Cộng đồng quốc tế lên tiếng về vi phạm của Trung Quốc tại Biển Đông

Thứ Năm, 05/09/2019, 11:32
Tiến sỹ Gerhard Will – nguyên chuyên gia về Biển Đông, Quỹ Khoa học và Chính trị Đức (SWP) đã nêu ý kiến trước việc Trung Quốc đưa tàu thăm dò địa chất Hải Dương 8 vào Bãi Tư Chính nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) và thềm lục địa của Việt Nam.

Ông nói thêm rằng, tuyên bố ngày 28-8 của Đức, Pháp và Anh về Biển Đông có ý nghĩa đáng kể bởi họ nói rõ ràng rằng, đây không chỉ là vấn đề khu vực mà cả quốc tế.

Tiến sỹ Gerhard Will nêu rõ, trong những tuần qua, Trung Quốc đã có thêm các hành vi vi phạm tại Biển Đông để củng cố yêu sách của họ. Đúng là những năm trước đây, Trung Quốc đã xây dựng những tiền đồn thông qua việc xây dựng đảo nhân tạo và bây giờ người ta biết thêm rằng, Trung Quốc muốn thực hiện yêu sách chủ quyền của mình bằng biện pháp quân sự.

Tôi tin rằng, đó là một nấc leo thang mới. Tàu thăm dò địa chất của Trung Quốc hoạt động trong vùng biển rõ ràng thuộc EEZ và thềm lục địa của Việt Nam và dĩ nhiên là ở gần bờ biển Việt Nam nhiều hơn Trung Quốc. Một điều quan trọng trong tình huống này là cần phải chỉ cho cộng đồng quốc tế thấy được câu chuyện đang diễn ra và không chỉ yêu cầu các nước châu Á mà là cả cộng đồng quốc tế lên tiếng.

Tàu khảo sát Hải Dương Địa chất 8 của Trung Quốc. Ảnh: Weibo.

Liên quan tới tuyên bố về Biển Đông ngày 28-8 của ba nước Đức, Pháp và Anh, Tiến sĩ Gerhard Will nêu rõ rằng, Liên minh châu Âu (EU) và sau đó là Đức, Pháp, Anh có một tuyên bố chung về Biển Đông. Theo ông, đây là lần đầu có một quyết định ra tuyên bố về Biển Đông như vậy.

Trước đây, họ có đề cập đến Biển Đông trong những văn bản chung. Tuy nhiên, việc họ quyết định tuyên bố về nó lại có một chuẩn mực khác. Dĩ nhiên ta có thể nói nó không mới mẻ nhưng việc họ nhấn mạnh một lần nữa rằng, nó không chỉ liên quan tới lợi ích khu vực mà cả lợi ích quốc tế. Việc EU, Đức, Pháp, Anh đặc biệt nhấn mạnh rằng những gì xảy ra trên Biển Đông cũng liên quan tới châu Âu đương nhiên không được Trung Quốc hoan nghênh.

Trung Quốc luôn cho rằng Biển Đông chỉ là vấn đề của họ với các nước láng giềng Đông Nam Á, các nước khác không tìm kiếm gì ở đây, họ cũng không có lợi ích gì ở đây.

Tuyên bố của EU và tuyên bố chung của Đức, Pháp, Anh có ý nghĩa đáng kể bởi họ nói rõ ràng rằng, đây không chỉ là vấn đề khu vực mà cả quốc tế. Chúng có liên quan tới lợi ích của chúng tôi và chúng tôi muốn xung đột leo thang trong những ngày này phải được giải quyết theo luật pháp quốc tế - điều mà Trung Quốc thường bỏ qua.

Trung Quốc nói rằng phán quyết hồi năm 2016 của Toà trọng tài Quốc tế trong vụ kiện của Philippines không có ý nghĩa pháp lý với họ... Do vậy, có thể thấy rõ là có 2 điểm được nêu ra mà phía Trung Quốc không đồng tình: Một là, luật quốc tế quan trọng, phán quyết của Tòa trọng tài quốc tế có hiệu lực và thứ hai là Biển Đông không phải chỉ là vấn đề khu vực mà là vấn đề quốc tế.

