Đưa quân trở lại Syria - Quyết định không giản đơn của Mỹ

Thứ Năm, 31/10/2019, 06:13
Mỹ ngày 13-10 tuyên bố rút hơn 1.000 quân còn lại tại Đông Bắc Syria, tập trung lại tại khu vực biên giới với Iraq, tuy nhiên sau đó đã triển khai 500 quân và các khí tài đến vùng chiến sự Idlib, một động thái được cho là bất ngờ và có tính toán của chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump.


Theo các chuyên gia, có nhiều nguyên nhân cho sự thay đổi đột ngột trong quyết định này của Tổng thống Donald Trump. Washington lý giải rằng quyết định này nhằm bảo vệ các mỏ dầu của Syria, ngăn tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) giành lại quyền kiểm soát.

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper cũng đã khẳng định hôm 25-10 vừa qua rằng Mỹ sẽ tăng cường sự hiện diện quân sự tại Syria với “các lực lượng được cơ giới hóa” nhằm ngăn chặn các chiến binh của IS chiếm các mỏ dầu và doanh thu từ đó. Động thái này cũng được cho là nhằm ngăn chặn chính quyền Syria và Lực lượng Dân chủ người Kurd bắt tay, hưởng lợi từ việc khai thác các mỏ dầu ở vùng Đông Bắc mà chiếm tới 90% lượng dầu của Syria.

Quyết định rút quân và tái triển khai quân của ông Trump là một động thái bất ngờ nhưng được coi là có tính toán. Ảnh minh họa: Getty Images

Mỹ cũng lo ngại nếu liên minh này được củng cố sẽ chống lại Thổ Nhĩ Kỳ sau khi Mỹ rút quân. Một lý do khác cũng được nói đến chính là quyết định rút quân khỏi Syria của ông Trump đã và đang đối mặt với sự phản đối, chỉ trích mạnh mẽ của nhiều phía. Lực lượng người Kurd, đồng minh của Mỹ trong cuộc chiến chống lại IS tại Syria nhưng bị Thổ Nhĩ Kỳ coi là khủng bố, gọi đây là sự phản bội.

Trong khi đó ngay trong nội bộ nước Mỹ, các nghị sĩ từ cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa đều không đồng tình với quyết định của Tổng thống, cho rằng việc rút quân khỏi Syria sẽ như tiếp sức cho IS tái sinh, làm mất uy tín của Mỹ với các đồng minh ở Trung Đông, thậm chí còn là động thái “bật đèn xanh” cho Thổ Nhĩ Kỳ tấn công lực lượng người Kurd tại đây.

Hạ viện Mỹ, do đảng Dân chủ dẫn đầu, hồi tuần trước đã bỏ phiếu để lên án quyết định rút quân đội khỏi vùng đông bắc Syria của ông Donald Trump. Việc Mỹ quay trở lại Syria cũng có thể là để đón đầu các cuộc tấn công trả thù từ phía IS sau khi thủ lĩnh của nhóm khủng bố này, Abu Kakr al-Baghdadi, bị tiêu diệt trong chiến dịch đột kích của Mỹ hồi cuối tuần qua.

Không dừng lại ở đó, Tổng thống Mỹ Donald Trump ngày 28-10 thậm chí gợi ý cho ông lớn dầu khí Exxon Mobil và một số công ty khác của Mỹ tiếp quản hoạt động tại các mỏ dầu của Syria, một động thái hứng chịu chỉ trích từ các chuyên gia pháp lý và năng lượng.

Nga và Iran ngày 29-10 lên tiếng phản đối quyết định của Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa quân Mỹ trở lại khu vực gần các mỏ dầu ở khu vực Đông Bắc Syria. Đặc biệt, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov cho rằng bất kỳ hành đông khai thác nguồn tài nguyên vào thời điểm này đều là vi phạm pháp luật.

