng, cộng đồng quốc tế mong muốn các tổ chức quốc tế phát huy vai trò chủ đạo, vạch ra kế hoạch ứng phó tổng thể và thúc đẩy hợp tác phối hợp giữa các bên. Mặc dù chặng đường phía trước còn nhiều khó khăn, nhưng triển vọng của các tổ chức quốc tế vẫn rất đáng được mong đợi.

Theo “ngọn gió mới”

Sau chiến thắng của ông Joe Biden, theo giới phân tích, thế giới kinh tế, tài chính và công nghiệp của Mỹ đã bỏ rơi Tổng thống Donald Trump để hướng về ông Joe Biden và chuẩn bị hợp tác với chính quyền mới. Tuần đầu tháng này, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành tập đoàn xe hơi General Motors, bà Mary Barra tuyên bố chống lại chính sách xem nhẹ môi trường của Tổng thống Donald Trump và cho biết từ nay bà sẽ “hoàn toàn đồng ý” với các mục tiêu của “tổng thống tân cử” về xe hơi trang bị động cơ điện.

Cụ thể, bà Mary Barra kêu gọi Toyota và Fiat Chrysler cùng với General Motors chấp nhận các tiêu chí nghiêm ngặt của chính quyền bang California, đi tiên phong chống khí thải gây ô nhiễm từ động cơ xe hơi, vốn đang bị Tổng thống Donald Trump cản trở. Hai tháng trước ngày ông Joe Biden được cho là sẽ tuyên thệ nhậm chức, giới doanh nhân đã thúc giục Quốc hội Mỹ nhanh chóng thông qua một kế hoạch chấn hưng nền kinh tế  đang lao đao vì khủng hoảng đại dịch COVID-19.

Theo nhận định của Liên đoàn Công nghiệp Chế biến, 2 tháng tới sẽ vô cùng quan trọng để vừa kiểm soát đại dịch lây nhiễm, vừa tái thiết kinh tế và không nên để mất thời gian trước 2 cuộc khủng hoảng có mối liên hệ lẫn nhau này. Việc không tôn trọng truyền thống, khăng khăng phủ nhận chiến thắng của phe Dân chủ và cản trở tiến trình bàn giao quyền lực chỉ làm cho Tổng thống Donald Trump ngày càng mất điểm tựa trong giới kinh tế-tài chính, nhất là ở Phố Wall.

Trong số các doanh nhân tỷ phú hay nghiệp đoàn nghề nghiệp thân hữu “rời bỏ” Tổng thống Donald Trump sớm nhất có Tổng giám đốc hãng hàng không United Airlines và Phòng Thương mại Mỹ Scott Kirby, những người đã chúc mừng ông Joe Biden ngay sau khi đa số hãng truyền thông lớn của Mỹ thông báo kết quả. Tiếp theo đó là một trong những tiếng nói có ảnh hưởng mạnh trong giới đầu tư, ông Steve Schwarzman - đồng sáng lập công ty đầu tư Blackstone, một người ủng hộ trung thành và cũng là “quân sư” của Tổng thống Donald Trump.

Hôm 22/11, ông kêu gọi chủ nhân Nhà Trắng nên nhìn nhận thất bại. Ông Steve Schwarzma cho biết, ông ủng hộ Tổng thống Donald Trump và chính sách kinh tế vững chắc của ông Donald Trump, nhưng từ nay, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, ông muốn giúp “Tổng thống tân cử” Joe Biden và đội ngũ của chính quyền tương lai đối phó với thách thức tái thiết kinh tế sau đại dịch.

Tổng thống Donald Trump vẫn đe dọa tiếp tục cuộc chiến tư pháp để vô hiệu hóa kết quả của đối thủ ở một số bang. Tuy nhiên, ông đã bị Chủ tịch Ngân hàng JP Morgan Chase khuyến cáo nên “chuyển giao ôn hòa”, bởi dù có chấp nhận kết quả bầu cử hay không thì mọi người vẫn phải ủng hộ nền dân chủ vì dân chủ đặt trên nền móng cho đức tin và sự tin cậy lẫn nhau.

Bên cạnh xu hướng sang trang trong giới tài chính, nhiều tiếng nói đại diện các ngành nghề khác kêu gọi hai bên Cộng hòa và Dân chủ cùng hợp tác để đối phó với tình thế khẩn cấp hiện nay nhất là nạn thất nghiệp. Nhiều ông chủ doanh nghiệp đã kêu gọi đích danh “tổng thống tân cử” và nội các tương lai làm việc trong tinh thần hòa đồng với đảng Cộng hòa, trước các thử thách lớn như: Đầu tư vào công nghệ mới, hạ tầng kỹ thuật số, giáo dục và nghiên cứu khoa học.

Trong giai đoạn giao thời đầy bất trắc này, Chủ tịch Phòng Thương mại Mỹ Tom Donohue đưa ra nhận định đầy hy vọng: “Ông Joe Biden và đội ngũ nhân sự có kinh nghiệm hành pháp của ông sẽ cho phép (chính phủ mới) bắt tay vào việc một cách nhanh chóng”.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.