G7 được kêu gọi hỗ trợ kinh phí tiêm vaccine trên toàn cầu

Thứ Ba, 08/06/2021, 08:27
Hơn 100 vị cựu tổng thống, cựu thủ tướng và cựu bộ trưởng ngoại giao trên thế giới kêu gọi nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu G7 chi ngân sách phục vụ tiêm chủng vaccine COVID-19 trên toàn cầu, khẳng định đây sẽ là "khoản đầu tư công tốt nhất lịch sử".

Trong thông điệp gửi các nhà lãnh đạo G7 đương nhiệm trước thềm cuộc họp thượng đỉnh của nhóm từ ngày 11 đến 13/6 tới tại Anh, 230 nhân vật nổi tiếng hàng đầu thế giới, gồm trên 100 vị cựu tổng thống, cựu thủ tướng và cựu bộ trưởng ngoại giao, đã đề nghị các nền kinh tế hàng đầu thế giới thuộc G7 ủng hộ ngân sách cho nỗ lực tiêm chủng vaccine COVID-19 tại các quốc gia nghèo khó hơn, hướng tới quyết tâm ngăn chặn dịch bệnh trên quy mô toàn cầu, Reuters ngày 7/6 đưa tin.

"Sự hỗ trợ từ nhóm G7 và G20 (Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới) để vaccine trở nên dễ dàng tiếp cận hơn đối với các nước thu nhập thấp và thu nhập trung bình không phải là một hành động từ thiện, mà đó là vì lợi ích chiến lược của mỗi quốc gia. Đúng như Quỹ Tiền tệ Thế giới (IMF) khẳng định, đây sẽ là "khoản đầu tư công tốt nhất trong lịch sử"", các cựu lãnh đạo nêu quan điểm trong thông điệp.

Hội nghị thượng đỉnh G7 dự kiến vào cuối tuần này là lần đầu tiên các nhà lãnh đạo của nhóm gặp gỡ trực tiếp từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát cuối năm 2019, với sự góp mặt của Thủ tướng nước chủ nhà Boris Johnson và các nhà lãnh đạo của Đức, Pháp, Mỹ, Italy, Nhật Bản, Liên minh châu Âu (EU), Canada. Đáng chú ý, cuộc gặp ở Anh sẽ đánh dấu chuyến công du nước ngoài đầu tiên của Tổng thống Mỹ Joe Biden kể từ khi ông nhậm chức hồi đầu năm.

Guardian thông tin, các nước G7 hiện có tỷ lệ tiêm chủng vaccine COVID-19 cao hơn nhiều so với trung bình toàn cầu, giúp họ từng bước mở cửa trở lại nền kinh tế. Số liệu của Ourworldindata chỉ ra rằng, đến ngày 7/6, Anh đã tiêm đủ hai mũi vaccine COVID-19 cho hơn 27 triệu dân, tương ứng với hơn 40% dân số. Tại Mỹ, 49,3% công dân trên 12 tuổi đã được tiêm đủ hai liều, tương đương 300 triệu mũi vaccine.

Tuy nhiên, theo các cựu lãnh đạo thế giới, diễn biến dịch bệnh vừa qua đã chứng minh, cả thế giới sẽ chỉ an toàn khi mọi người ở mọi khu vực cùng miễn dịch với COVID-19. Họ nhấn mạnh, năm 2020 đã chứng kiến sự thất bại của hợp tác toàn cầu trong phòng chống đại dịch, nhưng năm 2021 có thể mở ra kỷ nguyên mới. 

Để làm được điều đó, các cựu lãnh đạo thế giới đề nghị G7 đóng góp khoảng 44 tỷ USD, tức 2/3 của tổng số 66 tỷ USD chi phí cần thiết để tiêm vaccine COVID-19 cho mọi người dân thế giới.

Tiêm vaccine là con đường hiệu quả nhất đẩy lùi COVID-19. Ảnh: Getty Images.

Thông điệp có chữ ký của cựu Thủ tướng Anh Gordon Brown và Tony Blair, cựu Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon này cũng vạch ra lộ trình các nước G7 chi ra khoảng 30 tỷ USD mỗi năm trong vòng hai năm phục vụ nỗ lực đẩy lùi toàn diện dịch COVID-19.

