Gia tăng căng thẳng Anh – Nga

Thứ Ba, 13/03/2018, 08:42
Mối quan hệ giữa Anh và Nga đang có khả năng rơi vào một vòng xoáy căng thẳng vì vụ đầu độc cựu điệp viên Nga hai mang Sergei Skripal cùng con gái ông này.

Mặc dù Anh không chính thức đổ lỗi vụ tấn công nói trên cho Nga nhưng Ngoại trưởng Boris Johnson tuyên bố vụ tấn công này như một “sự lặp lại” vụ đầu độc cựu điệp viên Nga - một nhân vật chỉ trích Kremlin, Alexander Litvinenko tại London hồi năm 2016 mà Anh đã quy trách nhiệm cho Moscow về vụ đầu độc này.

Thủ tướng Anh Theresa May ngày 12-3 chủ trì một cuộc họp Hội đồng An ninh Quốc gia, với sự tham gia của các bộ trưởng cấp cao, lãnh đạo các cơ quan tình báo và quân đội nhằm thảo luận về vụ đầu độc trên, xảy ra hôm 4-3 vừa qua khi ông Sergei Skripal cùng con gái được tìm thấy trong trạng thái bất tỉnh trên một chiếc ghế công viên tại thành phố Salisbury, Tây Nam nước Anh.

Bà May cho biết, bà có thể công bố những biện pháp trừng phạt mà Chính phủ Xứ sở sương mù sẽ áp dụng đối với Nga, như việc trục xuất các nhà ngoại giao, điệp viên của Nga cũng như tiến hành các biện pháp trừng phạt tài chính mới chống Nga. Cùng với đó có thể là hủy thị thực của nhiều nhà tài phiệt được cho có quan hệ mật thiết với chính quyền Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Cựu điệp viên Sergey Skripal. Ảnh: usatoday.

Những nhà tài phiệt bị Anh nhắm đến nằm trong một danh sách trừng phạt mà Bộ Tài chính Mỹ công bố vào tháng 1-2018, nhằm đáp trả hành động Nga can thiệp bầu cử 2016. Theo danh sách được tiết lộ có 114 nhân vật cấp cao trong chính quyền Tổng thống Vladimir Putin và 96 nhà tài phiệt, trong đó có ít nhất 5 đối tượng đang sinh sống và làm ăn tại Anh.

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Anh Tobias Ellwood tuyên bố: “Chúng ta không được hành động nóng vội nhưng phải có phản ứng mạnh mẽ, và đó là điều chúng ta sẽ bàn bạc với các đối tác NATO và với Hội nghị thượng đỉnh tại Brussels vào tháng 7. Nhiều nghi vấn lớn được đặt ra về cách chúng ta chống lại một cuộc tấn công bí mật và nham hiểm, được thực hiện nhằm tàn phá xã hội chúng ta”.

Cùng với đó, Chính quyền Anh sẽ thảo luận với Mỹ và các đồng minh ở châu Âu về khả năng tẩy chay Vòng chung kết bóng đá thế giới (World Cup) 2018 tại Nga do vụ việc trên. Trong trường hợp tìm ra “dấu vết Nga” trong vụ án này, một phản ứng phối hợp bao gồm các biện pháp ngoại giao, kinh tế và quân sự sẽ được chính phủ Anh đưa ra. Ngoài Anh, một số nước khác như Ba Lan, Austria và Nhật Bản cũng có thể từ chối tham gia World Cup 2018.

Trước đó, hôm 11-3, Cố vấn trưởng Y tế thuộc Bộ Y tế Anh Sally Davies cho biết các dấu vết của một chất độc thần kinh được sử dụng trong vụ việc nghi là âm mưu ám sát ông Sergei Skripal đã được phát hiện ở hộp đêm The Mill và nhà hàng Zizzi mà ông từng tới. Bà Davies cho hay có tới 500 người đã tới hộp đêm The Mill và nhà hàng Zizzi ở Salisbury, miền Tây Nam nước Anh, cần phải giặt quần áo và rửa đồ dùng cá nhân để đề phòng nhiễm chất độc này.

