Gập ghềnh đích đến thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung
Những tuyên bố trong những ngày gần đây của Mỹ và Trung Quốc cho thấy cả Washington và Bắc Kinh đều muốn hoàn thành thỏa thuận thương mại giai đoạn một, nhưng hai bên đều khẳng định không cần quá vội vã. Trong tuyên bố hôm 23-11, Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ Robert OBrien cho rằng, thỏa thuận giai đoạn một với Trung Quốc vẫn có khả năng hoàn thành trước cuối năm nay.
Ông nêu rõ: “Chúng tôi hy vọng hoàn tất thỏa thuận (giai đoạn một) trước cuối năm nay và điều này là hoàn toàn khả thi”. Trước đó 1 ngày, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết, Washington và Bắc Kinh có thể đang trên đà tiến tới một thỏa thuận thương mại từng phần, song bản thân ông không nóng lòng hoàn tất việc này khi nguồn thu từ thuế áp bổ sung đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc là “của trời cho”.
Thỏa thuận Mỹ-Trung giai đoạn 1 hiện chưa rõ sẽ ra sao. Nguồn: www.stimson.org. |
Ông nói: “Chúng tôi rất gần khả năng có thỏa thuận. Ông Tập Cận Bình muốn có một thỏa thuận hơn tôi. Tôi không nóng lòng thực hiện nó. Điểm mấu chốt là chúng ta có cơ hội rất tốt để thực hiện một thỏa thuận”.
Về phía Trung Quốc, Chủ tịch Tập Cận Bình cũng có quan điểm tương đồng khi khẳng định, Bắc Kinh muốn một thỏa thuận thương mại với Washington, nhưng không ngại đáp trả nếu cần thiết. Ông nhấn mạnh: “Trung Quốc muốn hợp tác (với Mỹ) để đạt được thỏa thuận giai đoạn một dựa trên cơ sở bình đẳng và tôn trọng lẫn nhau... Khi cần thiết chúng tôi sẽ đáp trả, song chúng tôi vẫn đang tích cực hợp tác để tránh xảy ra một cuộc chiến thương mại. Chúng tôi không khơi mào cuộc chiến này và đó không phải là điều chúng tôi muốn”.
Thực tế cho thấy, nếu kế hoạch diễn ra như đã định thì cuối tuần vừa qua, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Tập Cận Bình đã ký được thỏa thuận thương mại giai đoạn một, một sự kiện mà người đứng đầu Nhà Trắng gọi là “thỏa thuận lớn nhất và tuyệt vời nhất từ trước tới nay trong lịch sử nước Mỹ dành cho những người nông dân yêu nước vĩ đại”.
Hai nhà lãnh đạo đã dự kiến sẽ gặp nhau ở Santiago, Chile, tại Hội nghị Thượng đỉnh Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC). Tuy nhiên, vì biểu tình diễn ra trên khắp các đường phố Chile do người dân ở đây bất bình với chính sách kinh tế và tình trạng bất bình đẳng cho nên Tổng thống Chile, ông Sebastian Pinera, đã phải tuyên bố hồi cuối tháng trước là hủy tổ chức sự kiện này do phải tập trung ưu tiên cho việc thiết lập lại trật tự, an ninh xã hội cũng như hòa bình của đất nước này.
Giới chuyên gia chỉ ra rằng, việc đã khiến việc đàm phán thương mại Mỹ-Trung trở nên phức tạp vì hai vấn đề sau. Vấn đề thứ nhất và rõ rệt nhất chính là việc hủy tổ chức sự kiện này lại tháo gỡ áp lực các bên phải đạt được thỏa hiệp để đưa ra một thời hạn ký kết cụ thể. Thứ hai, điều đó cũng lại đặt ra một vấn đề nữa cần phải đưa vào đàm phán là sẽ chọn địa điểm ký kết ở đâu.
Một vấn đề nữa cũng là trở ngại chính trong bất kỳ cuộc đàm phán thương mại nào là có nên hủy bỏ những loại thuế quan hiện đã áp dụng không. Ngoài việc yêu cầu Mỹ không áp thêm 15% thuế lên 160 tỷ USD hàng xuất khẩu Trung Quốc vào Mỹ trong tháng 12 tới, chủ yếu là các mặt hàng tiêu dùng như đồ chơi, điện thoại di động và hàng điện tử, Bắc Kinh hiện cũng đang yêu cầu Washington dỡ bỏ 15% thuế đã áp lên 110 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc kể từ hồi tháng 9.
Tuy nhiên, yêu cầu đó của Trung Quốc hiện cũng vấp phải hai trở ngại. Thứ nhất, nhìn chung ông Trump rất ưa đánh thuế và thứ hai là các nhà đàm phán phía Mỹ vẫn giữ quan điểm rằng những thỏa hiệp của phía Trung Quốc chưa đủ để Mỹ thấy cần phải hủy bỏ thêm thuế quan đã đánh vào hàng Trung Quốc.
Đây mới là giai đoạn đầu trong đàm phán, do đó không nên trông đợi “Giai đoạn 2” sẽ diễn ra trừ khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống. Người ta đặt câu hỏi vậy mục đích của cuộc chiến thương mại này là gì? Trả lời hãng tin Bloomberg, bà Wendy Cutler, cựu quan chức chuyên đàm phán thương mại của phía Mỹ nói: “Hiển nhiên họ đã đánh cược và rõ ràng họ để cho lợi ích nước Mỹ bị tổn hại bằng chính các loại thuế quan”.
Câu chuyện dài kỳ này đã diễn ra từ lâu. Cuối tháng Sáu vừa qua, ông Donald Trump và ông Tập Cận Bình dường như đã đạt được thỏa thuận “đình chiến” ở Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Osaka, nhưng hai tháng sau ông Trump lại quay lưng lại thỏa thuận đó, bởi ông không hài lòng với tiến độ cuộc đàm phán thương mại, kể cả tiến độ nhập khẩu đậu tương và nông sản Mỹ của Trung Quốc.
Giờ đây khi sắp bước vào năm bầu cử, cách ứng xử của ông có thể sẽ khác. Tuy nhiên, nếu ông Trump dỡ bỏ thuế quan đang áp lên hàng Trung Quốc mà chỉ nhận lại quá ít thỏa hiệp từ phía Trung Quốc, thì phải chăng biện pháp thuế quan mà ông luôn ca ngợi bấy lâu nay là sai lầm?