Với cách tiếp cận đó của Trung Quốc thì lợi ích của EU đã bị động chạm và tuyên bố mới nhất của EU cũng như của Anh, Pháp và Đức về Biển Đông là một chuẩn mực mới mà ta không thể tìm được ở những tuyên bố trước đó.

Trong khi đó, trong bài bình luận đăng trên tờ Wall Street Journal về các hành vi bắt nạt của Trung Quốc trên Biển Đông, chuyên gia Gregory B.Poling - Giám đốc Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) thuộc Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS), nhận định rằng, Trung Quốc đang triển khai một chiến lược lâu dài và nhất quán nhằm cưỡng ép các quốc gia phải từ bỏ các quyền hợp pháp ở Biển Đông. Những hành vi của Trung Quốc ngày càng trở nên thách thức khi họ triển khai nhiều tàu hơn tại Biển Đông so với trước đây

Chuyên gia Gregory B.Poling khuyến nghị các nước Đông Nam Á cần phải thể hiện rõ ràng quan điểm trong việc bảo vệ quyền hợp pháp theo Luật pháp quốc tế. Cùng chung quan điểm với ông Gregory B.Poling, Giáo sư Stein Tonnesson từ Viện Nghiên cứu Hòa bình Oslo cũng cho rằng, việc Trung Quốc ngăn cản các nước tiến hành các hoạt động hợp pháp tại Biển Đông cũng như can thiệp vào các hoạt động khai thác dầu khí tại EEZ của Việt Nam là có tính hệ thống. Các nước Đông Nam Á cần nỗ lực đối thoại nhằm hướng tới các giải pháp hợp lý và thực chất hơn.

Về phần mình, Giáo sư Kavi Chongkittavorn thuộc Viện Nghiên cứu chiến lược và quốc tế, Đại học Chulalongkorn (Thái Lan), cho rằng với vai trò là Chủ tịch ASEAN năm 2020, đồng thời bắt đầu nhiệm kỳ ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc 2020-2021, Việt Nam có vị trí để thúc đẩy mạnh mẽ đối thoại và đàm phán.

Về phần mình, nhà nghiên cứu Collin Koh, thuộc Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam (Singapore), cho rằng, Trung Quốc đang rắp tâm buộc Việt Nam phải ngừng hoạt động tìm kiếm, thăm dò tài nguyên trong khu vực và đánh động tới các nước khác có tranh chấp trên Biển Đông.

Theo ông, Bắc Kinh muốn rằng, nếu họ không thể khai thác tài nguyên ở vùng biển nào thì các nước khác cũng phải chịu cảnh tương tự. Ông Collin Koh cũng nhấn mạnh rằng, những gì Trung Quốc đang làm xâm phạm quyền, quyền tài phán, lợi ích hợp pháp của Việt Nam trong EEZ của Việt Nam.

Cả nhà nghiên cứu này và ông Adam Ni, nhà nghiên cứu về chính sách an ninh và đối ngoại Trung Quốc tại trường Đại học Quốc gia Australia, đều đồng ý rằng bên cạnh việc duy trì các tuyên bố cứng rắn và mạnh mẽ, tiếp tục lập trường cứng rắn, Việt Nam cần tranh thủ sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế, kêu gọi thêm nhiều ý kiến của thế giới để chống lại các hành động ngang ngược của Bắc Kinh.

Trong khi ông Adam Ni cho rằng về lâu dài, lựa chọn tốt nhất của Việt Nam là xây dựng quan hệ đối tác trong khu vực với Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, ông Collin Koh đề xuất Việt Nam đưa vấn đề này ra các diễn đàn quốc tế như các phiên họp tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Ngoài ra theo nhà nghiên cứu tới từ Viện Nghiên cứu Quốc tế Rajaratnam, Việt Nam cần tăng cường năng lực của lực lượng hàng hải, trang bị thêm cho các lực lượng thực thi pháp luật trên biển.

Minh Hải (tổng hợp)
.
.
.