Hôm 6-3, Ngoại trưởng Anh Boris Johnson cho biết, Chính phủ Anh sẽ phản ứng “phù hợp và mạnh mẽ” trước bất kỳ bằng chứng nào cho thấy có sự dính líu của phía Nga trong vụ cựu điệp viên Sergei Skripal. Quan chức này nhấn mạnh, trong giai đoạn này, ông chưa đưa ra lời cáo buộc đích danh ai phải chịu trách nhiệm về vụ việc, song ông đã dùng những lời lẽ gay gắt khi mô tả Nga là “thế lực phá hoại”, đồng thời khẳng định Chính phủ Anh luôn đi đầu trong nỗ lực ngăn chặn “các hành động thù địch” của Nga.

Về phía Nga, Moscow tới nay luôn phủ nhận bất kỳ sự dính dáng nào đến vụ việc. Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov hôm 9-3 đã bác bỏ những cáo buộc của Anh, cho rằng đó là những luận điệu “tuyên truyền”: “Họ đang đưa ra những cáo buộc nhằm vào chúng tôi vì bất cứ điều gì không đúng trên Trái Đất này. Đây rõ ràng là một sự tuyên truyền và nó đang làm gia tăng căng thẳng”.

Trước đó, Điện Kremlin cho biết, Nga sẵn sàng hợp tác nếu Anh đề nghị Moscow hỗ trợ trong việc điều tra vụ việc liên quan tới ông Sergei Skripal. Phát biểu với báo giới khi được hỏi liệu các nhà chức trách Anh có liên lạc tìm kiếm sự giúp đỡ hay không, người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nêu rõ: “Không ai liên lạc với chúng tôi với yêu cầu như vậy. Moscow luôn sẵn sàng hợp tác”.

Gọi vụ việc là “một tình huống bi kịch”, người phát ngôn Dmitry Peskov cho biết Điện Kremlin không có thông tin về chuyện gì đã xảy ra khi nói rằng: “Chúng tôi không có thông tin về nguyên nhân (vụ việc) có thể là gì, việc mà người này đang làm và những gì ông ta có thể có liên quan”.

Trong khi đó, Đại sứ quán Nga tại London ra thông cáo nêu rõ: “Cách đưa tin của truyền thông có thể tạo ấn tượng rằng đây là một hành động có tính toán của các cơ quan an ninh Nga, song điều này hoàn toàn không đúng sự thật” và cho rằng, phản ứng của phía Anh trong vụ việc này cho thấy họ sẵn sàng bắt đầu một chiến dịch mới chống Nga.

Còn người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova thì kêu gọi Anh tiến hành điều tra vụ việc, thay vì ngay lập tức kết tội Nga có liên quan. Theo quan chức ngoại giao này, gần đây Anh đang có xu hướng gắn tất cả mọi diễn biến với khả năng không tham gia World Cup 2018.

Có nhiều ý kiến cho rằng khó có khả năng Nga đứng sau vụ đầu độc này. Nikolai Tsiplakov, một người sống cùng tòa nhà với gia đình ông Skripal tại Moskva trước khi ông này bị bắt giam vì tội làm gián điệp cho Anh, phát biểu với hãng tin AP rằng không có bằng chứng cho thấy Nga liên quan tới vụ việc này: “Bạn cần phải hiểu, ông (Sergei Skripal) là một cựu điệp viên và kẻ phản quốc. Nếu họ (chính quyền Moscow - PV) muốn ông chết, họ đã làm việc này từ lâu rồi”.

Cựu điệp viên Nga Sergey Skripal từng làm việc cho Cơ quan Tình báo quân đội Nga (GRU) và Cơ quan Tình báo nước ngoài của Anh (MI6) vào cùng thời điểm. Năm 2004, ông bị Cơ quan An ninh Liên bang Nga bắt giữ và bị kết án 13 năm tù vì tội phản quốc. 6 năm sau, ông được trao cho phía Mỹ theo thỏa thuận trao đổi điệp viên giữa Nga và Mỹ.

Theo các nguồn thông tin, cựu điệp viên Nga 66 tuổi này hiện vẫn tiếp tục hỗ trợ MI6 kể từ sau khi ông được Anh cho tị nạn.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.