Theo cựu Thủ tướng Anh Brown, việc chi tiền hỗ trợ nỗ lực chủng ngừa COVID-19 trên thế giới sẽ tương ứng chi phí  khoảng 0,43 USD/tuần/một người Anh. "(Đây) là một cái giá quá ít ỏi cho một chính sách bảo hiểm tốt nhất thế giới", ông Brown lập luận.

Lời kêu gọi của các cựu lãnh đạo thế giới tương đồng kết quả một cuộc thăm dò dư luận do tổ chức từ thiện cứu trợ trẻ em Save The Children vừa được công bố. Kết quả khảo sát ở Mỹ, Anh, Pháp, Đức và Canada nêu rõ người dân các nước này rất ủng hộ G7 chi ngân sách cho công tác triển khai vaccine ngừa COVID-19 trên toàn cầu. Trong đó, 79% số người được hỏi tại Anh ủng hộ chính sách này, tương đương tỷ lệ ở Mỹ. Tại Pháp, khoảng 63% người được hỏi tỏ ý sẵn lòng ủng hộ công tác tiêm vaccine trên toàn cầu.

Trong một tuyên bố phát đi trước thềm hội nghị thượng đỉnh G7 do Anh đăng cai, Thủ tướng Anh Boris Johnson hứa sẽ hối thúc các nước thành viên vạch rõ những hành động cụ thể nhất nhằm đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng.

"Tôi kêu gọi các nhà lãnh đạo G7 cùng tham gia chấm dứt đại dịch khủng khiếp này và cam kết rằng chúng ta sẽ không cho phép COVID-19 tàn phá thế giới thêm một lần nào nữa. Việc (hoàn thành) tiêm chủng cho thế giới vào cuối năm tới sẽ là một kỳ tích vĩ đại nhất trong lịch sử y học", ông Johnson khẳng định.

Những tuần qua, hưởng ứng những lời kêu gọi trên toàn cầu, các cường quốc kinh tế đã đưa ra nhiều cam kết hỗ trợ nỗ lực chủng ngừa COVID-19. Gần đây nhất, tại Hội nghị cấp cao về tài trợ cho cơ chế COVAX do Nhật Bản và Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) tổ chức trực tuyến ngày 3/6, chính phủ nhiều nước, các tổ chức quốc tế cùng các nhà tài trợ đã cam kết đóng góp 2,4 tỷ USD nhằm phân phối vaccine tại các nước có thu nhập thấp và trung bình, nâng tổng giá trị đóng góp tại COVAX lên 9,6 tỷ USD.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và COVAX đặt mục tiêu tiêm chủng khoảng 30% dân số ở tất cả các quốc gia vào cuối 2021 và ít nhất 60% đến hết nửa đầu năm 2022.

Các nước châu Á chạy đua phát triển, tiêm vaccine COVID-19

Trong bài đăng hôm 7/6, tờ SCMP nhận định các nước ở khu vực châu Á, nổi bật là Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ, Đài Loan (Trung Quốc), Thái Lan và Indonesia đều đang mong đợi vào nhiều ứng viên vaccine COVID-19 được phát triển nội địa, song song với nỗ lực tìm kiếm nguồn cung từ quốc tế, để đẩy nhanh quá trình tiêm chủng.

Theo tờ báo, dù các loại vaccine được phát triển nội địa sẽ tiêu tốn nhiều thời gian và công sức, nhưng đây là cách tiếp cận rất đúng đắn và là khoản đầu tư dài hạn hợp lý để đảm bảo nguồn cung trong mọi trường hợp. Các chuyên gia cảnh báo, COVID-19 đang biến đổi nhanh chóng và con người cần sẵn sàng chung sống lâu dài với dịch bệnh. Việc tiêm vaccine COVID-19 theo đó có thể sẽ phải được thực hiện hàng năm giống như cúm mùa để duy trì khả năng miễn dịch của cộng đồng.

Thiện Minh
.
.
.