Ngoại trưởng Nga nhận định rằng “bảo vệ các mỏ dầu khỏi tay IS chỉ là cái cớ” cho việc quân Mỹ quay trở lại Syria sau khi di chuyển đến Iraq. “Bản chất của bất kỳ sự khai thác bất hợp pháp tài nguyên thiên nhiên của bất kỳ quốc gia nào có chủ quyền mà không có sự đồng ý của quốc gia đó là bất hợp pháp và chúng tôi có chung quan điểm này”, Ngoại trưởng Nga Lavrov nhấn mạnh.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Iran Mohammed Javad Zarif đã đưa ra vấn đề này tại một hội nghị tại Geneva ngày 29-10 sau cuộc gặp với người đồng cấp Nga, ông Lavrov, và Thổ Nhĩ Kỳ, Mevlut Cavusogulu.

“Có vẻ như Mỹ đang ở lại để bảo vệ nguồn dầu. Và ít nhất Tổng thống Trump đang thành thật khi nói rằng Mỹ có ý định như vậy”, Ngoại trưởng Iran nói. “Iran và Nga có lời mời từ Chính phủ Syria, và chúng tôi dự định sẽ ở lại đây miễn là chính phủ và người dân Syria muốn”. Giám đốc truyền thông của Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan, Fahrettin Altun, cho biết trên Twitter rằng: “Tài nguyên thiên nhiên của Syria thuộc về người Syria”.

Có thể nói, việc Mỹ rút quân khỏi Syria chỉ là một động thái trước mắt và không phải là chiến lược lâu dài của Mỹ. Tình hình bất ổn ở Syria dường như chưa có một lối thoát vẹn toàn do sự bất ổn từ cuộc nội chiến và khủng hoảng kéo dài gần một thập kỷ qua. Cuộc chiến có sự tham gia của nhiều bên, gồm Mỹ và đồng minh, bên kia là Nga, Iran và chính quyền Syria, cũng như Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính sách đối ngoại của các bên liên quan ở Syria còn tồn tại những khác biệt và các bên không dễ gì thay đổi chính sách của mình để đánh mất lợi ích từ uy tín, nguồn dầu mỏ, lẫn vai trò ảnh hưởng ở Syria nói riêng và Trung Đông nói chung. Các nhà phân tích cho rằng một khi lợi ích của các bên còn chưa đạt được thì Syria và khu vực người Kurd vẫn còn bất ổn.

Do đó, việc các bên liên quan đưa ra quyết định ngắn hạn là điều bình thường nhưng chiến lược của họ vẫn không thay đổi. Chính vì vậy, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã “bắt tay” với một thỏa thuận tuần tra chung và việc Mỹ triển khai quân trở lại chỉ làm cho Syria thêm bất ổn.

Ít có quyết sách nào của Tổng thống Mỹ Donald Trump lại không “gây sốc”, khó hiểu hoặc chịu sự phản ứng dữ dội. Nhiều ý kiến cho rằng quyết định rút quân rồi lại đưa quân trở lại lần này của ông Trump không phải là “ngẫu hứng”.

Mỹ vừa rút đi, Thổ Nhĩ Kỳ ngay lập tức tấn công, nhưng đồng minh là Lực lượng Dân chủ Syria đã được Mỹ đào tạo, vũ trang và trang bị số lượng lớn các thiết bị quân sự tinh vi, có các phương pháp quân sự mới nhất.

Thêm nữa, Mỹ tránh được một khoản tài chính lớn nếu tham gia thành lập vùng an toàn với Thổ Nhĩ Kỳ, trong đó có chi phí cung cấp dịch vụ công cho hàng trăm ngàn và có thể hàng triệu công dân trong khu vực này. Dư luận cũng cho rằng các kịch bản này có thể là khúc dạo đầu cho một cuộc rút quân hoàn toàn khỏi khu vực Trung Đông, từ Iraq, Arab Saudi hay Kuwait của quân đội Mỹ.

Các căn cứ của Mỹ ở vùng Vịnh cũng được dịch chuyển phù hợp với những lời hứa mà ông Donald Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử tổng thống của mình. Nhưng thực tế lợi ích quốc gia và chiến lược của nước Mỹ với Syria, Trung Đông đã và sẽ không thay đổi dù ông Donald Trump hay ai làm tổng thống.

Duy Tiến (Tổng hợp)
.
.
.