Dấu hiệu “tan băng” trong quan hệ Israel và thế giới Arab

Thứ Sáu, 06/04/2018, 09:42
Mặc dù không chính thức thừa nhận Israel và luôn khẳng định việc bình thường hóa quan hệ với Israel phụ thuộc vào việc Tel Aviv từ bỏ các vùng đất chiếm đóng của người Arab trong cuộc chiến năm 1967, nhưng hồi đầu tuần này, Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman Saud của Saudi Arabia lại tuyên bố người Israel có quyền sống hòa bình trên mảnh đất của họ.

Đây được xem là một sự thay đổi lập trường đáng chú ý của Saudi Arabia và cũng được đánh giá là dấu hiệu cho thấy sự tan băng trong quan hệ Riyadh – Tel Aviv, hay nói rộng hơn, là sự nối lại quan hệ công khai giữa thế giới Arab và Israel.

Trả lời phỏng vấn Tạp chí Atlantic, Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman Saud nêu rõ: “Tôi tin rằng mỗi một dân tộc, ở bất cứ đâu, đều có quyền sống trong đất nước thanh bình của họ. Tôi tin cả người Palestine và người Israel đều có quyền có mảnh đất của riêng họ. Nhưng chúng ta phải đạt được thỏa thuận hòa bình để đảm bảo sự ổn định cho tất cả cũng như để có những mối quan hệ bình thường”.

Hoàng Thái tử Mohammed bin Salman Saud của Saudi Arabia.

Bình luận về phát biểu này, chính trị gia người Thổ Nhĩ Kỳ Ozdemir Akbal cho rằng, bằng cách tuyên bố Israel có quyền sống hòa bình trên mảnh đất của họ, Hoàng Thái tử Saudi Arabia trên thực tế đã gián tiếp ghi nhận sự tồn tại của một liên minh giữa Riyadh và Tel Aviv, hay nói rộng hơn là giữa Israel và các nước Arab Hồi giáo dòng Sunni.

Trên thực tế, trong những năm gần đây, đã diễn ra một sự thay đổi đáng chú ý giữa Israel và các nước Arab Hồi giáo dòng Sunni: Phạm vi lợi ích chung giữa họ đã mở rộng, và họ đã hợp tác thành công trong một số vấn đề quan trọng chiến lược như an ninh, năng lượng và chia sẻ tài nguyên thiên nhiên. Mặc dù phần lớn những nỗ lực này diễn ra ở hậu trường, nhưng một số lại diễn ra công khai.

Ở lĩnh vực an ninh, Israel hiện hợp tác chặt chẽ với Ai Cập và Jordan. Năm 2013, Tổng thống Ai Cập Abdel Fatah el-Sisi đã yêu cầu Chính phủ Israel, để ông có thể củng cố quân đội của mình ở Sinai nhằm chiến đấu chống lại cái gọi là Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng, cho dù làm vậy là vượt quá những giới hạn phi quân sự ghi trong phụ lục quân sự của Hiệp ước hòa bình Ai Cập – Israel.

Một ví dụ nổi bật khác về mối quan hệ đối tác của khu vực Arab với Israel là quyết định chiến lược của Ai Cập trả lại các đảo Tiran và Sanafir cho Saudi Arabia năm 2016. Hai hòn đảo ở Eo biển Tiran này ban đầu thuộc về Saudi Arabia nhưng đã được chuyển giao cho Ai Cập vào năm 1950.

Việc trao trả chúng cho Saudi Arabia đòi hỏi phải được Israel chấp thuận. Trong nhiều năm, Israel đã phản đối một động thái như vậy, nhưng đã hoàn toàn ủng hộ việc này vào năm 2016 sau khi cả Ai Cập lẫn Saudi Arabia nhờ có Mỹ đứng ra làm trung gian đã cam kết duy trì quyền tiếp cận tự do của Israel với Biển Đỏ thông qua Eo biển Tiran. Bên cạnh an ninh, nhiều cơ hội hơn đang chờ đợi hai bên trên đấu trường kinh tế.

Các nước Arab Hồi giáo dòng Sunni có thể thu lợi lớn nhờ môi giới cho các thỏa thuận năng lượng và hiệp ước thương mại với Israel, cũng như nhờ đẩy mạnh đầu tư nước ngoài lẫn nhau.

Chẳng hạn, năm 2016, Israel đã ký kết một thỏa thuận khí đốt trị giá 10 tỉ USD với Jordan, theo đó họ sẽ vận chuyển 1.600 tỉ feet khí đốt trong vòng 15 năm từ một trong những mỏ khí đốt của mình ở Địa Trung Hải. Tháng 11-2017, một phái đoàn đại diện cho mỏ khí đốt Tamar của Israel đã tới Cairo để thảo luận khả năng nhập khẩu khí đốt vào Ai Cập.

Một yếu tố quan trọng khác mà khu vực phải hành động cùng nhau là biến đổi khí hậu. Sự khô hóa của vùng Trăng lưỡi liềm màu mỡ và khắp lục địa châu Phi đã khiến nạn hạn hán lặp đi lặp lại và nạn thiếu nước ngày càng tăng. Ai Cập đã lún sâu vào các cuộc xung đột xoay quanh sự phân bổ nước từ sông Nile. Hiểu biết chuyên môn của Israel về quản lý nguồn nước, nông nghiệp sa mạc và củng cố an ninh lương thực có thể hữu ích cho tất cả các nước xung quanh và góp phần vào sự ổn định khu vực.

Chẳng hạn, với kinh nghiệm khử mặn của mình, Israel đang cung cấp lượng lớn nước cho Jordan, cũng như cho người Palestine ở Gaza, Judea và Samaria. Theo Điều 6 trong hiệp định hòa bình của họ, Israel và Jordan có nghĩa vụ hợp tác để duy trì và phát triển nguồn nước.

Do tình trạng thiếu nước trầm trọng ở Jordan, Chính phủ Israel vào năm 2014 đã quyết định tăng 50% lượng nước mà họ cung cấp; một nhà máy khử mặn mới sắp được xây dựng ở phía Bắc Aqaba, được thiết kế để cung cấp 80 – 100 triệu mét khối nước mỗi năm, chia đều giữa Israel và Jordan. Cuối cùng, hai nước cũng đã cộng tác trong một số dự án nông nghiệp.

Những dấu hiệu đầu tiên cho thấy các nước Hồi giáo dòng Sunni đang thay đổi nghiêm túc quan điểm của họ về Israel xuất hiện trong phong trào Mùa xuân Arab năm 2011, khi các tiếng nói bắt đầu kêu gọi làm hồi sinh một sáng kiến khu vực để bình thường hóa quan hệ với Israel. Các biện pháp xây dựng lòng tin đã được đề xuất, như cho phép các chuyến bay của Israel đi qua các nước vùng Vịnh và mở cửa quan hệ kinh tế.

Tháng 5-2017, tờ Wall Street Journal đưa tin rằng, một “báo cáo tham luận chưa công bố được chia sẻ trong một số nước vùng Vịnh” đã phác thảo một đề xuất, do Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) dẫn dắt, một con đường dẫn tới bình thường hóa quan hệ trong đó Israel sẽ chứng minh cam kết của mình giải quyết cuộc xung đột Palestine bằng cách đóng băng hoạt động xây dựng ở những khu vực nhất định tại Bờ Tây và nới lỏng các hạn chế thương mại bên trong Dải Gaza.

Đây chỉ là một số ví dụ cho thấy một động lực mới ở các nước Arab nhằm thúc đẩy đối thoại khu vực và khả năng nối lại tình hữu nghị với Israel.

Khổng Hà (tổng hợp)
.
.
.